Chữ và nghĩa: Màu cứt ngựa

05/10/2022 08:05 GMT+7

Đây là một từ người Việt dùng để đặt cho màu sắc một loại vải. Mà vải thì liên quan tới trang phục, thời trang.

Chữ và nghĩa: Nước khoáng và nước suối

Chữ và nghĩa: Nước khoáng và nước suối

Máy bay đã ổn định độ cao. Tín hiệu yêu cầu hành khách phải thắt dây an toàn đã tắt và đèn trong khoang bật sáng trở lại. Mấy cô tiếp viên hàng không đẩy một xe phục vụ nước uống.

Xem chuyên đề "Chữ và nhĩa" TẠI ĐÂY

Chao, thời trang gì mà lại có thứ màu sắc mà nghe đã thấy quá “ôi” rồi. Cô nàng trẻ trung, xinh đẹp đến mấy mà lại được mô tả trong bộ cánh “màu cứt ngựa” thì còn gì là duyên dáng, thanh lịch (của một tiểu thư sành điệu, quý phái) nữa.

Ngôn ngữ nào cũng có hệ thống chỉ màu sắc riêng. Đó là chuyện bình thường. Nhưng về mặt phổ quát, mọi dân tộc vẫn sử dụng tên chỉ 4 màu cơ bản: Xanh, đỏ, vàng, đen. Theo công nghệ tách màu (quang cơ, hoặc điện tử) thì bất cứ sự vật nào, có màu sắc ra sao, cũng đều có thể tách riêng các màu (xanh cô-ban, đỏ cờ, vàng tươi và đen) theo các tỷ lệ khác nhau và khi trộn chúng (với tỷ lệ tương ứng như đang có) sẽ cho ta màu thực tế (ngành in đã sử dụng công nghệ tách màu này và in ra mọi bức ảnh "y như thật", bất luận thực tế nó như thế nào).

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người Việt có một hệ thống từ chỉ màu phụ vô cùng đa dạng. Chỉ riêng gam màu xanh thôi ta đã thấy: Xanh, xanh biếc, xanh cổ vịt, xanh da trời, xanh dương, xanh hòa bình, xanh đen, xanh lam, xanh lè, xanh lét, xanh lá mạ, xanh lơ, xanh lục, xanh nõn chuối, xanh ngắt, xanh rêu, xanh rì, xanh rờn, xanh rớt, xanh sĩ lâm, xanh Tô Châu, xanh trứng sáo, xanh tươi,...

"Xanh cứt ngựa" là một màu trong số ấy. Đây thuộc dòng màu "mô phỏng" một sự vật trong thực tế (như màu bã trầu, màu boóc -đô (vang Bordeaux) màu cháo lòng, màu da bò, màu da cam, màu da đồng, màu đỏ “đun” (vỏ thuốc lá Dunhill), màu lông chuột, màu mận chín, màu mắm tôm, màu tàn thuốc lá, màu tiết dê,...). Có lẽ ít người được mục sở thị bãi phân (cứt) do ngựa (một loại gia súc con người nuôi để lấy sức kéo) thải ra. Chả hiểu sao dân gian lại quan sát cái thứ chả có gì hấp dẫn này để mô phỏng và "chuyển di" để định danh một màu vải khá thông dụng.

Trên thị trường thời gian thế giới, người ta dùng từ Pantone 448C để chỉ màu này. Nó là sự hòa trộn nhóm màu vàng, đen và xanh (theo công thức có mã số CMYK 33 43 80 82).

Màu này thực tế không được đề cao theo thị hiếu người dùng nước ngoài. Theo báo The Brisbane Times (Úc) thì đây là "màu kém hấp dẫn nhất về mặt thị giác" vì gợi nên những "cảm xúc xấu xí" và "giết chết sự quyến rũ". Nhưng theo nhiều chuyên gia, màu này lại là màu đặc trưng trong trang phục của nàng Mona Lisa (bức họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci) lừng danh thế giới.

Ở Việt Nam, màu cứt ngựa hiện nay ít được dùng. Nhưng trước đây, nhất là trong thời kỳ bao cấp, những loại vải có màu cứt ngựa không hiếm. Thậm chí nó lại rất đắc dụng trong việc ngụy trang (chống sự phát hiện của máy bay Mỹ, của đối phương khi chiến đấu) và đặc biệt là khó lộ vết bẩn, tiện lợi cho việc sử dụng (ít tốn xà phòng), phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Về cơ bản, "màu cứt ngựa" cũng thuộc "tông" màu xanh quen thuộc của dân ta đó.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm