Chào tuần mới: Lựa chọn thông minh

15/08/2022 07:27 GMT+7

Tâm điểm của tuần mới này có lẽ chính là việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022. Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, mặc dù sắp hết thời gian đăng ký (hạn cuối là 17h00 ngày 20/8/2022), nhưng cho đến tuần qua, vẫn còn rất nhiều thí sinh chưa thực hiện việc này.

Thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến

Thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến

Bắt đầu từ ngày 22/7, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chọn ngành chọn nghề là một việc hệ trọng của đời người, đúng là không thể vội vàng, hấp tấp. Với các thí sinh, đây là thời điểm các em đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, việc lựa chọn nguyện vọng, ngoài mong ước và đam mê, thì còn muôn vàn những con tính dựa trên số liệu thực tế và dựa cả trên phán đoán nữa để tăng xác suất trúng tuyển lên mức cao nhất. Cho nên, việc nhiều thí sinh còn băn khoăn, thậm chí hoang mang là điều hết sức bình thường.

Nhưng theo các chuyên gia tư vấn giáo dục, các em cũng cần phải tỉnh táo, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Khi ấy dễ gặp nguy cơ rủi ro về kỹ thuật, đường truyền. Hơn nữa phải ghi nhớ rằng, sau thời hạn 17h00 ngày 20/8, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo. Khi đó, thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.

Từ đây, một câu hỏi được đặt ra, đó là: Đăng ký nguyện vọng như thế nào là thông minh? Chọn ngành trước hay chọn trường trước? Với câu hỏi này, cá nhân tôi đồng tình với tư vấn của TS Võ Thanh Hải (Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân), khi ông cho rằng phải “chọn ngành mình mong muốn học, rồi đến chọn trường. Ngành chọn trước vì nó là nghề mình đi theo sau này”.

Chú thích ảnh
Tâm điểm của tuần mới này có lẽ chính là việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022. Ảnh: Internet

Các em cũng cần phải bỏ lối tư duy, cứ chọn đỗ vào một trường đã (kể cả là trường mình không yêu thích), rồi sau đó chuyển sau, bởi đấy là suy nghĩ sai lầm rất dễ dẫn tới việc mấy năm học sẽ chẳng đi đến đâu vì trường mình không yêu thích.

Chuyện lựa chọn cũng có xác suất của nó, có thể bây giờ là đúng, nhưng vài năm sau không còn đúng nữa thì đấy cũng là điều hết sức bình thường. Tôi nhớ có cậu em cùng tập luyện karatedo cách đây hơn 20 năm, thi đỗ ngành công nghệ thông tin, được sang học bên Ấn Độ, về nước công tác tại một viện khoa học lớn, đúng chuyên môn được học.

Vậy mà mấy năm sau cậu em chuyển sang làm kinh doanh một sản phẩm liên quan đến sức khỏe, không dính dáng gì đến chuyên môn đã học. Nhiều lần gặp nhau tôi đều hỏi có thấy khó khăn gì không, cậu em luôn cười tươi trả lời rằng, khi học công nghệ thông tin là học được cách tư duy, giờ chuyển sang kinh doanh áp dụng thấy cũng phù hợp.

Đấy cũng là ví dụ nói lên rằng, cuộc sống cũng có những thay đổi, nhưng cá nhân mình vẫn phải là người làm chủ quyết định tương lai. Sự lựa chọn nguyện vọng cũng phải tính đến đường tiến và đường lùi, nói cách khác cũng phải có các phương án dự phòng.

Trước câu hỏi đăng ký nguyện vọng như thế nào là thông minh, một chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng: “Theo tôi sự thông minh ở đây là phù hợp nhất với mình. Đó là sự phù hợp về năng lực của bản thân, sau đó mới đến yếu tố sở thích, đam mê và một tiêu chí nữa là tiềm lực của gia đình (truyền thống gia đình, tiềm lực về tài chính), cuối cùng là dựa trên nhu cầu của xã hội”.

Theo tôi, đấy chính là những tư vấn thiết thực, cụ thể cho các thí sinh tham khảo. Và tôi cho rằng, cho dù theo học ngành nào, trường nào, các em đều phải cố gắng và phải học để tích lũy kiến thức và nâng cao năng lực hành nghề thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đó không phải là việc tham gia “cuộc đua” vào các trường nổi tiếng, các ngành học “thời thượng”. Cân nhắc kỹ lưỡng, bình tĩnh, sáng suốt khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Chúc các em đạt được nguyện vọng của bản thân.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm