Có một 'mã gien nghệ thuật Việt'

09/03/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ khi mới bắt gặp một tựa sách như Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (NXB Mỹ thuật), nhiều người sẽ e ngại vì sợ… sự khô khan của nó. Nhưng không, bằng lối diễn dịch và quy nạp mới, cũng như cách đối chiếu khá tường minh, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp mang đến một cuốn sách độc đáo, dễ đọc đến bất ngờ.

Sách Mỹ thuật ở Sài Gòn TP.HCM: Một số phần bị cho là đạo văn!

Sách Mỹ thuật ở Sài Gòn TP.HCM: Một số phần bị cho là đạo văn!

Tất cả những sai sót trong quá trình phiên âm trong cuốn "Văn hóa và nghệ thuật người Hoa TP.HCM" đều được quyển "Mỹ thuật ở Sài Gòn TP.HCM sao chép nguyên!

Vũ Hiệp (sinh 1982) là kiến trúc sư, nên các nghiên cứu của anh thường bắt đầu từ cấu trúc nền tảng, rồi mở rộng ra nghệ thuật, văn hóa, triết lý, tâm linh…

Từ mã gien nghệ thuật

Nếu chỉ nhìn vào cái tên của quyển sách, hẳn nhiều người sẽ tưởng đây là sách về di truyền học. Nhưng thực ra sách này tiếp cận từ nhân học tới nghệ thuật, cụ thể là nhân học văn hóa, nhân học cấu trúc, nhân học sinh thái, nhân học di truyền. Khái niệm then chốt trong sách là mã gien (gene) nghệ thuật, nó cũng có một nguồn cội sâu xa từ nhân học.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp

“Lịch sử đã chứng minh sự khác biệt nghệ thuật giữa các dân tộc chính là sự khác biệt về mã gien nghệ thuật. Mã gien này được định hình từ quá trình di cư và định cư, sự thích ứng với thổ nhưỡng và môi trường sinh thái, những biến cố và lựa chọn lịch sử, di truyền sinh học và di truyền văn hóa…” - trong lời nói đầu, Vũ Hiệp đặt vấn đề.

Về di truyền sinh học, tác giả nhấn mạnh tới tính đa dạng hệ gien của người Việt (từ trang 65 của sách), để qua đó lý giải tại sao người Việt thích các quan niệm, triết lý theo tinh thần chiết trung, lai ghép, tối đa, chen lấn...

Còn về di truyền văn hóa - phần quan trọng của sách này - tác giả lấy ca dao, kiến trúc, lối sống… làm cơ sở để khảo và luận. Đối với kiến trúc Việt Nam, tác giả đã chỉ ra được một số mã gien đặc trưng, cũng là nội dung chính yếu của phần 2 cuốn sách.

Chú thích ảnh
Cuốn “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền” của Vũ Hiệp

“Nghệ thuật cần được tiếp cận theo hướng nhân học, cụ thể ở đây là mã gien nghệ thuật, vì toàn cầu hóa đã làm cho nghệ thuật đương thời nhấn mạnh tính đại đồng mà không chú trọng tới đặc trưng dị biệt của các dân tộc, vùng văn hóa” - Vũ Hiệp chia sẻ - “Mục đích của sách là khẳng định tính dân tộc trong nghệ thuật và đề cao khẩu hiệu: Người Việt Nam thế nào thì tạo ra nghệ thuật thế ấy. Cứ bắt chước thô thiển thì không thể tạo ra Việt Nam đích thực được”.

Khảo về mã gien nghệ thuật Việt Nam, sách cũng chỉ ra các hình thức biến dị như giao biến, di biến, thời biến và đột biến. Đây quả là một gợi ý thú vị, tạo được cảm hứng, vì những băn khoăn về bản sắc và lai căng, nếu không tiếp cận từ gốc thì sẽ luôn dừng lại ở sự lăn tăn, cãi nhau mà không nên đầu nên đũa.

Chú thích ảnh
Các trang sách thường được trình bày theo lối so sánh, đối chiếu nên rất dễ đọc

Cho đến “lai cấy” mã gien

Phần 2 cuốn sách Vũ Hiệp dành nhiều tranh sách, nhiều công phu cho kiến trúc Việt, nơi các mã gien nghệ thuật Việt đã có những đóng góp nổi bật cho thế giới. Các mã gien đó là chiết trung, chen lấn, tối đa, ẩn dật, đa lớp, linh điểm... Tất nhiên các mã gien này đã có từ lâu trong nhân học văn hóa của nhiều quốc gia, đã xuất hiện chỗ này nơi kia, nhưng khi tích biến vào kiến trúc Việt, nó mang những đặc thù riêng, trở thành một mã gien được nhiều xu hướng kiến trúc trên thế giới “lai cấy” hoặc lấy cảm hứng.

Chú thích ảnh

Vũ Hiệp hiện là giảng viên về kết cấu xây dựng tại Trường Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội). Ngoài chuyên môn hẹp, anh còn khá am hiểu về nghệ thuật và sáng tạo, nên các nghiên cứu luôn cân bằng được tính hàn lâm và tính cảm hứng, nên đọc có cảm giác nhẹ nhàng. Nhìn ở khía cạnh về nhân học văn hóa và mã gien nghệ thuật, có thể nói Nghệ thuật dưới góc độ di truyền là “lai cấy” về phương pháp luận của những cuốn Đô thị Việt Nam - Góc nhìn từ những nơi chốn.

Từ 2015 đến nay Vũ Hiệp đã công bố nhiều nghiên cứu có chất lượng, đã xuất bản 8-9 cuốn sách nghiên cứu, nổi trội có Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật, Đô thị Việt Nam - Góc nhìn từ những nơi chốn, Tinh thần khai phóng của nghệ thuật, Sơ thảo về hình... Cuốn Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (NXB Mỹ thuật, 2018) đã được trao giải Bạc - Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018 và giải B - Giải thưởng sách quốc gia Việt Nam lần thứ 2/2019.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm