Chèo hiện đại: không thể “ép duyên”!

14/07/2012 06:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Nghệ thuật chèo có những đặc thù riêng và không thể ấu trĩ áp đặt nó cho mọi đề tài hiện đại. Thử hỏi, người xem bây giờ làm sao chấp nhận nổi một lớp diễn về cảnh họp chi bộ, trong đó các nhân vật đập bàn tranh cãi rồi chỉ mặt nhau và... véo von hát chèo?”- một đạo diễn bức xúc phát biểu tại cuộc hội thảo về chèo hiện đại (Hà Nội, sáng 13/7).

Có tên gọi đầy đủ “Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại”, Hội thảo do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức và thu hút gần 30 tham luận của những gương mặt gạo cội của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tuy nhiên, cũng không ai nhớ nổi đây là cuộc hội thảo lần thứ bao nhiêu về một đề tài liên tục làm giới sân khấu phải “đau đầu.” Nếu tính ra, việc đưa đề tài hiện đại vào chèo đã bắt đầu từ những năm 1920 và đặc biệt phát triển mạnh từ những năm 1950 trở đi – khi rất nhiều vở chèo về cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã... đươc sáng tác nhằm mục đích phục vụ tuyên truyền chính sách.



Hội thảo về chèo hiện đại

Đáng nói, trong hàng trăm năm tồn tại trước đó, những làn điệu trữ tình, mượt mà với tính ước lệ của chèo chỉ được sử dụng để “tải” các câu chuyện mang đậm màu sắc dân gian, cổ tích như như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham... Bởi vậy, việc sử dụng cái “nền” chèo cổ ấy để  “nhét” vào hàng loạt câu chuyện thời sự từng gây nên nhiều ấu trĩ dở khóc dở cười. Đơn cử, tại Hội thảo, nhà nghiên cứu NSƯT Bùi Đức Hạnh đã nhắc tới những vở chèo cổ được cải biên mà trong đó nàng Kiều đi dân công, Kim Trọng lái xe vượt Trường Sơn, cô Tấm không lấy hoàng tử mà lấy một bần nông cốt cán..

Thậm chí, tới thập niên 1990, khi đề tài hiện đại “phủ sóng” lên hầu hết các đoàn chèo cả nước với nhiều lĩnh vực như chân dung lãnh tụ, chiến tranh, hậu chiến, công nghiệp hóa, biến động đô thị.... thì một số nhà nghiên cứu khó tính vẫn chưa thể bằng lòng về chất lượng chung của những vở diễn này. Bởi, thay cho việc lao tâm khổ tứ để “chỉnh” các làn điệu chèo cổ cho phù hợp với câu chuyện thời hiện đại, rất nhiều đạo diễn đã chọn con đường dễ hơn là “pha loãng” chèo bằng kịch. Nghĩa là, ngoài vài làn điệu “thấp thoáng”, phần lớn nội dung vở diễn là kịch nói để... giải quyết những lớp diễn mà nghệ thuật chèo khó có thể đưa vào.   

Chính bởi sự vừa làm vừa “mày mò” thử nghiệm về chất lượng nghệ thuật như vậy, PGS Trần Trí Trắc tại Hội thảo đã so sánh Chèo hiện đại như ngôi nhà chung đông người mà thiếu chủ. Ở ngôi nhà đó, ai viết, ai đạo diễn, ai khen chê, ai quản lý... đều thoải mái mà thiếu đi người chủ chính danh để phân định rạch ròi. Sự phân định rạch ròi ấy, cuối cùng vẫn là cái điều mà sân khấu chưa làm tốt: tìm được những tiêu chí nghệ thuật “chuẩn” để phân định đúng – sai, xấu – tốt cho chèo hiện đại.

Có lẽ, gợi ý của nhà nghiên cứu PGS Phạm Duy Khuê tại Hội thảo là một điều đáng chú ý: hãy nghiên cứu để chọn lựa các đề tài hiện đại cho chèo một cách chọn lọc, thay vì “ép duyên” với hàng loạt vấn đề căng thẳng của đời sống hiện nay. Bởi, đặc thù trữ tình của chèo thường phù hợp với những đề tài liên quan tới tình yêu, gia đình, sinh hoạt đời thường... vốn dĩ khá gần gũi với bản chất của những vở chèo truyền thống.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm