Con đường lạ của Hoàng Đăng Nghiễm

22/06/2020 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Nghiễm khai mạc lúc 18h từ ngày 21/6 tại Secret Studio (1/7 Nguyễn Công Trứ, Huế) của Hoàng Đăng Nghiễm là một cuộc bày lạ. Anh sinh năm 1974 trong một gia đình có cha là họa sĩ, biết vẽ từ nhỏ, nhưng khi lớn lên lại chọn con đường kiến trúc, làm nội thất. Nhưng rồi hội họa lại quyến rũ, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Hoàng Đăng Nghiễm.

Triển lãm tranh độc bản 'Cảm xúc tháng sáu' của các họa sĩ, nhà báo

Triển lãm tranh độc bản 'Cảm xúc tháng sáu' của các họa sĩ, nhà báo

"Cảm xúc tháng sáu" là triển lãm tranh độc bản giới thiệu 45 tác phẩm của 14 tác giả trong Trại sáng tác đồ họa in độc bản do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 20 - 22/6 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

1. Tôi được xem khá sớm các tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm, với sự bàng hoàng và thú vị. Bàng hoàng bởi vì anh là một kiến trúc sư, vẽ tranh chỉ là tay trái, nhưng khi xem rồi thì thấy chẳng tay trái chút nào. Các tác phẩm của anh đi riêng một con đường khác lạ, ít nhất là trong làng trừu tượng Việt Nam hiện nay. Những ký tự, những khâu chắp vá, những mảnh đắp bằng chất liệu bố gai thô… tạo nên hiệu ứng rất đã mắt, rất gợi tưởng cho người xem.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm

Hoàng Đăng Nghiễm cho biết: “Tôi nhận thấy thế gian này sự vất vả, cực khổ, buồn tủi nhiều hơn là niềm vui và hạnh phúc. Chính vì thế, nên tôi luôn trân quý những giây phút hạnh phúc bên gia đình và bạn bè. Vậy nên, ngôn ngữ tạo hình của tôi thể hiện nhiều mất mát, hy sinh, nhưng ẩn chứa bên trong là niềm hy vọng. Hy vọng thế giới sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn”.

Vậy đó, ẩn sau những gam màu nâu xám và lạnh ấy, là cả một ước mơ tươi đẹp, ấm áp, của một tâm hồn giàu tình cảm, sự hòa điệu.

Hoàng Đăng Nghiễm vốn là con trai một họa sĩ danh tiếng ở Huế, dù rất yêu kính cha và đam mê hội họa từ nhỏ, nhưng anh muốn sống khiêm nhường, muốn tách ra để đi theo một con đường khác. Trong con đường đó, ngôn ngữ trừu tượng là một chọn lựa để làm khác, để rẽ lối khỏi sự ảnh hưởng từ cha.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thị trấn nghỉ trưa” (tổng hợp, 105cm x 190cm, 2019) của Hoàng Đăng Nghiễm

Anh chia sẻ: “Kể từ khi ý thức được bản thân, muốn có một đời sống riêng, tôi đã không muốn bị ảnh hưởng trực tiếp về quan điểm cũng như phong cách sáng tác. Với tôi, hội họa là chính mình, sự khác biệt trong nghệ thuật luôn cần cho tất cả chúng ta”.

Những tác phẩm của anh cũng là một cách nói rõ về quan điểm sáng tạo, nó gần như tách biệt về kỹ thuật, cũng như nhân sinh quan của cha mình. Đặc tên triển lãm là Nghiễm, có lẽ cũng để khẳng định về cái tôi riêng biệt, về lối đi khác này.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Phế tích” (tổng hợp, 105cm x 380cm, 2020) của Hoàng Đăng Nghiễm

2. Hỏi vì sao mê vẽ mà đến U50 mới làm triển lãm cá nhân đầu tiên? Hoàng Đăng Nghiễm cho biết công việc thiết kế kiến trúc và điều hành doanh nghiệp nội thất tại Đà Nẵng rất bận, chiếm nhiều công sức. “Mê vẽ là một chuyện, nhưng làm sao để tìm được cách vẽ tạm ưng ý, làm sao vẽ đủ tác phẩm đạt chất lượng căn bản cho một triển lãm, lại là chuyện khác” - Hoàng Đăng Nghiễm nói.

Bây giờ, đời sống, công việc đã tạm ổn định, sự tìm tòi cũng tạm đủ độ, Hoàng Đăng Nghiễm muốn dành thời gian nhiều hơn cho hội họa, cho những ý tưởng mà anh đã ấp ủ từ lâu. Xét trong tinh thần đương đại, nhiều tác phẩm của anh đã bắt đầu có được bước đột phá trong cách chơi màu, cách đắp trát lên toan, thỏa mãn được ý niệm đặt ra. Nó cũng diễn đạt được không khí trầm tích, chất lắng đọng, sự kiệm lời, đời sống nội tâm… giống như chính con người anh.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Phố nhà thờ” (tổng hợp, 105cm x 190cm, 2019) của Hoàng Đăng Nghiễm

Với 15 tác phẩm trừu tượng được chọn lựa, Nghiễm có lẽ là một triển lãm lạ tại Huế - một thành phố vốn hội tụ nhiều nhân tố nghệ thuật tiêu biểu của miền Trung và cả nước. Nếu đi được đường trường, Hoàng Đăng Nghiễm sẽ là một cá tính lạ của hội họa Việt Nam.

Triển lãm Nghiễm kéo dài đến hết ngày 21/7/2020, ban đầu dự định không bán tác phẩm, nhưng chưa khai mạc, đã có nhiều bạn bè, nhà sưu tập muốn sở hữu, nên phải bán.

Kỹ thuật “vẽ” ít giống ai

Hoàng Đăng Nghiễm may các mảnh vải cũ và mới theo bố cục mong muốn, sau đó may thêm các chi tiết, xịt các dòng chữ, nhuộm màu vải. Các đường chỉ nổi có thể là sẵn có hoặc may thêm, đều là chủ ý của tác giả. Ngoài ra anh còn dùng kỹ thuật khảm, chạm và kết dính nhiều vật liệu khác để tạo bề mặt kiểu phù điêu cho tác phẩm. Gọi chung thì đây là tác phẩm chất liệu tổng hợp.

Trần Vĩnh Thịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm