Cổ phần hóa hãng phim nhà nước (Kỳ 1): Hành trình dai dẳng

11/04/2016 13:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hãng phim Truyện Việt Nam vừa chính thức công bố cổ phần hóa. Đây là hãng phim nhà nước thứ hai thực hiện chủ trương này, dù kế hoạch cổ phần hóa đã lập cách đây một thập kỷ! Hành trình dai dẳng này vẫn đang tiếp tục.

Có tất cả 5 hãng phim nhà nước nằm trong lộ trình cổ phần hóa: Hãng Phim Truyện Việt Nam, Hãng Phim Truyện 1, Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình.

10 năm cổ phần hóa chưa xong

Sau khi có chủ trương cổ phần hóa các hãng phim từ năm 2003, đến năm 2005, cổ phần hóa được coi là "cứu cánh", đưa các hãng phim nhà nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên mọi chuyện không dễ dàng như vậy.

Năm 2009, Hãng phim Truyện 1 là đơn vị đầu tiên tiến hành cổ phần. Sau vài năm hăng hái, hãng này bắt đầu xẹp, và tồn tại lay lắt đến bây giờ nhờ việc "gia công" phim truyền hình cho các đơn vị tư nhân. Tới giờ, hãng vẫn phải sống nhờ các đơn đặt hàng "cứu đói" của nhà nước. Năm 2014, hãng chỉ sản xuất 2 phim truyện điện ảnh Về miền thương nhớ, Trên đỉnh bình yên do Cục Điện ảnh đặt hàng (được chiếu vài lần trong những tuần phim kỷ niệm), sản xuất 1 phim truyền hình cho VTV. Đến nay thương hiệu Hãng phim Truyện 1 một thời không còn mấy giá trị.

Kỷ niệm 55 Hãng phim Truyện Việt Nam (27/12/2014), nghệ sĩ vừa vui vì được gặp nhau, vừa bùi ngùi vì biết tương lai của hãng

Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng từng làm việc tại Hãng Phim Truyện 1 cho biết: Tôi từng mua khoảng 700 triệu đồng tiền cổ phần, vài năm trước đã bán lại với giá 100 triệu đồng vì từ lúc mua đến lúc bán chưa một lần được chia lãi". Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người đã rời hãng từ năm 2010 cho biết anh gần như đã quên khoản đầu tư vào hãng vì cũng như đạo diễn Hữu Trọng, anh chưa từng được chia lãi.

Sau một thời gian dài không thấy các hãng nhúc nhích, nhà nước đã yêu cầu tới tháng 12/2014 là hạn chót phải tiến hành cổ phần hóa. Tới hạn, vẫn chưa có thêm hãng nào cổ phần, tuy nhiên trong thời gian này lại có 2 hãng vẫn "ấm thân".

Giám đốc Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, bà Phạm Thị Tuyết cho biết: "Từ ngày 23/12/2014 đã có quyết định hãng không phải cổ phần hóa nữa. Hãng theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo cơ chế đặc thù, chuyên sản xuất các sản phẩm công ích và lưu trữ thông tin quốc gia".

Hãng phim Hoạt hình Việt Nam không xin được cơ chế đặc thù, nhưng tạm thời nhà nước vẫn nắm giữ hơn 90% cổ phần, mỗi năm vẫn được rót vốn làm khoảng 15 phim.

Ai mua cổ phần hãng phim nhà nước?

Giá trị thực sự của các hãng phim nhà nước hiện nay chỉ còn ở đất đai. Đó là thứ duy nhất hấp dẫn các đơn vị đầu tư.

Vì thế không khó hiểu khi đối tác chiến lược của Hãng Phim truyện Việt Nam là Tổng công ty Vận tải thủy, một đơn vị có nhiều chức năng kinh doanh, nhưng ít liên quan đến điện ảnh. Theo thông báo, ngoài hoạt động sản xuất phim, hãng này sẽ mở rộng kinh doanh nhà hàng và bán các sản phẩm của công ty.

Khoảng trống mênh mông sau bộ phim 21 tỷ đồng

Khoảng trống mênh mông sau bộ phim 21 tỷ đồng

Người ta đang bàn tán về bộ phim Sống cùng lịch sử được nhà nước đầu tư 21 tỷ nhưng có rạp không bán nổi một vé. Hẳn nhiên, phần đông là chê trách và bức xúc.

Liên lạc với đạo diễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, anh cho biết: "Hiện tại hãng vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi, phải lo các hoạt động hành chính, sự vụ. Tôi cũng như tất cả mọi người đều rất hồi hộp, chưa biết thế nào. Điều quan trọng là cổ đông lớn nhất có coi sản xuất phim là mục tiêu chính hay không, thời điểm này còn quá sớm để nói. Phải chờ thành lập Hội đồng quản trị thì mới biết được định hướng tương lai".

Theo nguồn tin của Thể thao & Văn hóa, từ năm ngoái, khi hãng tiến hành định giá, đã có rất nhiều người xin về hưu sớm, nhiều người giỏi đã quyết định ra đi. Trong quý 1 năm nay, nhân viên hãng chủ yếu lo việc... mua cổ phiếu ưu đãi.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm