Bùi Anh Tôn - Những ca khúc được hát vang giữa sân trường

20/01/2021 09:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại lễ trao giải thường niên Hội Nhạc sĩ VN tối 17/1/2021, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn được nhận giải B thể loại các khúc thiếu nhi, bài Cha trong trái tim của con.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, khi làm bộ giáo khoa tiếng Việt (bộ hiện hành, phát hành từ năm 2000) các nhà biên soạn đã đưa ca từ bài hát Mẹ có yêu không nào của Lê Xuân Thọ vào trang 131 sách Tiếng Việt 1 (tập 1) làm bài đọc, khi các cháu chưa học hết vần tiếng Việt, mới học tới các vần “um” và “im” có trong ca từ này: Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ có yêu không nào.

Sinh tại Sơn Tây (Hà Nội) lớn lên ở Thái Bình quê gốc nhưng Bùi Anh Tôn hiện đang sinh sống và cần mẫn sáng tác, giảng dạy âm nhạc tại TP.HCM.

Học nhạc lý ở trường, tìm nhạc hứng ngoài đời

Bùi Anh Tôn có 2 người cậu ruột là cặp đôi nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân, có anh, chị ruột là những nhạc công chuyên nghiệp, trong văn công quân đội, văn công thanh niên xung phong, nhưng việc đeo đuổi âm nhạc với anh chẳng dễ dàng gì! Ở tuổi mới lớn, cậu học sinh trung học Bùi Anh Tôn phải dành dụm tiền công chà giấy nhám khung xe, tiền công phụ bơm hơi cho thợ sơn… để có tiền tìm học các thầy đàn! Nhờ vậy, anh đã thi đậu chuyên ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (nay là trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - Hà Nội ) và tập tành sáng tác những ca khúc đầu tiên khi đang tuổi sinh viên.

Năm 1983, vừa tốt nghiệp sư phạm, Bùi Anh Tôn nhập ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ tại Cục Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên. Người nhạc sĩ áo lính tiếp tục duy trì hứng thú sáng tác và nhận được nhiều giải thưởng trong các hội diễn quân khu, hội diễn toàn quân, cho các tiết mục của mình.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN năm 2020

Năm 1985 xuất ngũ, anh về làm công tác giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 (1986-1987), Cao đẳng sư phạm tỉnh Đồng Nai (1987-1990). Từ năm 1990 đến năm 2006 là giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại TP.HCM. Từ tháng 9/2006 đến tháng 4/ 2018, Bùi Anh Tôn chuyển về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Từ 5/2018 đến nay anh giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại TP.HCM…

Với Bùi Anh Tôn, đam mê chưa đủ cho người sáng tác, cần tri thức nữa, anh tiếp tục theo học và tốt nghiệp đại học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM. Bùi Anh Tôn vào nhiều giảng đường để học nhiều nhạc lý, nhưng anh dám dấn thân tìm nhạc hứng ngoài đời. Chính TP HCM là nơi Bùi Anh Tôn tìm thấy nhiều đề tài âm nhạc cho mình.

Có nhiều ca khúc được hát vang giữa sân trường

Có thể nói, 10 năm làm giảng viên âm nhạc, trong đó có 7 năm giảng dạy tại Trường Sư phạm Mẫu giáo tạo lợi thế cho Bùi Anh Tôn trong việc viết nhạc cho thiếu nhi. Anh tâm sự: “Vì gắn bó nhiều năm nên thấy các cô giáo thiếu bài hát cho mảng đề tài nào là tôi viết luôn để các cô giáo có bài hát dạy cho trẻ”. Anh kể: “Cách nay hơn 15 năm, trong một lần đi tập huấn các bài hát theo chủ đề cho các cô giáo mầm non ở TP Biên Hòa, tôi có hướng dẫn các cô bài Cháu yêu bác bảo vệ, Cô cấp dưỡng trường mình, những đề tài nhỏ bé tới tới mức, có lẽ chỉ mình tôi viết.

Bởi vậy nên khi dạy xong, buổi trưa dắt xe đi ra cổng, anh bảo vệ cúi đầu chào và cười rất vui, nói chuyện niềm nở: “Em chưa bao giờ thấy có bài hát về nghề bảo vệ của em, giờ được nghe bài hát của thầy sáng tác em thích và tự hào quá. Từ nay, gặp các cháu em phải cười tươi, đặc biệt không dám la, dọa các cháu nữa vì em đã thuộc câu thầy viết “bác hay cười tươi cháu yêu bác lắm”.

Chú thích ảnh
Bài hát “Múa hát theo đàn” của Bùi Anh Tôn trong sách “Bài hát 1”

Các bài hát trong tuyển tập và album Trái tim người thầy của Bùi Anh Tôn được các thầy cô giáo đón nhận. Nhiều bài đã được biểu diễn trên truyền hình, phát thanh: Trái tim người thầy, Em đi ương những mầm xanh tương lai, Giọt sương và ánh mắt trẻ thơ, Người thầy giáo mang quân hàm xanh, Mùa Xuân và cô mẫu giáo, Lời ru của cô giáo trẻ… Riêng ca khúc Bài ca người giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành bài hát mang tính cộng đồng được hát nhiều vào dịp khai giảng năm học và lễ 20/11. Ca khúc Hát cùng tiếng ve gắn với liên hoan tiếng hát Chú ve con của học sinh trung học thành phố, ca khúc Khát vọng từ ngọn lửa thiêng từ năm 2008 đã trở thành bài hát qui định là Trại ca 9/1 của học sinh TP.HCM.

Bùi Anh Tôn còn viết một loạt các bài hát làm nhạc nền cho Aerobic phục vụ cho các hội thi Aerobic của lứa tuổi mầm non thành phố; các bài hát làm nhạc nền cho thể dục giữa giờ của học sinh các cấp, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông… các bài hát này đều được viết theo yêu cầu và gợi ý của Sở Giáo dục và Đào tạo. Anh tâm sự: “Nhờ có các yêu cầu, gợi ý đó mà mình có sự tìm tòi, suy nghĩ và lại sáng tác thêm được các ca khúc mới, được hát vang hằng ngày giữa các sân trường… thấy lòng cũng vui vui…”.

Sáng tác tích hợp nhạc vào văn

Trong giáo khoa âm nhạc bậc tiểu học thuộc bộ sách hiện hành sử dụng từ năm 2020, Bùi Anh Tôn đã có trang tác giả của mình, trang 39 bài Múa hát theo đàn (Sách Bài hát 1, NXB Giáo Dục tái bản lần thứ 11 năm 2013): “Tịch tính tang là tịch tính tang/ Cùng em hát là cùng em múa/ Hòa tiếng ca rộn ràng ngày Xuân// Tịch tính tang là tịch tính tang/ Đàn tôi hát son phà son lá/ Nào vỗ tay theo nhịp đàn tôi”.

Vào năm học 2020 - 2021 trong sách giáo khoa mới, Bùi Anh Tôn lại có trang tác giả, tr.18 bài Lớp một thân yêu sách Âm nhạc 1 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam 2020): “Kìa tiếng trống trường vang em bước vào lớp một/ Từ nét chữ đầu tiên trang sách học điều hay/ Hòa nhịp cùng tiếng ca rộn ràng muôn lá hoa/ Chúng mình cùng nắm tay ơi lớp một thân yêu”.

Chú thích ảnh
Tuyển tập ca khúc của Bùi Anh Tôn

Người viết bài so sánh kỹ 2 giáo khoa âm nhạc lớp 1 mà nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đều có trang tác giả và nhận thấy, từ sách trước tới sách sau là một bước tiến thật xa trên nấc thang dân trí. Sách trước chỉ là học hát, sách sau đã là học nhạc. Các em học sinh lớp 1 của sách mới được các bạn Đồ, Rê, Mi, Pha, Son có tên và có hình trong sách, hướng dẫn các chuyển to - nhỏ, ngắn - dài, mạnh - nhẹ trong âm nhạc; được làm quen với, không chỉ Tchaikovsky, có bầy thiên nga kia, mà còn Mozart với “khát vọng mùa xuân” ấy…

Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn viết ca từ bài Ba trong trái tim của con (giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020), rất “giáo khoa” vì đụng đến kiến thức địa lý, đến môn học giáo dục công dân, đến chủ quyền biển đảo: “Vòng tay ấu yêm mẹ ôm con có tình ba vấn vương/ Vì con chưa được gặp ba vì ba hy sinh ở Trường Sa/ Ngàn con sóng vỗ in hình ba đứng đó, canh giữ biển trời quê hương”.

Nhưng Bùi Anh Tôn còn giáo khoa theo kiểu tích hợp nhạc vào văn như có đồng nghiệp đã làm với bài Bống bống bang bang kể chuyện Tấm Cám, bài Để Mị nói cho mà nghe kể chuyện Vợ chồng A Phủ. Trong kiểu tích hợp này, Bùi Anh Tôn có bài Ăn khế trả vàng, ca khúc mà như ca kịch, trẻ em có thể diễn, có thể “nông tác vũ” như anh nông dân, có thể “phượng hoàng vũ”… và có thể để chim phượng kia đọc rap trên nền nhạc có chất dân ca: “Lá xanh xanh/ quả trĩu cành/ công người trồng/ bón chăm…”.

Đôi chân công dân chịu đi ngoài đời và đôi tay đàn luôn chạy ngón tìm giai điệu, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn vẫn đang sáng tác…

(Còn tiếp)

Vài nét về Bùi Anh Tôn

Sinh 1962 tại Hà Nội. Tốt nghiệp ngành sáng tác âm nhạc, nhạc viện TP.HCM. Là hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Là tác giả, đồng tác giả 9 tuyển chọn ca khúc và giáo trình âm nhạc. Đạt giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017 với ca khúc thiếu nhi Cháu thăm tượng đài Bác Hồ, với ca khúc Ba trong trái tim của con năm 2020 và nhiều giải thưởng khác. Hiện anh đang dạy học và sáng tác âm nhạc TP.HCM.

Lê Thái Kiến Xương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm