Chữ và nghĩa: Mặt nạc đóm dày

08/06/2022 07:09 GMT+7

“Những người mặt nạc đóm dày/ Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn”. Đó là hai câu ca dao quen thuộc mà ngữ nghĩa của nó chắc mọi người đã hiểu, nhằm để “ví những người ngu độn, không làm nên trò trống gì”(Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Chữ và nghĩa: Nổi máu tam bành

Chữ và nghĩa: Nổi máu tam bành

Các bạn đọc "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, hẳn không quên mấy câu thơ: “Mụ nghe nàng nói hay tình/ Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên”.

Xem chuyền đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Ai mà được cho là người “mặt nạc” hiển nhiên sẽ bị liệt vào hạng người rất đáng coi thường. Có đúng như vậy không?

Trước hết, ta phải lần lượt làm rõ hai khái niệm cơ bản được đưa vào để cấu tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu ca dao trên.

“Đóm” là một vật dụng, làm từ tre, nứa chẻ mỏng, dùng để châm lửa. Thường người ta dùng các cây tre, cây nứa, cây bương đã ngâm nước lâu, đem phơi khô, tước bỏ cật (phần cứng ở mặt ngoài), chỉ dùng phần bụng để chẻ mỏng thành “đóm”. Người ta thường dùng đóm để châm lửa thắp đèn, thắp hương, nhóm lửa và đặc biệt là những người hút thuốc lào thì đóm là vật “bất li thân”. (Các ông thợ cày, các cụ bô lão vẫn có một bó đóm to bên điếu bát hay điếu cày, khi cần thì châm lửa cho đóm cháy để hút thuốc. Ai đó được sung vào “chân điếu đóm” tức là vào vai những người giúp việc, phục vụ cho những người có chức quyền, có tiền của. “Theo đóm ăn tàn” là thành ngữ, dùng để chỉ kẻ a dua, theo đuôi, hùa theo kẻ mạnh để kiếm chác lợi lộc hoặc tỏ ra là kẻ có uy lực hay có tiền của).

Chú thích ảnh

Kinh nghiệm dân gian cho thấy, đóm chẻ càng mỏng, để càng khô càng dễ châm lửa và cháy đều. Đóm dày chậm cháy và dễ tắt giữa chừng. Vì vậy, người ta không ưa gì loại đóm này khi sử dụng.

Chính từ đây mà đóm dày làm rõ nghĩa cho “mặt nạc”. Người mặt nạc là người có khuôn mặt to hơn bình thường. Ai đã từng đọc đoạn tả khuôn mặt quan phụ mẫu (quan huyện) trong tiểu thuyết “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan: “Quan phụ mẫu là một người có nhiều cái đặc biệt. Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài. Ngài cúi mặt xuống, cả tấm thịt trên quai hàm bị cổ áo cứng nó đùn lên, nó vẽ nên một nét răn, chia má ra làm hai khu đều nhau, khu nào cũng phính và nung núc những thịt. Cái tấm má ấy đầy đặn đến nỗi giá chỉ một mũi ghim nhỏ lỡ đụng vào, là chỗ đó có thể chảy ra hàng lít nước nhờn nhờn mà ta quen gọi là mỡ”.

Tất nhiên, đó là mô tả của nhà văn với biện pháp “ngoa dụ” (nói quá, nói phóng đại). Còn theo dân gian, người “mặt nạc” là người có khuôn mặt “nung núc thịt”, làm giảm đi sự thanh thoát, lanh lợi và ngoại hình này thường biểu hiện người trí tuệ kém.

Trong câu ca dao dẫn ở trên, mặt nạc đóm dày được vì với “mo nang trôi sấp”. Mo nang là loại “lá biến đổi đặc biệt, có bẹ rất phát triển, ôm gần kín các búp măng hoặc thân cây các loại tre nứa.” (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Mo nang vứt xuống nước (ao hồ, sông ngòi...) thường lập lờ trôi ngửa, trôi sấp là không bình thường. Theo quan niệm dân gian xưa thì những người “mặt nạc” không phải là người bình thường. Họ được coi là có trí tuệ thấp, thường ngây ngô, đần độn “vô tích sự”.

Âu cũng chỉ là quan niệm của một thời, dựa vào một chi tiết ngoại hình để đánh giá con người, chúng ta cũng chỉ nên biết để tham khảo thôi.

“Đóm dày” đốt chẳng cháy đâu

So với “mặt nạc” thành câu răn đời.

PGS -TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm