Chào tuần mới: Đọc sách cũng như hô hấp

18/04/2022 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang sống trong những ngày “Hội sách và văn hóa đọc 2022” (từ 15/4 đến 21/4/2022).

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc

Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc". Trong đó, trọng điểm từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/2022.

Xem chuyên đề "Văn hóa đọc" TẠI ĐÂY

Với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”, năm nay tại nhiều địa phương trong cả nước đã có rất nhiều các hoạt động gắn với việc giới thiệu sách, tuyên truyền, cổ vũ bạn đọc đến với sách, đưa phong trào đọc sách trở thành một nề nếp văn hóa.

Nhiều năm trở lại đây, báo chí nói nhiều về việc người trẻ bây giờ ngại đọc sách, báo, cho rằng tình trạng này đã đến lúc báo động. Vậy cần phải làm gì để văn hóa đọc phát triển?

Tôi nhớ, trước đây, khi ở vào độ tuổi cắp sách đến trường, chúng tôi chỉ biết đến những hội sách dành cho thiếu nhi thường được tổ chức vào dịp 1/6 hay là Tết Trung Thu. Thời kỳ ấy, sách báo còn thiếu thốn cho nên những dịp như thế đúng là ngày hội, bọn trẻ chúng tôi có cơ hội được cầm trên tay những cuốn sách mới, được đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn mình mến mộ. Khi ấy chẳng cần hô hào hay kêu gọi, cứ hễ có hội sách là đông nghịt người. Có cảm giác như là ai cũng rất “đói sách”, cho nên cứ có sách mới là tìm đọc. Ai đó đọc được cuốn sách hay thì thế nào cũng sẽ chia sẻ cho mọi người cùng tìm đọc, bàn luận.

Chú thích ảnh
Các em học sinh đọc sách tại Ngày sách. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay thì khác. Khi đã có internet, nhiều người trong xã hội nhất là giới trẻ thường ngại đọc sách vì có quá nhiều thứ để luận bàn trên mạng xã hội.

Tất nhiên, phải hiểu đọc sách bây giờ không phải chỉ là đọc những trang sách in truyền thống, trang tài liệu thông thường. Nó có thể là những trang sách điện tử, là những trang “sách nói”, “báo hình”. Thậm chí những người sống quanh ta cũng có thể là những “cuốn sách sống” để chúng ta “đọc” và học hỏi.

Có thể vì thế cho nên một vài năm trở lại đây chúng ta biết đến thuật ngữ “văn hóa đọc”. Tức là làm sao cho mỗi cá nhân cần rèn luyện để hình thành được thói quen đọc sách, sở thích đọc và kỹ năng đọc để tiếp thu được những kiến thức phù hợp, có ích cho bản thân mình.

Tuy nhiên, thái độ của chúng ta đối với việc đọc sách cũng là một vấn đề rất đáng lưu ý. Sinh thời, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã cho rằng: “Chúng ta đọc một quyển sách không phải để thuộc lòng câu này ai nói, nói năm nào, cũng không phải để biết tác giả ấy đang làm cái gì mà để tìm hiểu cái sáng tạo của anh ta hay ở chỗ nào và mình có thể bắt chước đến mức nào. Bởi vì nhiệm vụ của chúng ta là làm ra cái gì chứ không phải là biết người ta làm cái gì”.

Việc đọc sách thì không thể thấy ngay kết quả, thậm chí bạn còn không nhận ra những thay đổi, những kết quả đạt được. Tuy nhiên, theo thời gian nó sẽ dần thấm sau vào tri thức của mỗi người. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất có lẽ là xây dựng những thói quen đọc sách của cả cộng đồng. Hướng mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tìm đọc những cuốn sách có giá trị kinh điển, cuốn hút, mang hơi thở thời đại, có tính nhân văn cao.

Điều này đúng như văn hào Voltaire đã viết: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Cũng cần nhớ rằng, đọc loại sách nào không phải là điều quan trọng, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận, cách chúng ta dành thời gian cho việc đọc sách mỗi ngày để tích lũy kiến thức.

Trong cuốn sách “Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời”, tác giả Atsushi Innami cho rằng, việc đọc sách cũng như hô hấp, trong đó việc đọc là “hít vào”, còn “thở ra” là viết tóm tắt những gì cô đọng được, đặc biệt là những câu trích dẫn hoặc là đem áp dụng những điều hay vào cuộc sống. Có hô hấp thì mới có sự sống. Vì thế nên khi đọc sách, bạn cũng phải “hô hấp” để duy trì được sức sống cho việc đọc.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm