Chuyện chưa kể về "Búp sen xanh"

24/07/2011 10:49 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhắc đến nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng không ai là không bồi hồi nhớ đến Búp sen xanh, tiểu thuyết viết về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được NXB Kim Đồng ấn hành lần đầu tiên vào năm 1982. Tính tới nay, tác phẩm này đã trải qua hơn 20 lần tái bản, được bạn đọc các lứa tuổi vô cùng yêu thích. Xoay quanh cuốn tiểu thuyết lịch sử này, còn rất nhiều câu chuyện thú vị không phải ai cũng tỏ tường.


Tiểu thuyết Búp sen xanh đã được NXB Kim Đồng tái bản khoảng 20 lần.

Khi được đề nghị một cuộc hẹn để nói chuyện về cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng – nhân dịp ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cao quý, nhà văn Lê Phương Liên (NXB Kim Đồng)– nguyên là Trưởng Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam rất hồ hởi. Bởi với Búp sen xanh và tác giả của cuốn sách này, bà có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Lần xuất bản đầu tiên

Không phải ai cũng biết, nhà văn Lê Phương Liên chính là một trong 4 người trực tiếp thực hiện công việc biên tập bản thảo của cuốn tiểu thuyết này cho lần xuất bản đầu tiên (3 người còn lại là ông Bùi Văn Hồng – Tổng Biên tập NXB Kim Đồng khi đó, ông Lê Văn Cận – Phó Tổng Biên tập và ông Nguyễn Văn Tân – Trưởng Ban biên tập sách truyền thống).

Bà nhớ lại: “Khi đó tôi rất trẻ, còn ít kinh nghiệm lắm. Đây lại là một cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Bác Hồ, nên áp lực càng lớn hơn. Cả ban biên tập và lãnh đạo NXB đều nhận thức được rằng cuốn sách này đề cập tới cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu, nên công việc biên tập được tiến hành hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng câu chữ”.

Nhà văn Lê Phương Liên cũng chia sẻ, cảm giác của bà cũng như tất cả những người được đọc bản thảo đầu tiên là vui mừng và phấn khởi vì với những người làm sách thời kì đó, ai cũng muốn có được một tác phẩm hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là lại tái hiện lại được thời thơ ấu của Người, khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia phong của xứ Nghệ.

Với biết bao thận trọng và trân trọng, năm 1982, tiểu thuyết Búp sen xanh lần đầu tiên được ra mắt bạn đọc. Ngay lập tức, NXB và tác giả cuốn sách đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau – bên cạnh những lời khen cũng có một số ý kiến trái chiều. Bởi trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Sơn Tùng đã bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, xây dựng thêm những chi tiết và sáng tạo ra một số nhân vật mang tính hư cấu. “Trong thời điểm cuốn sách ra mắt lần đầu, vẫn còn rất phổ biến những quan điểm cho rằng viết về các nhân vật lịch sử nổi tiếng, dù là thể loại tiểu thuyết, vẫn phải hoàn toàn đúng như sự thật, không được phép hư cấu. Vì thế việc tác phẩm này khi ra mắt đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều cũng là điều dễ hiểu”.

Nhà văn Lê Phương Liên giải thích thêm: “Trong cuốn sách này, nhà văn Sơn Tùng có nhắc tới khá nhiều địa danh như xứ Nghệ, xứ Huế, Phan Thiết, Sài Gòn. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa ở những địa phương ấy đã rất chăm chú theo dõi cuốn tiểu thuyết này và họ đưa ra nhiều ý kiến về mọi chi tiết. Theo tôi nhớ thì NXB hồi ấy đã nhận được không dưới 100 ý kiến, chủ yếu bày tỏ sự nghi ngại về mức độ tin cậy, xác thực của các chi tiết, nhân vật đó”.

Cuốn sách được khẳng định bằng chính giá trị tự thân

Thời điểm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những vị lãnh đạo rất quan tâm và dành nhiều lời ngợi khen cho cuốn sách này. Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, Thủ tướng đã có ý định viết lời tựa cho cuốn Búp sen xanh vào lần tái bản thứ nhất (năm 1983). Có thể thấy, nếu lúc đó cuốn sách này được tái bản với lời tựa của Thủ tướng thì cõ lẽ những “sóng gió”, những ý kiến trái chiều cũng sẽ qua. Nhưng Ban biên tập cuốn sách sau khi cân nhắc kĩ lưỡng và được sự đồng ý của tác giả, đã quyết định chưa giới thiệu bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong những lần tái bản tiếp theo của cuốn sách.

“Chúng tôi muốn cuốn sách phải tồn tại bằng chính giá trị nội dung và sức mạnh nghệ thuật của bản thân nó. Và với số lượng bản in tiêu thụ tính tới thời điểm này sau hơn 20 lần tái bản, cùng với sự yêu mến của bạn đọc, sự ghi nhận của các nhà phê bình về giá trị của cuốn sách, chúng tôi có thể tự hào rằng mình đã có quyết định đúng” – bà Liên chia sẻ.


Nữ nhà văn Lê Phương Liên và nhà văn Sơn Tùng (thứ 2 từ trái sang) tại làng Sen quê Bác.

Sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, trong những lần tái bản sau đó của Búp sen xanh, NXB Kim Đồng mới sử dụng toàn văn bức thư Thủ tướng gửi cho nhà văn Sơn Tùng làm lời tựa cho cuốn sách. Xin được trích đăng một đoạn trong bức thư này: “Đến đây, tôi muốn nói đôi điều về cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng mà nhiều độc giả, nhất là trong giới thanh, thiếu niên ưa thích; và báo chí nước ta đã đăng những bài bình luận và đánh giá mà theo tôi biết, tác giả rất chú trọng. Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề; ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn, đó là người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Một “ân tác” của Búp sen xanh

Việc NXB Kim Đồng mạnh dạn xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử hư cấu này trong thời điểm những năm 1980, rồi cùng đồng hành với tác giả đứng vững vàng trước những sóng gió, ý kiến khen chê trái chiều về cuốn sách đã góp phần tạo nên tình cảm gắn bó giữa nhà văn Sơn Tùng với NXB.

Nhà văn Lê Phương Liên khẳng định, việc cuốn tiểu thuyết này được Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên giống như một định mệnh. Bà tự hào mang ra cho chúng tôi xem cuốn sách ở trang đầu có lưu bút của nhà văn Sơn Tùng đề tặng: “Nhà văn Lê Phương Liên – một “ân tác” của Búp sen xanh”, rồi những bức ảnh đen trắng đã ố màu, được chụp trong chuyến đi của bà cùng với nhà văn Sơn Tùng về thăm quê Bác năm 1987 với mục đích tìm hiểu thực tế kĩ hơn để bổ sung, sửa chữa cho những lần tái bản sau, cũng như lấy tư liệu cho cuốn truyện tranh Từ làng Sen. Chính trong chuyến đi này, nhà văn Lê Phương Liên mới có cơ hội được nghe tác giả Búp sen xanh tâm sự rất nhiều về chuyện chiến đấu, chuyện viết và chuyện đời.

Trở thành người bạn thân thiết với nhà văn Sơn Tùng từ hồi ấy, thế nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, nhà văn Lê Phương Liên vẫn chỉ nói mình luôn coi tác giả Búp sen xanh là một người thầy và mình chỉ là một học trò thôi. “Biết nhau tới nay cũng đã hơn 30 năm, điều tôi khâm phục nhất ở ông ấy là tinh thần vượt lên khó khăn để hy sinh cho lao động nghệ thuật. Bị thương ở chiến trường Đông Nam bộ, cả một băng đạn bắn vào người, vết thương rất nặng, để lại di chứng đến tận bây giời: đi lại khó khăn, ăn uống khó khăn, thương tật và bệnh tật luôn hành hạ, thế nhưng ông ấy vẫn dồn toàn bộ tâm lực của mình vào những trang viết về những nhà cách mạng hiện đại, về lãnh tụ và các danh nhân của dân tộc”.

Nhà văn Lê Phương Liên cũng cho biết, sau hàng loạt những cuốn sách hay, giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng còn rất nhiều ấp ủ và dự định, trong đó có việc sẽ viết về đại thi hào Nguyễn Du. “Nhưng có lẽ với tình trạng sức khỏe hiện nay, nhà văn Sơn Tùng sẽ khó có thể thực hiện được tác phẩm này” - bà Lê Phương Liên tiếc nuối nói.

Sơn Tùng – cây tùng trên núi cao

May mắn được tham dự buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động của Nhà nước cho nhà văn Sơn Tùng, vừa diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam cách nay không lâu, có lẽ không chỉ tôi mà tất cả những nhà văn, nhà thơ – những người cầm bút đều không khỏi vui mừng và phấn khởi vì cuối cùng, những cống hiến, đóng góp không ngừng nghỉ suốt cuộc đời của nhà văn xứ Nghệ cho văn học, nghệ thuật và cả lịch sử nữa đã được chính thức ghi nhận.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – người bạn chiến đấu một thời đã tới dự và trực tiếp trao cho ông danh hiệu cao quý này. Nhìn ông, trong ngày trọng đại ấy, có lúc tôi đã không thể hiểu được con người ấy đã lấy đâu ra sức mạnh và quyết tâm vượt qua những cơn đau do 14 mảnh đạn M79 găm khắp cơ thể giằng xé bao nhiêu năm qua cùng với những cơn tai biến thập tử nhất sinh, làm sao với “chỉ còn ba ngón tay mà ông vẫn bám vào đời viết...”, để cho ra đời những tác phẩm thực sự giá trị về mặt văn chương và sử học.

Và rồi tôi bất chợt hiểu ra, con người ấy, ngay từ khi ra đời, đã mang một cái tên giản dị nhưng mạnh mẽ vô cùng: Sơn Tùng – cây tùng trên núi – loại cây có sức sống mãnh liệt trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời. “Cội rễ bên đời chẳng động/ Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày” (Tùng – Nguyễn Trãi). Với ông, có lẽ viết cũng là một cách để được đắm mình trong ánh hào quang rực rỡ của cái đẹp, được gần với các bậc vĩ nhân và làm cho độc giả được tiến gần hơn đến ánh sáng của lương tâm và chân lý. Nhiều người gọi ông là nhà văn chiến sĩ, là “nhà Hồ Chí Minh học”... Còn đối với một người trẻ như tôi, dù khoảng cách thế hệ tới gần nửa thế kỉ, chưa một lần được ngồi trò chuyện với ông, nhưng qua những gì được nghe kể, tôi thấy mình học được ở ông một điều giá trị: Có thể chúng ta sẽ phải mất cả cuộc đời, phải vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở để phấn đấu cho những gì chúng ta tin là đúng. Hãy dám làm, dám hy sinh và cuối cùng chúng ta sẽ nhận lại những điều tốt đẹp từ cuộc đời.

Xin được kết lại bài viết này với lời đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhắc tới Sơn Tùng là nhắc tới một con người trí cao, tâm sáng, nghị lực phi thường”, một búp sen ngời sáng giữa làng văn nước nhà.

Đỗ Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm