Có một Nhất Linh trong thi ca qua 'Căn nhà An Đông của mẹ tôi'

03/03/2021 20:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn truyện ký Căn nhà An Đông của mẹ tôi (Phanbook và NXB Đà Nẵng) vừa phát hành của Nguyễn Tường Thiết tuy viết nhiều về mẹ và chuyện nhà, nhưng lại gián tiếp vẽ nên một vài chiều kích khác về nhà văn Nhất Linh, đặc biệt nhất là thi ca và hội họa.

Công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 và giải thưởng Hội Nhà văn 2020

Công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 và giải thưởng Hội Nhà văn 2020

Tác phẩm "Từ Dụ Thái Hậu", tác giả Trần Thùy Mai, đã đoạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020 đã được trao cho tập thơ "Bên trời" của nhà thơ Trần Kim Hoa, tập hồi ký "Gánh gánh gồng gồng" của nhà văn Xuân Phượng.

Nguyễn Tường Thiết từng công bố cuốn hồi ký Nhất Linh, cha tôi (Phanbook và NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020), nay thêm cuốn Căn nhà An Đông của mẹ tôi, độc giả sẽ có thêm một cứ liệu khá xác tín về cuộc đời một nhà văn quan trọng của thế kỷ 20.

Thi ngôn chí

Về thơ của Nhất Linh, không đợi người khác nhận xét, chính ông đã nhiều lần tự nhìn nhận là không có gì đáng chú ý. Trong bài Im lặng, ông kết bằng 2 câu: “Như hạt muối trắng/ tan trong bát nước trong”. Hoặc như trong một bức thư kèm bài thơ viết đêm Giao thừa năm Quý Tỵ (1953), có đoạn: “Đã bảy năm nay tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vốn không hay, nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết

Qua Căn nhà An Đông của mẹ tôi, Nguyễn Tường Thiết cho biết, Nhất Linh làm thơ từ năm 10 tuổi, khi ông theo cha về sống ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Bài thơ đầu tiên là nỗi nhớ Hà Nội, viết về đền Ngọc Sơn, trong đó có hai câu: “Chung quanh cây cối rườm rà/ Giữa hồ có một chùa ta đây này”. Tín hiệu của thi ca thường đến ngay từ những câu đầu tiên, nhưng có lẽ với 2 câu nặng tính nôm na của vè, Nhất Linh khó mà trở thành nhà thơ cho được.

Qua bài viết, Nguyễn Tường Thiết cố gắng phác họa những bài thơ trong đời của Nhất Linh, qua đó, người đọc thấy nhà văn này vẫn viết, nhưng có lẽ viết cho mình, nên ít khi công bố.

Thơ của Nhất Linh - tạm gọi như thế - là “thi ngôn chí”, nghĩa là làm để bày tỏ tư tưởng, ý chí. Ví dụ như trong bài Dân quê, có đoạn: “Cảnh thì cảnh bùn lầy và nước đọng/ Dân thì nghèo vất vả làm quanh năm/ Hết nắng thiêu lại gió rét căm căm/ Vẫn nhem nhuốc vẫn thân trần như nhộng”. Hoặc như 2 câu: “Mua rừng có một đồng thôi/ Còn tiền nợ nước trả đời nào xong”. Mấy câu thơ cuối cùng mà Nhất Linh viết trên trang đầu tập bản thảo cuốn truyện dài Hai con mắt: “Cùng nguyền giữ tấm lòng Nhân/ Tình yêu Tổ quốc, tình thân Bạn Bầy” - ký ngày 24/1/1961.

“Buổi sáng ngày 7 tháng 7 năm 1963, tôi hỏi thân phụ tôi là ông có sẽ thái độ ra sao trong buổi ra hầu tòa vào ngày hôm sau thì thân phụ tôi trả lời là ông sẽ chọn sự im lặng. Khi tôi hỏi ông cụ câu ấy, tôi không thể ngờ rằng chỉ vài giờ sau đó ông cụ uống độc dược tự vẫn. Ông đã chọn sự im lặng theo cung cách riêng của mình, cung cách của một nghệ sĩ” - Nguyễn Tường Thiết viết.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Căn nhà An Đông của mẹ tôi”

Thích thổi hắc tiêu

Về các sở thích của cha mình, Nguyễn Tường Thiết viết: “Bốn năm sau (1957), cha tôi mua một miếng đất tại ấp Fim-nôm, trên quốc lộ 20, phía Nam của thị xã Đà Lạt 27 cây số, miếng đất có dòng suối Đa-mê chảy qua. Ông tự vẽ họa đồ và xây một căn nhà tranh bên bờ suối, đặt tên là Thanh Ngọc Đình, để thưởng cho một loài hoa mà ông cho là tiên cách nhất trong tất cả các loài hoa.

Nhất Linh ở Fim-nôm khoảng 2 năm, từ năm 1957 cho đến năm 1959 là năm mà Thanh Ngọc Đình xây chưa xong đã bị sụp đổ trong một đêm giông bão. Thời gian đó ông thường xuyên đáp xe đò Minh Trung qua lại trên quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt. Sài Gòn là nơi cha tôi làm việc. Fim-nôm là nơi để ông nghỉ ngơi và... làm thơ”.

Qua sách Căn nhà An Đông của mẹ tôi, độc giả cũng biết Nhất Linh chính thức từ giã con đường hoạt động chính trị để quay về với văn chương vào năm 1950, khi ông từ Hương Cảng về nước. Nguyễn Tường Thiết kể: “Trong bản thảo cuốn tiểu thuyết Xóm cầu mới, cha tôi có viết lời tặng mẹ tôi như sau: Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi từ bỏ chính trị trở lại đời văn sĩ và nhờ thế Xóm cầu mới này mới ra đời. Hương Cảng trên núi, ngày 16/10/1949”.

Sách cũng cho biết, ít khi Nhất Linh sống chung với vợ con tại căn nhà An Đông - tiệm may Cẩm Lợi, mà thuê nhà trên đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ hiện nay) để ở riêng. Lý do chính là vì nhà chật quá không đủ chỗ làm việc, ông lại thích thổi hắc tiêu (kèn clarinet), mà khu chợ này ồn quá, khó tập trung. Nhất Linh còn thích vẽ tranh nữa, nên tiệm may Cẩm Lợi càng không đủ chỗ. Ông đi suốt, thỉnh thoảng mới về nhà 1, 2 ngày, rồi đi, để vợ quán xuyến gia đình và nuôi các con.

Như vậy, qua sách Căn nhà An Đông của mẹ tôi, ngoài chính trị, viết văn và làm báo, thành lập Tự Lực Văn Đoàn, độc giả có dịp biết thêm về cuộc đời thi ca và hội họa của Nhất Linh.

Bài thơ “Im lặng” của Nhất Linh

Chiều Xuân, buổi thừa hương,

Trên sân rêu còn giãi chút ánh vàng

Ngày tàn, người, vật, dáng êm ả

Gió chiều êm êm động từng lá

Xa xa dẫy đồi nét nhịp nhàng

Con sông trắng... lửa thuyền chài... thấp thoáng trong sương

Ta ngồi nhìn ra, lặng ngắt

Để cái đẹp bao la của trời đất

Thu vào đôi con mắt

Lòng ta thảnh thơi

Như không muốn gì, không thương ai

Không buồn, không nhớ, không mong

Có cái thú bình tĩnh hư không

Như hạt muối trắng

Tan trong bát nước trong.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm