Cải lương cháy vé: Dấu hiệu hồi sinh hay niềm vui nhất thời!

10/05/2021 19:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, trong năm 2021, một số chương trình cải lương đã bán hết vé và được khán giả tán thưởng. Dẫu vậy, đối với người trong cuộc, đó không phải là thước đo để cho thấy dấu hiệu hồi sinh của nền nghệ thuật cải lương đang khá yếu ớt.

Vở cải lương 'nàng Xê-Đa': Mới mẻ và sang trọng

Vở cải lương 'nàng Xê-Đa': Mới mẻ và sang trọng

Vở cải lương Nàng Xê-đa (kịch bản chèo: Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân) từng đốn tim biết bao nhiêu khán giả suốt thập niên 1980, với khoảng 1.500 suất diễn, khi thu truyền hình lại gây một “cơn bão” khắp miền Nam. Công ty biểu diễn Song Việt vừa đầu tư tái dựng với bàn tay đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, ra mắt suất duy nhất vào đêm 30/1 tại Nhà hát Bến Thành.

Vở cải lương hồ quảng Lưu Bị cầu hôn Giang Tả do 6 đời gia tộc Minh Tơ phối hợp trình diễn tại hội quán Sen Việt (tầng 1 sân khấu 5B Võ Văn Tần), với 2 suất 1/5 và 14/5/2021 đã bán hết vé trước 1 tháng.

Chú thích ảnh
Ba thế hệ cải lương gia tộc Minh Tơ cùng tái xuất trong vở “Lưu Bị cầu hôn Giang Tả”

Vở cải lương hồ quảng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài của đoàn Chí Linh - Vân Hà có sự tham gia của ngôi sao Vũ Linh, dự kiến diễn ra tại Nhà hát Thành phố ngày 13/6/2021, nhưng hiện tại vé đã bán gần hết, chỉ còn vài ghế bên cánh gà. Live show cải lương của quái kiệt Hồng Nga chủ đề Kiếp cầm ca diễn ra tại Phòng trà Không Tên vào ngày 9/5/2021 cũng bán hết vé từ khá sớm (Tuy nhiên, do tình hình Covid-19, đêm diễn 9/5 bị hủy, đêm 14/5 có thể bị hủy…).

Trước đó, vở cải lương Nàng Xê-đa của Hoa Hạ dàn dựng hồi đầu năm 2021, đi lưu diễn tại Bắc Ninh đã kín rạp cả 2 suất và khán giả ủng hộ nhiệt liệt. Lùi lại hơn 1 tháng, live show cải lương của nghệ sĩ Thanh Hằng tại Phòng trà We cũng đã cháy vé. Nhìn vào hiện tượng bán vé quá tốt này, nhiều người đang đặt ra một câu hỏi đầy hy vọng: Phải chăng sức sống cải lương đã tới lúc hồi sinh?

Chú thích ảnh
Vở “Nàng Xê-đa” của Hoa Hạ từng cháy vé

Chưa thể hồi sinh

Theo nhận định của giám đốc điều hành Trần Hào của đoàn cải lương Chí Linh - Vân Hà, cải lương yếu ớt nhưng chưa bao giờ chết. Ngay cả giai đoạn từ cuối thập niên 1990, khoảng thời gian đánh dấu cải lương bắt đầu khủng hoảng cho đến nay, khán giả vẫn còn rất mê cải lương. Vấn đề là nghệ sĩ có dựng được những tuồng tích đúng gu thưởng thức của công chúng hay không?

Ông Trần Hào khẳng định: “Khi đoàn cải lương Chí Linh - Vân Hà mới được thành lập, chúng tôi diễn hàng tháng, hầu như suất nào cũng hết vé. Về sau, do gặp khó khăn về kịch bản và việc tập hợp anh em nghệ sĩ, trung bình 2 tháng chúng tôi diễn 1 vở và tình hình khán giả ủng hộ vẫn luôn kín rạp. Nhưng bây giờ thì đã khác, chỉ kín được vài suất đầu tiên”.

Giá vé cải lương rất cao so với phim hoặc kịch nói, từ 150.000 đến 1.500.000 đồng/1 vé, thậm chí nhiều hơn, tùy hàng ghế. Điều này cho thấy rằng khán giả không ngoảnh mặt với cải lương. Tuy nhiên, điều quan trọng là nghệ sĩ sẽ phục vụ hương vị bữa ăn như thế nào, để ngoài khán giả cũ, sẵn có, còn thu hút thêm khán giả trẻ, khán giả mới.

Chú thích ảnh
Vở “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” dự kiến ngày 13/6/2021 mới công diễn, nhưng hiện tại vé đã bán gần hết

Ngay các tuồng tích thu hút được khán giả vẫn không đánh giá được đó là chỉ dấu báo hiệu cải lương hồi sinh. Ông bầu Chí Linh của đoàn Chí Linh - Vân Hà bộc bạch: “Chúng tôi có lực lượng khán giả trung thành, nhưng mỗi suất diễn chỉ bán được từ 400 - 600 vé, một số lượng rất khiêm tốn. Quan trọng hơn, mỗi vở chúng tôi chỉ diễn được vài suất là xếp kho, không giống như thời hoàng kim, 1 tuồng có thể diễn hàng trăm suất trở lên. Nói chính xác hơn, số lượng khán giả dám bỏ tiền mua vé xem cải lương ngày nay có giới hạn, mỗi đoàn có một lượng nhất định, nếu diễn nhiều suất thì cũng không ai xem. Vì vậy, nghệ sĩ chúng tôi ngày nay không sống được bằng cách hát tuồng tích bài bản trên sân khấu như thời cải lương còn mạnh, chúng tôi buộc phải chạy sô đi hát đình, hát miễu, đám tiệc…”.

Dù trong năm 2021 này có nhiều sô cải lương cháy vé, cải lương vẫn ở trong tình trạng khấp khởi hy vọng, chứ không ai dám nhận định đó là tín hiệu hồi sinh. Nếu tính tổng số vé của tất cả các sân khấu được bán ra, còn quá khiêm tốn so với phim ảnh và kịch nói. Cái được ở đây chính là tạo thêm động lực cho những con người đã sống chết vì cải lương.

Thiếu nhiều sự đầu tư

Soạn giả Hoàng Song Việt xác nhận: “Gu thưởng thức của khán giả ngày nay là thể loại tuồng cổ hương xa, quan trọng là họ rất thích các tuồng tích cũ. Kịch bản mới nếu thuộc thể loại xã hội, gần như không thể bán được vé. Có thể vì kịch bản tuồng xã hội hiện đại không chạm được vào cảm xúc của công chúng. Vì thế, các đoàn buộc phải tái dựng các kịch bản tuồng cổ kinh điển, hoặc là những kịch bản tuồng cổ mới sau này nhưng đã được khán giả ủng hộ. Các tuồng như thế vẫn có khán giả ủng hộ”.

Nói về kịch bản, nhiều người nhắc đến tuồng tích lịch sử Việt Nam. Đây là một thể loại khó nhằn dù có rất nhiều kịch bản làm thổn thức lòng người như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Rạng ngọc Côn Sơn, Bức ngôn đồ Đại Việt… Ngày nay các đoàn ít dám chạm đến thể loại này vì nếu dàn dựng sát lịch sử thì câu chuyện quá khô khan, khán giả không thích. Nếu thầy tuồng nào dám sáng tạo thêm thắt tình tiết, sẽ bị phê bình là sai chính sử.

Hơn nữa, việc tái dựng các tuồng lịch sử kinh điển của dân tộc tốn kinh phí rất cao, không còn nhiều nghệ sĩ đủ nội lực chuyển tải. Vậy nên, cuối cùng các đoàn muốn bán được vé thì phải xoay đi xoay lại các tuồng hồ quảng có tích Tàu. Với thể loại này, diễn viên ăn mặc lộng lẫy, cảnh trí bắt mắt, nhân vật chính có thể yêu và hận, bay nhảy phép thuật tùy nghi sáng tạo của tác giả, không cần phải ghép vào khuôn phép, đầu tư dễ chịu.

Soạn giả Hoàng Song Việt, ông bầu đoàn cải lương Đại Việt, cho biết thêm: “Đợt lưu diễn phía Bắc lần này, chúng tôi bán nguyên suất diễn cho ông bầu ngoài ấy, khán giả dù khá đông, nhưng chúng tôi không thắng về doanh thu. Nhưng chúng tôi đã lấy được cảm tình của công chúng phía Bắc. Khán giả đã thích vở của chúng tôi, nên chúng tôi lên kế hoạch sẽ diễn ở Hà Nội vào tháng 6/2021. Việc khán giả ủng hộ cải lương là tín hiệu mừng nhưng tôi vẫn luôn cho rằng phải chờ xem các vở tuồng có trình diễn được lâu bền hay không. Nếu chỉ diễn được vài suất rồi ngưng, tôi cho rằng có thể khán giả đến vì tò mò mà thôi”.

Theo ông bầu Chí Linh: “Cải lương muốn hồi sinh phải có sự trợ giúp từ nhà nước. Các đoàn nhà nước phải được đầu tư tốt hơn để sáng đèn thường xuyên, làm đầu tàu kéo các đoàn tư nhân nhỏ lẻ. Với các đoàn tư nhân, nhà nước nên hỗ trợ về nhiều mặt, mà ưu tiên nhất vẫn là không gian trình diễn. Hiện tại chúng tôi phải thuê nhà hát với chi phí quá cao, khiến không còn tiền đầu tư vào nội dung vở diễn. Các đoàn tư nhân bây giờ cũng khan hiếm nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, nên khó càng thêm khó”.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm