'Chuyện người lính' bán linh hồn cho quỷ của Stravinsky lần đầu lên sân khấu Thủ đô

07/04/2021 18:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vở nhạc kịch và nghệ thuât thị giác Chuyện người lính do Viện Pháp tại Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Trường kịch nghệ ATH phối hợp tổ chức sẽ có hai đêm diễn vào 20h ngày 16 & 17/4 tại Viện Pháp tại Hà Nội, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Nhà soạn nhạc Stravinsky - Phá vỡ những quy chuẩn để phát triển

Nhà soạn nhạc Stravinsky - Phá vỡ những quy chuẩn để phát triển

Với âm nhạc của Bach, Mozart, Beethoven, mỗi nhà soạn nhạc có một đặc điểm khác nhau, nhưng điểm chung là ngôn ngữ âm nhạc của họ dựa trên nền tảng chân phương, mẫu mực của quy chuẩn về thể loại cũng như cơ sở điệu thức để xây dựng tác phẩm.

Chuyện người lính (L'Histoire du soldat ) là một kiệt tác nghệ thuật trong nền âm nhạc thế giới, được nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinsky viết dựa trên cốt truyện của nhà văn Thụy Sĩ Charles Ferdinand Ramuz vào năm 1917, dành cho ba giọng kể (Người đọc, Người lính và Ác quỷ) và bảy nhạc công (violin, bass, bassoon cornet, trombone, clarinet và bộ gõ).

Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch được thể hiện bởi một dàn nhạc thu nhỏ nhưng lại chứa đựng những “tầm vóc” lớn lao về mặt thể hiện và tư tưởng tác phẩm. Âm nhạc là sự chuyển động đa dạng với nhiều thể loại như jazz, tango và ragtime.

Đại sứ quán Thụy Sĩ hỗ trợ dự án này trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.

Trong khi đó, nội dung vở kịch là cuộc đào ngũ của môt người lính, trên đường về nhà, anh đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ bằng cây đàn violon quý giá để đổi lấy cuốn sách tiên tri về tương lai. Câu chuyện tiếp diễn với cuộc tranh đấu giữa con quỷ và người lính, phản ánh giữa thực tại và sự hư ảo và để lại những dấu hỏi dành cho mỗi người xem về cuộc đời mình: tự chủ hay để bị chi phối bởi những quyền lực, danh vọng và tiền tài.

Không kể đến sự ra đời và công diễn đầy hoàn cảnh của vở diễn: ra đời vì nhu cầu mưu sinh của tác giả khi sống những năm tháng lưu vong ở Thụy Sĩ, lần đầu công diễn bị hoãn bởi dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 thì về Việt Nam, Chuyện người lính cũng từng phải trì hoãn vì dịch Covid.

Chuyện người linh, Strauvinsky, Vở kịch, vở kịch Chuyện người lính, sân khấu. nhạc kịch thị giác, nhạc kịch trình diễn thị giác, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Các nghệ sĩ đã tập luyện cho vở diễn suốt nửa năm qua

Với sự hợp tác của Viện Pháp tại Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) và Trường kịch nghệ ATH, Chuyện người lính được đạo diễn người Pháp Marcelino Martin Valiente dàn dựng, chỉ huy bởi nhạc trưởng người Nhật, Honna Tetsuji và được trình diễn bởi các nhạc công Việt Nam. Tác phẩm sẽ sử dụng tiếng Pháp, hỗ trợ màn hình dịch và tranh vẽ minh họa do Nguyễn Mỹ Anh thể hiện.

Các nghệ sĩ tham gia Chuyện người lính

Violon : Nguyễn Thiện Minh
Contrabass: Nguyễn Quang Trung
Bassoon: Văn Thanh Hà
Trumpet: Phạm Văn Hiếu
Trombone : Trần Hiền
Clarinet: Tạ Trung Đức
Bộ gõ: Bùi Anh Dũng
Diễn viên: Hứa Thanh Tú & Quentin Delorme (ATH) & Marcelino Martin Valiente
Thiết kế hình ảnh và minh hoạ: Nguyễn Mỹ Anh
(Cố vấn: Nguyễn Thành Phong)
DJ : Thibaut Rabier

Như chia sẻ của ông Trịnh Tùng Linh, phó giám đốc VNSO, các nghệ sĩ đã đã có nửa năm luyện tập nhưng vẫn chưa hết áp lực trong việc chuyển tải nội dung tác phẩm nhưng các nghệ sĩ cũng rất hi vọng, với hình thức trình diễn được cho là mới ở Việt Nam, Chuyện người lính sẽ đủ sức lan tỏa đến đời sống thưởng thức nghệ thuật của công chúng tại thời điểm này.

Còn như đạo diễn kiêm giọng đọc của con quỷ trong vở diễn, ông Marcelino Martin Valiente thì đây là lần đầu tiên, ông phải dàn dựng một tác phẩm nhạc kịch từ xa (qua internet).

Chuyện người linh, Strauvinsky, Vở kịch, vở kịch Chuyện người lính, sân khấu. nhạc kịch thị giác, nhạc kịch trình diễn thị giác, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Tranh vẽ của Nguyễn Mỹ Anh về người lính đào ngũ trong vở diễn. Được biết, khó khăn lớn nhất của Mỹ Anh khi tham gia dự án này chỉ là một chút về việc trao đổi qua internet gặp khó khăn. Trong 1 tháng, hơn 70 bức vẽ cho dự án được hoàn thành.

“Việc đạo diễn từ xa chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với tác phẩm nhạc kịch có sự kết hợp nhiều yếu tố, đặc biệt là kịch, sân khấu và nghệ thuật thị giác. Tôi cũng nhận thấy những khó khăn mà các nghệ sĩ Việt Nam gặp phải khi chúng tôi phải làm việc cách xa nhau hàng vạn dặm bay.

Âm nhạc vẫn là chủ đạo của tác phẩm nhưng nếu khó tính quá, đòi hỏi hơn nữa, thì thật sự sẽ rất khó để hiện thực hóa nội dung. Tôi chỉ ước gì mình có thể tham gia trực tiếp vào các buổi tập! Nhưng ở hoàn cảnh này, tôi rất tin tưởng vào các nhạc công. Mặt khác chúng tôi cũng phải tập rất kỹ cũng như đưa ra nhiều tình huống để ứng tác.” – đạo diễn người Pháp chia sẻ về quá trình làm việc đầy thử thách của cả ê-kíp trước ngày công diễn.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm