Có thể bạn chưa biết: Kỷ vật của nền văn minh

02/07/2022 07:31 GMT+7 | Văn hoá

Điểm hành hương Thánh Bartholomae nằm trên một bán đảo ở bờ Tây Nam của hồ Koenig thuộc bang Bayern (Đức). Thường ngày có nhiều du khách đi phà đến đó để thưởng lãm cảnh đẹp tuyệt vời. Không mấy ai để ý rằng sát bờ, trong nhà thuyền của một công ty đánh cá, có một kỷ vật của nền văn minh: cái bốt điện thoại màu vàng cuối cùng của nước Đức.

Có thể bạn chưa biết: Vàng cũng biết biên sử

Có thể bạn chưa biết: Vàng cũng biết biên sử

Vàng (Au) là là một nguyên tố nhóm 11 với số nguyên tử cao tồn tại ngoài tự nhiên, khá hiếm và có một số tính năng rất đặc biệt - đó là kiến thức mà ta học ở trường phổ thông. Ta biết đến nó không chỉ là vật liệu đúc tiền, làm đồ trang sức hay tác phẩm nghệ thuật.

Josef Linner là chuyên viên của công ty Telekom Đức, chịu trách nhiệm tháo dỡ các bốt điện thoại công cộng ở bang Bavaria. Có lẽ ông là người thấm thía nhất mặt trái của tiến bộ khoa học và công nghệ: Sự tiến bộ nào cũng có nạn nhân của nó, và trong nghề này ông hằng ngày chứng kiến giờ phút cuối cùng các sản phẩm mà hôm qua còn được nâng niu quý trọng, thậm chí cứu sống mạng người, nhưng hôm nay đã thành rác rưởi. Riêng năm 2018, ông đã chỉ huy tháo dỡ 300 bốt điện thoại. Và bây giờ là bốt điện thoại màu vàng cuối cùng ở Thánh Bartholomae.

Vật hy sinh của thời mới

Sáng hôm đó, ba nhân viên có mặt đúng giờ. Việc tháo dỡ và di dời bốt điện thoại chỉ là bước cuối cùng trong một quy trình dài. “Công việc tháo dỡ chỉ mất khoảng ba giờ” - Josef Linner nói, nhưng “điều này phải được làm rõ trước với địa phương quản lý nó. Họ phải đặt đơn, rồi đơn được xét và lập kế hoạch, tất cả mất khoảng tám đến mười tuần”.

Các bốt điện thoại màu vàng từng là một phần của cảnh quan hay bộ mặt đô thị. Hầu hết mọi người trên 30 tuổi còn nhớ những giai thoại liên quan: “Lần cuối cùng tôi gọi điện là vào cuối những năm 1990 trong bốt điện thoại màu vàng” - Markus Jodl, phát ngôn viên của công ty Telekom Đức, nhớ lại - “Lúc đó tôi vừa thuyên chuyển đến nơi công tác mới, vợ tôi vẫn ở Munich và vì tôi chưa lắp điện thoại cố định ngay lập tức nên tối đến tôi luôn phải chạy ra phố, đến một bốt điện thoại màu vàng”.

Chú thích ảnh
Chiếc bốt điện thoại cuối cùng của nước Đức chuẩn bị đến bãi ve chai

Bốt điện thoại màu vàng do đó là một phần quan trọng trong công nghệ liên lạc vào thời điểm đó. Vào thời cao điểm, nước Đức có hơn 100.000 điện thoại công cộng trong đó có khoảng một nửa là loại mà chúng tôi đã tháo dỡ hôm nay”.

Quả thực, chúng vẫn khơi dậy cảm giác hoài cổ trong lòng nhiều người, đánh thức kỷ niệm của một “ngày xưa” chưa xa.

Hoài cổ nhưng không tiếc nuối

“Ngày xưa” của bốt điện thoại công cộng bắt đầu vào ngày 12 tháng 1 năm 1881. Vào thời điểm đó nó có tên là “ki-ốt viễn thông” tưng bừng chào đời ở thủ đô Berlin. Để gọi điện, người dùng phải mua vé, tiền thân của thẻ điện thoại sau này. Điện thoại trả tiền xu ra đời vào năm 1899, và nó được để mắt trông nom cẩn thận trong các tòa nhà có cửa đóng như bưu điện, hành lang khách sạn hay quán hàng.

Từ thập niên 20, các bốt điện thoại trả tiền xu hay dùng thẻ trả trước đã là hình ảnh quen thuộc ở mọi thành phố của Đức. Chúng được thiết kế tiêu chuẩn hóa, nhưng chỉ từ sau Thế chiến II các bốt điện thoại mới có màu vàng. Những bốt bằng nhựa màu vàng đầu tiên được dựng lên vào năm 1978, mang mã kỹ thuật chứa ngày ra đời của nó là TelH78. Mãi 50 năm sau người ta mới đổi mới cho hợp tinh thần thời đại, các bốt điện thoại dần dần được thiết kế theo màu riêng của Telekom là trắng-xám-hồng.

Vì những tiện lợi không thể phủ nhận, dịch vụ viễn thông đối với Bưu điện Đức luôn là một thương vụ… lỗ, tức là phải bù giá. Cho đến cuối năm 1984, mỗi đơn vị giờ gọi điện (tùy theo khoảng cách) có giá 20 xu, sau đó tăng đơn vị đầu (giá mở cửa) lên 30 xu. Cũng vì không có lãi nên có lẽ Telekom chẳng luyến tiếc khi đưa điện thoại di động vào kinh doanh để “khai tử” loại điện thoại quay/bấm số cổ lỗ.

Tuy hôm nay các bốt điện thoại vẫn còn rải rác đâu đó, nhưng Telekom Đức quyết định dỡ bỏ bốt điện thoại nào có doanh thu hằng tháng giảm xuống dưới 50 euro, bởi vì khoản lỗ sẽ quá mức có thể chấp nhận được. Một cái bốt điện thoại công cộng đòi hỏi kết nối nguồn điện, mạng lưới viễn thông, thường xuyên làm vệ sinh và tu sửa v.v... Đó là những chi phí mà cước phí từ một vài cuộc gọi mỗi tháng không bù lại nổi, trừ các điểm đông người vãng lại như ga tàu, sân bay...

Chú thích ảnh
Học sinh xếp hàng vào “phòng tranh mini”

Cuộc đời thứ hai

Telekom hiện đã bắt đầu lắp các điểm truy cập wifi từ các bốt điện thoại cũ, giúp khách qua đường vào mạng bằng điện thoại thông minh hoặc laptop. Hiện đã có khoảng 2.000 điểm phát như vậy, nhưng dường như ít ai hứng thú: Với gói cước cơ bản 10 euro/tháng người Đức có thể thuê trọn gói truyền hình kỹ thuật số, wifi trong nhà và 5G khi đi đường. Thiệt thòi nhất là khách du lịch: Ở Đức rất khó tìm được điểm phát wifi công cộng hay thậm chí miễn phí, ngoài các ga tàu và trung tâm mua bán.

Hôm nay người Đức nào có máu hoài cổ thì có thể lên eBay hoặc trực tiếp mua từ Telekom một cái bốt điện thoại cổ xưa. Thường chúng có giá 600 euro, cộng thêm tiền chuyên chở đến tận cửa nhà.

Làm gì với “cổ vật” đó? Có người biến nó thành buồng tắm hoa sen trong vườn. Các văn phòng lớn với hàng chục chỗ làm việc thì dựng vài cái vào góc phòng để ai có nhu cầu thì vào đó gọi điện, khỏi quấy rầy đồng nghiệp bên cạnh.

Trong mùa dịch Covid-19, khi các bảo tàng và phòng tranh buộc phải đóng cửa, một hiệu trưởng trường làng ở Dreiluetzow đã khai trương một phòng tranh mini. Ông trưng bày ở đó tranh khắc kim loại về cây cỏ và vui mừng vì ngày nào phòng tranh của ông cũng đông người: Với diện tích thông thủy 90x90cm, chỉ hai đến ba học sinh có thể vào cùng lúc.

Chú thích ảnh
Hiệu kem tự giác, phục vụ 24/7

Một bốt điện thoại hết thời đã được một chủ quán trọ trên Swabian Alb chuyển sang mục đích mới - thành một “hiệu kem tự giác”. Ý tưởng này nảy ra trong đầu chủ quán Eric Goll khi nhà hàng bị đóng trong đại dịch. Ông cho biết: “Tôi đã tự tay sửa lại nó cùng với cha tôi. May mắn thay, chúng tôi đã tìm thấy hai chiếc tủ đá đựng kem vừa vặn”. Tiền thì khách hàng tự nhét vào máy điện thoại cũ treo trên vách. Goll nói: “Đôi khi cũng thiếu mấy đồng, nhưng nhìn chung là rất ổn”.

Thời của sách giấy chưa hết

Đừng tưởng ebook và máy đọc sách Kindle lên ngôi là không ai cần sách in nữa. Những con mọt sách thực thụ, dù ở độ tuổi nào cũng luôn thèm khát sách mới. Người ta có thể mua hoặc mượn từ hiệu sách, thư viện - hay gần đây là ở rất nhiều góc phố ở Đức. Ví dụ như ở Zscherndorf, một bốt điện thoại đã được chuyển đổi công năng.

Chú thích ảnh
Cuộc đời thứ hai là thư viện

Theo Thị trưởng Michael Aermes, ý tưởng về điểm trao đổi sách công cộng này được đưa ra trong một cuộc họp hội đồng thị trấn. Lúc đó đã có dịch Covid-19: Các lễ hội đã bị hủy bỏ, các câu lạc bộ tổ chức ít sự kiện hơn, vì vậy quỹ văn hóa truyền thống vẫn dư dả. Ủy viên hội đồng địa phương Eric Rembach cuối cùng đã đưa ra ý tưởng dùng bốt điện thoại cũ làm nơi trao đổi sách ở đó.

Nói là làm: Một bốt điện thoại cũ màu vàng đã nhanh chóng được trưng dụng. Nó được dựng trong khuôn viên trường học địa phương và được trang bị dần dần, các giá gỗ do thợ mộc Martin đóng và sơn mới. Cuối cùng là lớp láng nền được hoàn thiện, nền bê tông đảm bảo chỗ đứng vững chắc. Các thành viên của hội đồng thị trấn không ai ngại công việc. Giờ thì mọi người có thể đến chọn một cuốn sách ưa thích và đặt vào đó một cuốn của mình để thế chỗ. Cái thư viện mini này dường như được sử dụng nhiều hơn thư viện thành phố, cho dù tất cả chỉ có vài trăm cuốn.

“Ngày xưa” của bốt điện thoại công cộng bắt đầu vào ngày 12/1/ 1881. Vào thời điểm đó nó có tên là “ki-ốt viễn thông” tưng bừng chào đời ở thủ đô Berlin. Để gọi điện, người dùng phải mua vé, tiền thân của thẻ điện thoại sau này.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm