Chờ cải lương 'có nhà để hát'

28/06/2022 18:45 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin đặc biệt đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam: Trong năm 2023 tới, đơn vị sân khấu sẽ khởi công xây dựng trụ sở mới tại phố Hồng Mai (Hà Nội), bao gồm cả một rạp diễn có sức chứa khoảng 200 người.

Đừng dùng chữ 'cải lương' tùy tiện!

Đừng dùng chữ 'cải lương' tùy tiện!

Nhiều lần, ta thấy hai chữ “cải lương” xuất hiện trên miệng người, trên các tác phẩm thơ văn, với ý nghĩa tiêu cực, dè bỉu. Càng buồn hơn, khi người nói, người viết đó lại là những người thuộc thành phần trí thức.

Có thể, câu chuyện ấy không thu hút được sự chú ý quá nhiều của dư luận. Nhưng với người trong nghề, đây là một cột mốc quan trọng, khi nó chấm dứt một nghịch lý trớ trêu: Trong hàng chục năm qua, đơn vị sân khấu cải lương lớn nhất miền Bắc này dù vẫn đều đặn dựng vở và biểu diễn nhưng lại... không hề có một sân khấu riêng cho mình.

Thực tế, vì nhiều lý do, việc sở hữu địa điểm biểu diễn tại Hà Nội của các đơn vị sân khấu thuộc Bộ VH,TT&DL luôn là một câu chuyện dài. Điển hình, Nhà hát Tuồng Việt Nam nhiều năm cũng ở vào cảnh ngộ tương tự, trước khi tiếp nhận rạp Hồng Hà năm 2002. Nhà hát Chèo Việt Nam từng có hơn chục năm “ngồi chờ” dự án hoàn thiện rạp Kim Mã. Còn Nhà hát Kịch Việt Nam, đến giờ, sân khấu biểu diễn chính vẫn chỉ là khán phòng hơn 100 chỗ ngồi, nằm khuất sau Nhà hát Lớn hiện tại.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở “Cây gậy thần”

Nhưng so với những trường hợp ấy, việc hoàn toàn không có một rạp diễn riêng vẫn khiến Nhà hát Cải lương Việt Nam lận đận hơn cả. Đơn cử, những năm qua với tần suất trung bình khoảng 2 vở diễn/năm, Nhà hát thường xuyên phải thuê các rạp Hồng Hà, Âu Cơ để biểu diễn với mức phí trung bình mỗi đêm từ 20 - 30 triệu đồng.

Không chỉ là một thiệt thòi cho việc phục vụ khán giả Thủ đô, sự thiếu vắng ấy còn là gánh nặng lớn cho Nhà hát trong lộ trình tự chủ tài chính theo chủ trương chung của Nhà nước - khi mọi bài toán về biểu diễn đều phải tính đến vấn đề này.

Và bởi thế, rất nhiều năm qua, tại mỗi cuộc hội thảo hay lễ kỷ niệm, câu “an cư rồi lạc nghiệp” hay “có nhà để... hát hay hơn” vẫn thường xuyên được diễn viên và lãnh đạo Nhà hát nhắc tới như một mong chờ đặc biệt. Để rồi, trong ngần ấy năm, trụ sở (không có rạp diễn) của đơn vị này tại phố Hồng Mai vẫn luôn trong cảnh xập xệ xuống cấp, tới mức nhiều đạo cụ hết chỗ chứa trong kho phải đem ra chất ở hành lang và mặt tiền...

***

Bây giờ, từ những kế hoạch về rạp diễn mới, sự chủ động về lịch diễn, về cơ hội đưa cải lương đến với khán giả của đơn vị nghệ thuật này đã có thể được tính tới trong tương lai. Đó cũng là phần thưởng đặc biệt cho một Nhà hát đã rất cố gắng để tự làm mới mình trong những năm qua với nhiều chương trình đặc biệt - mà điển hình là việc thử nghiệm đưa cải lương kết hợp với nghệ thuật xiếc trong các vở Cây gậy thần, Thượng thiên Thánh mẫu và từng được dư luận đánh giá cao.

Một rạp diễn nhỏ, nằm trong khu vực có phần không hề đắc địa so với những sân khấu liền kề phố cổ, Hồ Gươm hoặc trung tâm Hà Nội - chừng ấy đã là đủ để giấc mơ “có nhà để hát” trong hàng chục năm của Nhà hát Cải lương lớn nhất miền Bắc trở thành hiện thực. Và, dù chặng đường tiếp đó - đưa khán giả hiện đại đến với cải lương - sẽ còn rất dài, hãy cứ mừng cho một tín hiệu vui giữa cảnh ảm đạm của sân khấu truyền thống bây giờ.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm