Chữ và nghĩa: 'Sáng tai họ, điếc tai cày'

27/07/2022 07:05 GMT+7

Thỉnh thoảng chúng ta thường hay nghe người ta nói tới thành ngữ “sáng tai họ, điếc tai cày” với hàm ý chỉ ai đó lười nhác, chểnh mảng trong công việc chính, nhưng lại rất hăng hái trong chuyện chơi bời hay những việc không đâu. Những người như vậy ngày xưa đã có và bây giờ vẫn còn không ít.

Chữ và nghĩa: 'Nó bảo sao không đến'?

Chữ và nghĩa: 'Nó bảo sao không đến'?

“Nó bảo sao không đến?”, hoặc “Không bảo sao nó đến?”, hoặc “Không bảo nó đến sao”… Đây là những câu nói bình thường trong tiếng Việt. Nhưng sẽ là không bình thường nếu nhìn từ góc độ từ điển học, ta xem xét một vấn đề: Từ một số yếu tố cho trước, ta sẽ có bao nhiêu các kết hợp ngôn từ?

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Điều thú vị là câu thành ngữ này lại bắt nguồn từ câu chuyện trâu bò, cày cuốc của nhà nông ta đấy.

Chả là, ở nông thôn, trâu bò được dân gian sử dụng trong việc kéo cày vỡ đất. Để huấn luyện cho trâu bò làm việc này, thì trâu khi còn bé (gọi là nghé), bò lúc còn nhỏ (gọi là bê) đã khá lớn (khoảng 22-24 tháng tuổi) sẽ được các bác thợ cày huấn luyện dần dần cho thuần thục việc cày bừa.

Công việc huấn luyện này nhà nông gọi là “vực”, tức là việc tập luyện cho trâu bò còn non làm quen với kĩ năng cày bừa (một công việc chính mà gia súc này đảm nhiệm, ngoài việc kéo xe vận chuyển lúa thóc và các vật dụng khác).

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Muốn vực được trâu bò, luôn luôn phải có ít nhất 2 người. Cày là việc cơ bản, đầu tiên của quy trình làm đất nên cũng là “bài học nhập môn” cho các chú nghé và bê (cày được sẽ bừa được). Người ta dắt nghé và bê ra ruộng, sau khi quàng ách lên vai chúng và lắp cày vào vị trí, một người sẽ cầm cày còn một người đứng ngay trước mặt trâu cầm dây thừng đã xỏ mũi để dắt chúng. Người cày dùng những hiệu lệnh riêng để điều khiển. Chẳng hạn, hô “đi” tức là “đi thẳng”; “họ” tức là “dừng lại”; “vắt” là “rẽ trái”; “diệt” là “rẽ phải”… Người dắt trâu sẽ làm đúng khẩu lệnh theo tiếng hô để nghé bê đang vực nhận diện được âm thanh và thực thi cho khớp với tình huống cần làm.

Việc hô hiệu lệnh và động tác kết hợp phải lặp đi lặp lại nhiều lần thì trâu bò mới quen để tuân thủ. Nếu con nào khó bảo, phá bĩnh sẽ có mấy roi quất mông ngay. Dưới sự chỉ huy của các bác thợ cày giỏi giang, mọi việc cứ tuần tự đâu vào đấy. Sau một thời gian, khi chúng đã nhập tâm thuần thục thì sẽ bỏ người phụ vực (người dắt) chỉ còn thợ cày. Sợi dây thừng xỏ mũi trâu sẽ luồn ra sau, trao cho bác thợ cày trực tiếp điều khiển (Lúc này chỉ còn một người một trâu với chiếc cày mà thôi - “con trâu đi trước cái cày theo sau”).

Nhưng cũng có nhiều chú trâu ngang bướng, lười nhác, chỉ muốn chơi không muốn cày. Nên thoáng nghe tiếng “họ” là chàng ta dừng lại liền. Có khi chàng còn tranh thủ hớt mấy ngọn khoai lang hay túm lá mạ trên đồng để ăn. Nhưng khi các thợ cày hết giờ giải lao dong trâu tiếp tục làm thì chúng lại tảng lờ, đủng đa đủng đỉnh không chịu xuống ruộng ngay. Quả là “võ” của những anh chàng lười.

Chính từ hiện tượng “đại lãn” của mấy đại gia súc này này mà dần dà, câu thành ngữ “sáng tai họ, điếc tai cày” có thêm nghĩa mới. Nó dùng hàm chỉ những người tỏ ra khôn ngoan, tinh tường trong nhiều sự tình nhưng lại tỏ ra bàng quan, “mũ ni che tai”, thậm chí tỏ ra ngờ nghệch, ngốc nghếch để cố tình tránh né những sự việc phức tạp, rắc rối, cốt sao có lợi cho mình. Những người thiếu trách nhiệm, kém tinh thần phối hợp cộng đồng như vậy thật đáng trách.

Tai nghe nhưng cứ giả đò

Rõ chàng công tử ngu ngơ, biếng lười…

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm