Chuyện ít ai biết về bản thảo ‘Nhật ký Đặng Thùy Trâm’ bằng tiếng Anh

23/07/2017 08:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovawnhoa.vn) - Bản thảo bản dịch tiếng Anh đầu tiên cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm của ông Carl W. Greifzu - cựu chiến binh Mỹ, người lưu giữ cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm suốt 20 năm ở Mỹ vừa được nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bản thảo gồm 102 trang được viết bằng bút chì trên hai mặt giấy, với nhiều nét chữ hiệu đính do bà Trần Thị Kim Dung, người vợ Việt Nam, quê Bắc Ninh của cựu binh Carl W. Greifzu dịch ra tiếng Anh trong thập niên 80 tại Mỹ. Đây là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đặng Vương Hưng trao các kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ

Từ bản dịch viết tay này của bà Trần Thị Kim Dung, cựu binh Carl W. Greifzu đã trực tiếp hiệu đính và sử dụng máy chữ gõ thành văn bản hoàn chỉnh rồi phô tô thêm hàng trăm bản gửi cho các cựu binh Mỹ cùng đọc. Họ nhận ra giá trị của cuốn nhật ký, nên đã tìm cách gửi nội dung về Việt Nam trao lại cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: Cách đây 12 năm, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm qua hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ, sau khi trở về Việt Nam đã in với số lượng hàng trăm ngàn bản. Cùng với nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, 2 cuốn sách đã tạo nên một hiện tượng xuất bản, gây chấn động xã hội, trở thành một sự kiện nổi bật được dư luận trong và ngoài nước biết đến.

Nhưng câu chuyện Nhật ký Đặng Thùy Trâm được phát hiện và dịch ra tiếng Anh thế nào thì ít người biết đến. Carl W. Greifzu đã kể lại với Đặng Vương Hưng: “Tháng 9/1971, Carl W. Greifzu được Fredric Whitehurst, lính Mỹ tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi gửi giữ hộ cuốn Nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Những ký ức về cuộc chiến luôn ám ảnh, nên Carl W. Greifzuthường nhờ vợ là bà Trần Thị Kim Dung - người Việt Nam đọc cho nghe từng đoạn của cuốn nhật ký.

Chú thích ảnh
Trang đầu bản viết tay và đánh máy dịch tiếng Anh của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Càng ngày, những dòng nhật ký viết chân thật về cuộc sống nơi chiến tuyến càng cuốn hút ông. Nhận ra giá trị của di vật đặc biệt của một “nữ bác sỹ Việt Cộng”, Carl W. Greifzu đã đề nghị vợ dịch toàn bộ nội dung ra giấy bằng tiếng Anh với mong muốn để nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng được đọc, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.”

Tháng 3/2016, nhân chuyến về thăm quê vợ tại Bắc Ninh, Carl W. Greifzu đã đến thăm hỏi gia đình và viếng mộ của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, đồng thời gặp Đặng Vương Hưng để trao tặng tập bản thảo này sau một thời gian liên hệ trước đó. Bởi mong ước của Carl W. Greifzu là muốn tập bản thảo sẽ được sử dụng với hiệu quả tốt nhất tại một trong các bảo tàng ở Việt Nam".

Chú thích ảnh
Cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu trao tặng bản dịch tiếng Anh đầu tiên Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho nhà văn Đặng Vương Hưng tại Hà Nội.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: “Tôi đã thực hiện đúng lời hứa cam kết với Carl W. Greifzu. Tháng 4/2016, kỷ vật bản đánh máy và hiệu đính của Carl W. Greifzu đã được trao tặng cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – TP. HCM. Và tôi vừa trao bản thảo bản dịch tiếng Anh đầu tiên cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm cho bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ. Lý do tôi chọn bảo tàng này là vì tôi muốn nơi đây có thêm kỉ vật về nữ anh hùng Đặng Thùy Trâm".

Ngoài ra, bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, trong những kỷ vật mà nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn có lọ hoa của bà Hà Thị Quế làm từ xác máy bay nhân kỷ niệm quân dân tỉnh Ninh Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.700 và 20 lá thư của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sỹ Tạ Lưu gửi cho người yêu và sau này là vợ: y tá Cao Thị Nhu trong thời gian từ năm 1956 – 1972.

Chú thích ảnh
Lọ hoa làm từ xác máy bay Mỹ và những lá thư thời chiến

Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua những hiện vật quý giá này, bảo tàng sẽ bổ sung và làm giàu thêm thông tin về những nhân vật, góp phần mang giá trị lịch sử cho thế hệ Việt Nam hôm nay

Mẹ Đặng Thùy Trâm có “con rể hụt” là chiến sĩ tàu không số!

Mẹ Đặng Thùy Trâm có “con rể hụt” là chiến sĩ tàu không số!

Tại Lễ ra mắt Bộ sách về đường Hồ Chí Minh trên biển sáng 12/10 vừa qua, ngoài sự hiện diện của các cựu chiến binh tàu không số còn có bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của anh hùng - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

  Ngọc Tường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm