Bước vào thế giới của 'Đám trẻ nhiễu văn hóa'

10/08/2022 18:53 GMT+7 | Văn hoá

Nếu thể xác em ở đây, nhưng tinh thần em ở đó, vậy thì chính xác em ở đâu? Mười lăm tuổi, Ngọc (Bi) Nguyễn được bác sĩ tâm thần đầu tiên trong đời mình hỏi như thế. Tác phẩm Đám trẻ nhiễu văn hóa (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam) của Ngọc (Bi) Nguyễn, do Thanh Giang - Ngọc Linh dịch, vừa phát hành, ghi lại các băn khoăn này.

Con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt sách là tác phẩm giành Giải Dế mèn

Con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt sách là tác phẩm giành Giải Dế mèn

NXB Kim Đồng vừa ra mắt tập truyện Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm của tác giả Cao Khải An (12 tuổi) - con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Sẽ mất đi nhiều sự đặc biệt, nếu Ngọc (Bi) Nguyễn không phải là đứa trẻ nhiễu văn hóa. Cô sinh ra ở Moskva (Nga), trong một gia đình người Việt Nam. Sau đó, cô cùng anh trai mình theo học một trường quốc tế Pháp, “dưới áp lực của ông bà vốn ủng hộ giáo dục Pháp”. Nếu bạn bè đồng trang lứa có thể được bố mẹ giúp đỡ trong quá trình làm bài tập, thì anh em nhà Ngọc không được như thế, vì phụ huynh của họ không biết tiếng Pháp.

Cuộc khủng hoảng nhân dạng

Rồi kế đến, Ngọc phải rời Việt Nam năm 15 tuổi, đến Mỹ theo học tại một trường nội trú. Cô rơi một tình trạng mà bản thân gọi là “cuộc khủng hoảng nhân dạng”, vì bị “đặt vào một thế giới không có thật và không bền vững”.

Cơn khủng hoảng này được quy trách nhiệm cho phụ huynh, những người đã thay cô quyết định nhiều chuyện hệ trọng và dường như đã không quan tâm nhiều đến cảm xúc, cũng như tình thế mà cô sẽ trải qua khi thay đổi môi trường sống. “Họ bán cho tôi một giấc mơ viển vông mà giờ tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ đạt được”.

Chú thích ảnh
Tác giả Ngọc (Bi) Nguyễn

Trưởng thành trong những nền văn hóa khác biệt và lạc lõng như thế, Ngọc lớn lên với những băn khoăn về bản sắc, về những câu hỏi mình là ai, mình thuộc về đâu. Chúng cứ trở đi trở lại, theo cô từ lúc là một bé gái đến khi trở thành thiếu nữ.

Cuốn sách Đám trẻ nhiễu văn hóa được Ngọc (Bi) Nguyễn viết như cách đi tìm câu trả lời cho vấn đề của chính mình, cũng là của nhiều đứa trẻ đang sinh trưởng trong môi trường đa văn hóa, hay bị di chuyển.

Có thể xem Đám trẻ nhiễu văn hóa như một hồi ký, con đường để tự thấu hiểu chính tác giả. Nhưng đồng thời, cuốn sách còn là một khảo sát nhỏ về những đứa trẻ phát triển trong môi trường phức hợp này, với các trải nghiệm vừa riêng tư, vừa ẩn chứa nhiều bất trắc.

Tác giả đã dành thời gian để thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với những người nhiễu văn hóa mà cô biết. Cuộc phỏng vấn với người bạn Donatien Sardin, đối với tác giả Ngọc (Bi) Nguyễn, có lẽ đây là lần đầu tiên hai người bạn thời thơ ấu nói chuyện với nhau như người lớn, về một chủ đề kết nối với cả hai: Bị nhiễu văn hóa và làm sao để chữa lành.

Sardin chia sẻ: “Không chỉ là thế giới bên ngoài, tớ cũng phải thay đổi cả thế giới bên trong và chào tạm biệt con người cũ của tớ khi sống ở những nơi trước kia”.

Ở đây gần như là sự đoạn tuyệt với quá khứ, một điều mà nếu không phải người trong cuộc, thật khó để thấu hiểu. “Đó là lý do vì sao tớ không giữ liên lạc với mọi người trong những phần đời đã qua, tớ cần buông bỏ hoàn toàn để tiếp tục tiến về phía trước và vui vẻ trở lại” - Sardin thú nhận với Ngọc.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đám trẻ nhiễu văn hóa” của Ngọc (Bi) Nguyễn vừa phát hành tại Việt Nam

Như một lời khuyên trước khi đưa trẻ du học

Ở tuổi 14, Ngọc (Bi) Nguyễn “quyết định mình thực sự là người Pháp”. Nhưng không phải đứa trẻ nào trưởng thành trong môi trường đa văn hóa cũng dám xác quyết như vậy. Sự di chuyển qua lại giữa các nước cũng như các nền văn hóa, cuối cùng, đã cho phép một nhân vật được phỏng vấn trong cuốn sách chọn lựa được nền văn hóa phù hợp hơn, nơi họ có thể phát triển tối đa năng lực bản thân.

Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa đối với các bậc phụ huynh sắp sửa cho con cái theo đuổi các chương trình giáo dục nội trú quốc tế, du học hoặc chuẩn bị di cư. Cuốn sách sẽ giúp họ mở cánh cửa vào thế giới nội tâm của con trẻ. Những đứa trẻ quá nhỏ đã phải chạm vào các vấn đề như bản sắc, sự hòa hợp, sự vong bản về tâm hồn…, khiến chúng khó đưa ra được định nghĩa, huống chi là đưa ra câu trả lời.

Trong một thế giới phẳng, khái niệm công dân quốc tế ngày càng phổ biến hơn. Cuốn sách Đám trẻ nhiễu văn hóa cho thấy đây không là một hiện tượng cá biệt, nên rất cần thiết có những tiếng nói từ người trong cuộc.

Trên phương diện đó, tác phẩm chia sẻ những âu lo, tìm kiếm sự đồng cảm với những đứa trẻ nhiễu văn hóa, bởi vì như tác giả viết có lẽ cô “chưa bao giờ thực sự thuộc về bất kỳ nền văn hóa nào trong số đó”, mà chỉ thuộc về “những mảnh vụn của chúng”. Và mỗi đứa trẻ nhiễu văn hóa có thể học cách “chọn ra những yếu tố tốt nhất trong mỗi nền văn hóa”.

Suy cho cùng, “cảm giác thân thuộc về văn hóa của một người không bao giờ nằm ở nơi bạn đã sống, mà là cách bạn đã sống”.

Một định nghĩa phức tạp

Các dịch giả Thanh Giang - Ngọc Linh đã chọn cụm từ “đứa trẻ nhiễu văn hóa” để dịch “weird culture kid”, từ dùng để định nghĩa “người không vừa vặn với bất kỳ tiêu chuẩn nào về văn hóa và tự tạo ra một văn hóa nhiễu cho bản thân, để có được cảm giác thuộc về một cái gì đó, hoặc một cộng đồng nào đó”.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm