Bộ sưu tập triệu đô về nghệ thuật Ấn Độ bị e ngại

14/04/2021 07:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo The Guardian, Bảo tàng Nghệ thuật và Khảo cổ học Ashmolean ở Oxford (Anh) đã từ chối cơ hội mua lại bộ sưu tập (BST) nghệ thuật Ấn Độ gồm các bức tranh và bản vẽ do danh họa Howard Hodgkin sưu tầm.

Ngắm 10 bảo tàng 'ảo' lừng danh thế giới

Ngắm 10 bảo tàng 'ảo' lừng danh thế giới

Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) là thiết chế nghệ thuật gần đây nhất đã quyết định đưa toàn bộ bộ sưu tập nghệ thuật gồm 480.000 tác phẩm lên online.

Được biết, BST này từng được triển lãm vào năm 2012 với tên gọi Visions of Mughal India: The Collection of Howard Hodgkin.

Sự nghiệp không chỉ có sáng tác

Howard Hodgkin tên đầy đủ là Howard Eliot Hodgkin (1932-2017), sinh ra trong một gia đình có học vấn cao tại London (Anh). Cha ông là giám đốc công ty hóa chất, mẹ là họa sĩ minh họa thực vật. Trong Thế chiến II, Howard được sơ tán cùng mẹ và em gái sang sống tại Long Island, New York (Mỹ).

Khi trở về quê nhà, Howard theo học tại Trường Nghệ thuật Camberwell và sau đó là tại Trường Nghệ thuật Bath.

Howard Hodgkin, A Small Thing But My Own, Bộ sưu tập triệu đô về nghệ thuật Ấn Độ bị e ngại, Sưu tập nghệ thuật triệu đô, nghệ thuật ấn độ
Danh họa Howard Hodgkin

Howard gắn liền với trường phái trừu tượng, ngay từ tác phẩm đầu tay khi mới 17 tuổi - Memoirs (1949). Sự nghiệp của ông dần “nở rộ” sau triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1962. Năm 1980, ông được danh họa John Hoyland mời triển lãm tác phẩm tại Phòng trưng bày Hayward cùng với nhiều họa sĩ cùng thời như Gillian Ayres, Basil Beattie, Terry Setch, Anthony Caro, Patrick Caulfield và Ben Nicholson…

Howard từng giành giải Turner với tác phẩm A Small Thing But My Own vào năm 1985, sau khi vượt qua các nghệ sĩ gồm Terry Atkinson, Tony Cragg, Ian Hamilton Finlay, Milena Kalinovska và John Walker. Ông còn từng nhận thứ bậc Chỉ huy Đế chế Anh theo Huân chương Đế quốc Anh vào năm 1977 và được phong tước Hiệp sĩ vào năm 1992. Cùng năm đó, Howard được mời thiết kế một bức tranh tường cho mặt trước của trụ sở Hội đồng Anh ở Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “A Small Thing But My Own” giành giải Turner vào năm 1985

Đây là kết quả của tình yêu mà ông dành cho nghệ thuật Ấn Độ. Được biết, bên cạnh sáng tác nghệ thuật, ông còn sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ khi còn là học sinh (từ cuối những năm 1940). Tới năm 2012, sau khoảng thời gian dài sưu tập, ông cho triển lãm hơn 120 tác phẩm với tên gọi Visions of Mughal India: The Collection of Howard Hodgkin (tạm dịch: Sự hiện diện của Mughal Ấn Độ: BST của Howard Hodgkin). Đồng thời còn xuất bản dưới dạng sách cùng tên bởi tác giả Andrew Topsfield.

Bảo tàng Nghệ thuật và Khảo cổ học Ashmolean lúc bấy giờ còn nhận xét đây là “một trong những BST cao quý nhất trên thế giới... được sưu tầm bởi con mắt của một nghệ sĩ”. BST của ông chủ yếu là phong cách hoàng gia Ấn Độ, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Mughal (1560-1858).

Chú thích ảnh
“Vị thần Rama, Lakshman và Sita ở Panchavati, tiểu vương quốc Mughal” (khoảng năm 1595-1600)

Mong ước khó thành hiện thực

BST tác phẩm Ấn Độ là niềm đam mê cả đời của Howard Hodgkin. Ông từng chia sẻ: “Nó đã thay đổi cách suy nghĩ của tôi và có lẽ là cả cách tôi vẽ”. Trước khi qua đời ở tuổi 84, ước muốn của ông là cả BST này sẽ được Bảo tàng Ashmolean mua lại. Tuy nhiên, mong ước này đã không thành hiện thực bởi nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng của phần lớn tác phẩm trong BST.

Cụ thể, theo báo cáo, một cơ quan tài trợ của Bảo tàng Ashmolean cảnh báo rằng nếu không có bằng chứng về việc một số tác phẩm trong BST này đã rời Ấn Độ hoàn toàn hợp pháp thì sẽ không cung cấp khoản trợ cấp cho việc mua lại; đồng thời các khoản tài trợ trong tương lai cũng có thể bị ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
“Quốc vương Ali Adil Shah II săn hổ” (khoảng năm 1660), nằm trong BST của Howard Hodgkin

Giám đốc Bảo tàng Ashmolean - Tiến sĩ Alexander Sturgis cho biết: “Sẽ thật tuyệt vời nếu một số tác phẩm đến với chúng tôi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giám tuyển Andrew Topsfield của chúng tôi đã làm việc với BST, xác định các tác phẩm có nguồn gốc rõ ràng và an toàn chỉ chiếm khoảng 40%. Chúng tôi đã hy vọng rằng sẽ có thể mua lại phần đó của BST nhưng Howard muốn giữ chúng cùng với nhau. Và vì lý do đó, chúng tôi không thể mua lại riêng lẻ. Đối với các viện bảo tàng, chúng ta cần có bằng chứng xuất xứ an toàn nhất có thể”.

Dù vậy, BST này có thể sẽ “về tay” Hoa Kỳ. Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ) đã thảo luận về khả năng mua lại BST có niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 này và định giá nó hơn 7,2 triệu bảng Anh (khoảng 9,8 triệu USD). Mối quan tâm của Bảo tàng Metropolitan được xác nhận với báo The Observer bởi nhạc sĩ Antony Peattie - người bạn lâu năm của danh họa người Anh.

Antony Peattie cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của Howard khi sưu tầm vào những năm 1970, 1980 và 1990 là chất lượng chứ không phải xuất xứ. Mọi người ở thời điểm đó thậm chí còn chẳng quan tâm về xuất xứ. Ngày nay, điều đó mới trở nên quan trọng”.

Howard đã mua lại từ các thương nhân, đại lý quốc tế ở London, New York và Hong Kong (Trung Quốc). “Anh ấy không biết các tác phẩm đến từ đâu trước khi chúng đến tay thương nhân và những đại lý này. Anh ấy không bận tâm về điều đó” - Antony Peattie nói thêm.

Khi được hỏi liệu Howard Hodgkin có thất vọng vì Bảo tàng Ashmolean không thể mua lại BTS của mình hay không, Antony Peattie bày tỏ: “Howard phải chấp nhận thôi vì đó là điều bất khả kháng. Anh ấy cũng chẳng thể làm gì khác được”. Antony Peattie nhớ lại niềm đam mê của Howard đối với nghệ thuật Ấn Độ cũng như đất nước này: “Anh ấy thích làm việc ở đó và đã mua 1 căn hộ ở Mumbai. Thậm chí còn đặt không gian sáng tạo ở đó… BST này được lưu giữ cùng nhau là ước mơ của anh ấy”.

Mặt khác, bảo tàng Ashmolean vẫn sẽ “quan tâm” nếu 60% các tác phẩm không rõ xuất xứ được tách rời, Alexander Sturgis xác nhận: “Đó là một BST đáng chú ý gồm các tác phẩm chất lượng cao đáng kinh ngạc và đặc biệt là dưới góc nhìn của Howard Hodgkin, một trong những nghệ sĩ hàng đầu cả nước”.

Thành Quách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm