Bộ tranh 'Vọng' của Trần Thế Vĩnh: Cùng rung lên bản giao hưởng hoan ca

28/10/2020 06:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Vọng khai mạc lúc 18h ngày 28/10/2020 tại Mai House Saigon (1-3-5 Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM) giới thiệu 51 chân dung trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu, quan trọng của thế kỷ 20. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 4 của họa sĩ Trần Thế Vĩnh (sinh 1986), một người con của Quảng Trị, học mỹ thuật tại Huế, hiện sống tại TP.HCM.

 

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm dát vàng lên tranh trong triển lãm 'Không có gì ở đằng sau'

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm dát vàng lên tranh trong triển lãm 'Không có gì ở đằng sau'

Triển lãm Không có gì ở đằng sau - Nothing Behind của họa sĩ đương đại Việt Nam Bùi Thanh Tâm sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 26/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. 

Triển lãm này cũng giới thiệu sách mỹ thuật Vọng (NXB Hội Nhà văn, 2020) vừa phát hành của Trần Thế Vĩnh.

Khóc cười buồn vui theo nhân vật

Đứng trước một bức tranh vẽ chân dung, nếu người xem có thể cảm nhận được những biểu hiện nội tâm vui buồn, những nỗi niềm khắc khoải trầm tư của người mẫu, đó là thành công của họa sĩ. Lòng riêng, tôi cảm nhận được những điều này khi ngắm tranh chân dung do Trần Thế Vĩnh thực hiện.

Chắc chắn phải có lý do tại sao Trần Thế Vĩnh chọn vẽ nhân vật này mà không trình bày nhân vật kia. Sự tương tác giữa 2 tâm hồn, người mẫu và họa sĩ, phải là những cuộc đối thoại không ngừng nghỉ trên con đường hướng tới cái đẹp. Những cung bậc đồng điệu là những nhu cầu cần thiết nhất đã thúc đẩy người họa sĩ tìm đến chân dung người mình mến yêu…

Có hay không khi họa sĩ phải luôn phải dùng nội tâm của chính mình để tìm những tình cảm cũng như suy tư của người mẫu, cảm nhận những xao xuyến cuộc đời, thăng trầm luyến ái? Để rồi chợt khám phá ra trong sâu thẳm tâm hồn cùng rung lên bản giao hưởng hoan ca, rồi phác họa lại bằng ngôn ngữ của hội họa? Như thi sĩ Nguyên Sa: “Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung/ Bay vội vã vào trong hồn mở cửa” - trong bài Áo lụa Hà Đông.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh. Ảnh: Trương Bách Thảo

Những nét cọ nắm bắt được thần thái của người mẫu luôn là những chênh vênh giữa nghệ thuật “truyền thần” và thẩm mỹ “hội họa”. Vẽ chân dung không bao giờ là một điều đơn giản, vì ngoài tính chất truyền đạt được thần thái, tác phẩm còn phải mang tư tưởng nghệ thuật thẩm mỹ. Đó phải là những bay bổng sáng tạo chứ không chỉ gò bó vào những đường nét “truyền thần” y theo người mẫu. Tính nghệ thuật càng cao, sự thành công càng lớn, vì nó mang lại cho người ngắm nhiều cảm xúc hơn qua những giai điệu sắc màu cũng như chiêm nghiệm sáng tạo.

Dự án vẽ chân dung văn nghệ sĩ của Trần Thế Vĩnh hình thành từ 2018, với mục đích “để lại tiếng vọng cho đời từ con người đến tác phẩm của mình”. Đó là những con người tuy lạ nhưng quen, đáng ngưỡng mộ và truyền cảm hứng vào đời sống. Họ gần gũi, thân ái với chúng ta vì chúng ta đã từng khóc, cười, buồn, vui với họ, cũng như hít thở theo những suy tư triết lý của họ.

Chú thích ảnh
Chân dung nhạc sĩ Văn Cao (sơn dầu trên vải, 70cm x 70cm, 2018)

Những nét cọ mạnh mẽ, tràn đầy sức sống của Trần Thế Vĩnh, chan chứa tâm tình, như sợi dây dẫn lối đưa khách thưởng tranh đến gần cái nhìn ngơ ngác của Bùi Giáng, khóe mắt trầm tư của Văn Cao, Y Vân… Trên những cái phông nhạt nhòa, có những đường cọ tràn lấn lên gương mặt, như níu kéo quá khứ, kết liền hiện tại… Như họa sĩ Đinh Cường viết: “Đắp mảng màu xám nhẹ/ làm nền một chân dung/ đôi mắt buồn như khóc/ người xa bên kia sông” - trong bài Bài cào lá li.

Mê vẽ từ 3-4 tuổi

Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ khi 3-4 tuổi, Vĩnh đã đắm say hội họa, luôn cầm phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Cha Vĩnh là thợ vẽ trang trí, nên anh thừa hưởng hoạt động nghệ thuật sẵn có này, say mê sắc màu, học hỏi theo cha, hầu như ngày nào cũng tập vẽ.

Chú thích ảnh
Bìa sách mỹ thuật Vọng của Trần Thế Vĩnh

Lớn lên, theo tiếng gọi mỹ thuật nồng nàn, Vĩnh chọn hội họa tại Đại học Nghệ thuật (thuộc Đại học Huế), thay vì theo khiếu ngôn ngữ, từng được giải tiếng Anh tại Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị.

Tuổi trẻ và sức sáng tạo luôn tạo điều kiện cho Trần Thế Vĩnh dành thời gian quan sát và cảm nhận cuộc sống. Điều đó được thể hiện khá rõ ràng trong những tác phẩm của anh tại cuộc triển lãm cá nhân năm 2012 tại phòng tranh Tự Do (TP.HCM), rồi tiếp theo đó, tại A Gallery (TP.HCM) năm 2016.

Chú thích ảnh
Chân dung thi sĩ Bùi Giáng (sơn dầu trên vải, 100cm x 70cm, 2018)

Đời sống và thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng phong phú, nếu không nói là vô tận. Trần Thế Vĩnh cho biết các giác quan của anh như những cây thu sóng, liên tục tiếp nhận tín hiệu ngoại giới, từ hình ảnh đến âm thanh, một cách có ý thức hoặc vô thức, để những bức họa của anh đến với khách thưởng ngoạn tự nhiên như món quà cuộc sống trao tặng.

“Khi những va đập của cuộc sống còn chưa đủ nhiều, cái nhìn về bản ngã cũng non nớt, đôi lúc hồn nhiên. Rồi khi những va đập nhiều hơn, lớn hơn, cái nhìn đó lại cực đoan, có khi nhiều suy tư, trăn trở… Bút pháp cũng thế, khi nhẹ nhàng, hiền hòa, cũng đôi lúc mạnh mẽ, dứt khoát. Đây có thể là những biến động trong tâm trạng, mà cuộc hành trình còn tiếp tục để tìm kiếm một sự ổn định chân thực và dài lâu… Hội họa đối với tôi là đam mê cháy bỏng, là khát khao thực sự, nên ngày ngày cố gắng vẽ để đi tìm chính mình trong đó” - Trần Thế Vĩnh cho biết.

Chú thích ảnh
Chân dung họa sĩ Nguyễn Gia Trí (sơn dầu trên vải, 70cm x 70cm, 2019)

Phải chăng họa những chân dung tha nhân cũng là một hành trình đi tìm chính mình của Trần Thế Vĩnh? Họa sĩ Lưu Công Nhân có lần nói: “Người đẹp in ảnh lên lịch thì ít ai biết đến người chụp, nhưng ai cũng nhận ra cô này, cô kia. Còn nếu là bức tranh chân dung thiếu nữ, người ta sẽ gọi là tranh của Van Gogh, Gauguin, Picasso...”.

Trần Thế Vĩnh đã chọn lựa 51 gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, Nguyễn Bính… để trình bày nên họa. Từ nay, những bức tranh này sẽ có tên gọi “tranh Trần Thế Vĩnh”.

Chàng họa sĩ vẽ và chúng ta thưởng thức, phải chăng đây cũng chính là ít nhiều nợ ân tình chúng ta gửi trả cho văn nghệ sĩ, những con người đã từng an ủi nỗi buồn, vỗ về mộng đẹp, đưa chúng ta thăng hoa trong một vùng trời mơ để đôi khi với tay chạm đến vô cùng?

51 nhân vật tiêu biểu

Sách và triển lãm Vọng giới thiệu 51 chân dung của: Tuệ Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Giá Trí, Vĩnh Phối.

Ngô Kim Khôi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm