Buồn vì phụ huynh ít mua sách cho con

31/05/2016 13:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo một cuộc điều tra của NXB Trẻ, chỉ có3% phụ huynh “rất thường xuyên” mua sách cho con. Đây hẳn là tin không vui cho văn hóa đọc của trẻ em.

Theo điều tra, mức độ phụ huynh mua sách cho trẻ “rất thường xuyên” và “thường xuyên” chiếm tỷ lệ khá thấp. Trong đó, “rất thường xuyên” mua sách cho con chỉ có 3%, còn “thường xuyên” mua chiếm 31%. Những phụ huynh “thỉnh thoảng” mua sách cho con chiếm 50% và “hiếm khi” mua sách cho con chiếm 16%.

Lo cho văn hóa đọc

Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phản ánh về cuộc vận động Người Việt viết sách cho trẻ em Việtcủa NXB Trẻ tổ chức, có ý kiến cho rằng các bậc phụ huynh khi chọn sách cho con phần nhiều chọn sách ngoại thay vì chọn sách của các tác giả trong nước.

Với tư cách người làm sách, ông Nguyễn Minh Nhựt – Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ, cho rằng: “Tâm lý chuộng ngoại này là có nhưng nói người thì phải xem lại mình, điều này có thể do sách nội địa không nhiều cho các sự lựa chọn của phụ huynh dành cho trẻ em”.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các tác phẩm của ông luôn là "hàng hiếm" cho sự lựa chọn của phụ huynh và bạn đọc trẻ

NXB Trẻ có thể là đơn vị xuất bản chịu khó nghiên cứu thói quen của bạn đọc, cụ thể trong năm 2015 đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học “bỏ túi” về “Hành vi tiêu dùng của phụ huynh trong việc lựa chọn sách cho trẻ”.

Cuộc điều tra này lấy ý kiến ngẫu nhiên từ 300 phụ huynh tại TP. HCM về các lý do mua sách cho con trẻ. Rất may, chỉ có 27% phụ huynh chọn mua sách bản quyền nước ngoài so với 36% sách thuần Việt.

Cộng với con số tỷ lệ cha mẹ thường xuyên mua sách cho con thì đó là những con số biết nói về sự quan tâm đến sự đọc của con em mình. Có lẽ, văn hóa nghe nhìn và các phương tiện giải trí khác đang lấn át nên nhiều phụ huynh ít quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc của con em mình.

Một phụ huynh đang tìm mua sách cho con tại đường sách Nguyễn Văn Bình tâm sự: “Thời tôi và nhiều đứa bạn có tuổi thơ lớn lên thời bao cấp lấn qua vài năm đổi mới, có được cuốn sách do cha mẹ mua cho là cả món quà lớn.

Không đủ tiền mua sách thì xin tiền đi thuê sách về đọc. Tôi chưa biết văn hóa nghe nhìn sẽ làm các thế hệ sau tôi lớn lên về tâm hồn và trưởng thành về nhân cách bao nhiêu, nhưng tôi tin rằng đọc sách sẽ không bao giờ thừa để hoàn chỉnh một con người”.

Đây là điều đáng suy ngẫm, khi văn hóa đọc sách trong người lớn đang ngày càng thụt lùi thông qua số lượng mỗi đầu sách được in, kể cả các cuốn sách đoạt giải Nobel in tại Việt Nam chỉ vài ngàn cuốn, nói gì sách dành cho trẻ em.

45,5% cha mẹ quan tâm đến nội dung sách

Cũng may, trong số các phụ huynh có mua sách cho con trẻ, có đến 39% phụ huynh chọn sách giáo dục nhân cách như: truyện cổ tích, truyện kể cho bé, bài học đạo đức… cho con mình. Có 31% phụ huynh chọn mua sách cung cấp kiến thức khoa học, lịch sử, danh nhân cho con và 22% phụ huynh mua sách phát triển tư duy sáng tạo. Chỉ có 8% phụ huynh mua sách truyện tranh cho con mình.

Tuy nhiên, phụ huynh ít để trẻ chủ động chọn mua cuốn sách cho bản thân vì sự ưa thích. Sự cách biệt về tuổi tác và thế hệ rất khác nhau, việc “ép” trẻ mua sách theo ý của phụ huynh là điều khá khiên cưỡng khi vì điều đó làm giảm sự tự do của con trẻ dù các cháu thích đọc sách.

Cuộc vận động 'Người Việt viết sách cho trẻ em Việt': Gạt bỏ danh lợi để viết sách cho trẻ em

Cuộc vận động 'Người Việt viết sách cho trẻ em Việt': Gạt bỏ danh lợi để viết sách cho trẻ em

Hôm 25/5, NXB Trẻ có cuộc họp báo và giao lưu về hoạt động sách mùa Hè 2016 dành cho bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi. Tiền thân NXB Trẻ mang tên Măng Non nên đơn vị này sau 35 năm hình thành vẫn không quên mảng sách dành cho trẻ em.


Có 22% trẻ tự chọn sách so với 44% trẻ nhận sách từ sự “gợi ý và có thảo luận với trẻ” khi quyết định mua và 29% do “cha mẹ hoàn toàn quyết định mua sách”.

Tối đa mỗi lần phụ huynh dẫn trẻ đi mua sách là bao nhiêu? 54% phụ huynh cho biết mua từ 100 - 300 ngàn đồng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với số tiền chi cho mua sách như thế so với một bữa nhậu của cha hay đi làm tóc của mẹ.

Trở lại suy tư của ông Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt, lý do vì sách dành cho trẻ em Việt ít được phụ huynh quan tâm, theo cuộc điều tra này: Vì hơn 30% phụ huynh cho rằng nội dung kém, hơn 15% phụ huynh cho rằng sách thiết kế chưa đẹp, chưa nắm bắt thị hiếu của trẻ và thông tin trong sách còn nhiều sơ sót. Cuốn sách ảnh hưởng thế nào đến trẻ luôn là quan tâm của phụ huynh với 45,5% ý kiến về điều này.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm