Ca khúc 'Over The Rainbow': Biểu tượng cho ước mơ và khát vọng

04/02/2018 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã sang tháng 2 nhưng đối với người Việt, năm mới chỉ thực sự bắt đầu sau Tết Âm lịch. Cận Tết là khoảng thời gian mà những tàn dư u ám từ năm cũ khiến người ta có phần chùn bước trên con đường hướng đến năm mới. Thay vì lo lắng, hãy lạc quan đón năm mới theo cách của một “kẻ mộng mơ”.

Trong sáng và giản dị, ca khúc Over The Rainbow qua hơn một thế kỷ đã vượt lên trên thông điệp về khát vọng thoát khỏi thực tại của một cô gái, trở thành “bản thánh ca”của ước mơ hướng con người đến niềm hy vọng tươi sáng trong những thời khắc mong manh nhất.

Cảm hứng giữa cái nắng rực rỡ của “kinh đô điện ảnh”

Một ngày đẹp trời năm 1939, nhạc sĩ Harold Arlen thay vì ở trong nhà đã chạy xe đến đậu trước một hiệu thuốc, tìm kiếm cảm hứng từ cái nắng vàng rực rỡ của Hollywood và dòng người qua lại. Ông ngồi trong xe, để dòng cảm hứng đưa đẩy ngân nga trong vô thức một vài điệu nhạc vu vơ cho đến khi linh tính mách bảo Harold ngừng lại, nhẩm đi nhẩm lại đoạn nhạc mới nảy ra.

Chú thích ảnh
Cảnh phim “The Wizard Of Oz” khi Judy Gerland hát ca khúc “Over The Rainbow”

Nhận thấy dấu hiệu tiềm năng của một bản hit, nhạc sĩ Harold Arlen liên hệ ngay với nhạc sĩ Yip Harburg, thuyết phục ông viết lời. Hai người đã từng hợp tác trong một vài bản hit trước đây như It's Only A Paper Moon Brother, Can You Spare A Dime, Lydia The Tattooed Lady và khi ấy họ cũng đang được đề nghị sáng tác nhạc cho bộ phim thần thoại The Wizard Of Oz (Phù thủy xứ Oz).

Khi mới nghe qua, Yip Harburg tỏ vẻ không thích và cho rằng giai điệu này quá chậm đến mức não nề. Chiều lòng ông bạn, Harold Arlen tìm đến Ira Gershwin, anh trai nhà soạn nhạc vĩ đại George Gershwin xin lời khuyên. Sau một ngày bàn bạc và quyết định đẩy nhanh nhịp điệu lên một chút thì giai điệu Over The Rainbow đã được định hình như chúng ta đang nghe ngày hôm nay.

Kẻ mộng mơ trong thế giới thần thoại

Over The Rainbow được cất lên ngọt ngào qua tiếng hát của ca sĩ - diễn viên Judy Garland (vai Dorothy Gale) trong 5 phút đầu phim The Wizard Of Oz. Giống như mô-típ của mọi bộ phim nhạc kịch khác, bài hát được sử dụng như lời độc thoại nội tâm của cô nàng Dorothy Gale, nói lên mong ước thoát khỏi tình cảnh tù túng, bí bách hiện tại.

Cảnh độc thoại đến ngay sau khi Dorothy gặp phải một chuyện khó chịu và nghe lời khuyên từ người dì “Hãy tự tìm đến một nơi mà cháu không gặp rắc rối nữa”. Câu nói tác động mạnh đến Dorothy Gale, cô quay sang chú chó và bắt đầu thầm thì như nói với chính mình: “Một nơi không có rắc rối. Mày có nghĩ rằng có nơi như vậy không, Toto? Hẳn là có. Không phải nơi mà chúng ta có thể đến bằng thuyền, hay tàu hỏa. Nó xa, xa lắm. Đi qua mặt trăng, qua những cơn mưa...”. Cứ thế, giọng nói ngọt ngào của cô gái ngây thơ ngả dần thành điệu ngân dịu dàng.

Chú thích ảnh
Album nhạc phim “The Wizard Of Oz”

Một đoạn điệp khúc cũng được hát bởi Dorothy Gale khi cô bị nhốt trong lâu đài của phù thủy, bất lực chờ đợi cái chết trong lúc chiếc đồng hồ cát cạn dần.

Đã có một nhạc sĩ từng nói rằng, bài hát muốn sống lâu trong lòng công chúng, trước hết phải đơn giản và dễ nhớ, dễ nhẩm theo, mọi lúc mọi nơi. Over The Rainbow là một trường hợp như vậy. Bài hát mộc mạc đầy lạc quan qua giọng hát thánh thót trong sáng của Judy Garland, ánh mắt ngây thơ trong veo của cô hướng nhìn bầu trời khắc họamột khát khao mãnh liệt.

Khát khao được bay đến “phía bên trên cầu vồng”, “bỏ lại những đám mây đằng sau”, nơi mà “rắc rối tan chảy như những giọt nước chanh”. Mong ước ấy dẫu xa vời, dẫu cô mới chỉ “được nghe đến trong một bài du ca”, nhưng nếu “những cánh chim xanh hạnh phúc có thể bay đến phía trên cầu vồng”, vậy tại sao cô không thể? Bởi ngay khi Dorothy Gale, hay bất cứ ai đủ dũng khí để cất lên được lời ca như vậy, sâu trong tâm hồn họ đã làm được điều đó rồi.

Tại sao lại là cầu vồng? Câu hỏi từng được đặt ra cho nhạc sĩ Yip Harburg, và ông giải thích: “Đó là thứ nhiều sắc màu duy nhất Dorothy Gale được nhìn thấy trong cuộc đời”.

Cho đến thời điểm này Over The Rainbow được xem là bản ballad vĩ đại nhất mọi thời đại. Ấy vậy để đến được “tầng cao xanh biếc” nó cũng phải vượt qua những thời điểm bế tắc. Điển hình là ngay sau khi phim The Wizard Of Oz được chiếu thử tại San Luis Obispo, California nhà sản xuất từng yêu cầu cắt bỏ Over The Rainbow ra khỏi bộ phim bởi nó quá chậm rãi, nếu để ở đoạn mở đầu rất có thể sẽ kéo tụt nhịp độ của cả phim (dù như đã nói ở trên, bài hát đã được đẩy nhanh hơn ban đầu). Và cũng bởi người đứng đầu dàn nhạc cho rằng ca khúc sẽ hợp hơn với giọng ca trưởng thành kiểu như Jeanette MacDonald, chứ không dành cho cô bé mới lớn hát trong xó vườn.

May mắn thay sự kiên trì của nhà sản xuất liên kết Arthur Freed và Roger Edens, huấn luyện viên thanh nhạc cho Judy Garland đã vượt lên định kiến trên, giữ lại không chỉ một phần của bộ phim mà cả một kiệt tác của lịch sử âm nhạc.

Dẫn dắt người Mỹ bước qua những thời khắc đen tối nhất

Đầu những năm 1930, nước Mỹ hứng chịu cuộc đại suy thoái kinh tế khiến cả đất nước rơi vào tình cảnh kiệt quệ trầm trọng. Dù chương trình Kinh tế mới của Tổng thống Franklin Roosevelt kể từ năm 1933 đã dần đem lại ánh sáng cho nước Mỹ, nhưng tàn dư cuộc Đại suy thoái vẫn tồn tại cho đến những năm cuối thập niên 1930, thời điểm Over The Rainbow ra đời. Ca khúc này với thông điệp lạc quan của nó đã cứu cho không ít người khỏi tình trạng tuyệt vọng, đến nỗi người ta ước rằng tại sao nó không ra đời sớm hơn.

Sang đến Thế chiến II, Over The Rainbow cùng với White Christmas đã được những người lính Mỹ chiến đấu tại châu Âu lựa chọn làm biểu tượng cho quê hương. Năm 1943, nữ diễn viên Judy Garland thậm chí còn đem ca khúc này đến biểu diễn trong doanh trại quân đội.

Over The Rainbow đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Nó là biểu tượng cho ước mơ và khát vọng của mọi người, đến mức tôi chắc rằng nhiều người đã không khỏi rơi lệ khi nghe nó. Tôi đã hát nó hàng ngàn lần và cho đến tận bây giờ, vẫn luôn cất nó trong trái tim mình” - Judy Garland chia sẻ trong buổi phỏng vấn vào năm 1967, 2 năm trước khi bà qua đời.

Over The Rainbow giành giải Oscar cho bài hát nhạc phim hay nhất vào năm 1940. Bài hát được Viện điện ảnh Mỹ lựa chọn là ca khúc nhạc phim hay nhất mọi thời đại, đồng thời là ca khúc bất hủ nhất thế kỷ 20 do Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) bình chọn.

“The Wizard Of Oz” - Phim thần thoại hay nhất mọi thời đại

The Wizard Of Oz (Phù thủy xứ Oz) là bộ phim thần thoại của Mỹ, phát hành năm 1939. Phim được đạo diễn Victor Fleming chuyển thể từ tiểu thuyết thiếu nhi ra mắt năm 1900 của nhà văn Frank Baum, The Wonderful Wizard Of Oz.

Phim kể câu chuyện về cô gái mồ côi Dorothy Gale (Judy Garland) thủ vai, người do không hài lòng với cuộc sống nhàm chán nơi trang trại ở Kansas đã mơ đến một ngày được thoát khỏi thực tại. Mong ước của cô trở thành hiện thực cô được đến xứ Oz thần tiên đầy màu sắc.

Ra mắt vào “thời hoàng kim” của Hollywood và nhận được nhiều lời khen có cánh của các nhà phê bình điện ảnh, The Wizard Of Oz chỉ thu về doanh số khiêm tốn 2,7 triệu USD. Phim nhận được 6 đề cử Oscar nhưng lại chỉ thu về 2 giải thưởng cho Ca khúc nhạc phim (Over The Rainbow) và Nhạc nền, do không cạnh tranh được với “bom tấn” ra mắt cùng năm là Gone With The Wind.

The Wizard Of Oz luôn nằm trong Top những bộ phim hay nhất mọi thời đại và nhiều chi tiết của phim đã đi vào văn hóa, đời sống Mỹ.

Ca khúc 'It's Just Another New Year's Eve': Chỉ là đêm Giao thừa thôi mà!

Ca khúc 'It's Just Another New Year's Eve': Chỉ là đêm Giao thừa thôi mà!

Những thời khắc cuối cùng của năm 2017 chầm chậm qua, kéo theo dòng suy tư, hồi tưởng, trang tổng kết đầy nuối tiếc về những mục tiêu hay nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành. Thời điểm cuối năm dễ khiến lòng người bâng khuâng, một nỗi buồn man mác hoài niệm trước gạt hết đi khi để trôi dần sang niềm hân hoan đón một khởi đầu mới.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm