Bình chọn '100 cuốn sách nên đọc' (Kỳ 1): Cũ trên thế giới nhưng mới ở Việt Nam

08/06/2022 20:05 GMT+7 | Văn hoá

Việc bình chọn những cuốn sách đáng đọc - và cần đọc - vốn khá phổ biến ở các diễn đàn hoặc fanpage dành cho người yêu sách. Thế nhưng, nếu nhìn ở góc độ một cuộc bình chọn chính thức và quy mô, đây lại là điều rất ít gặp trong đời sống xuất bản Việt Nam.

20 năm một 'Tủ sách Tuổi mới lớn'

20 năm một 'Tủ sách Tuổi mới lớn'

20 năm là chặng đường dài đối với một tủ sách văn chương viết cho thế hệ học trò, thường không được đánh giả là đủ “hàn lâm”. Nhưng nó góp vào đời sống tinh thần của một thế hệ trẻ thứ cảm xúc chân phương, sự đồng điệu - và với nhiều người đó là hạt mầm văn chương đầu đời mà những trang viết này đã gieo vào lòng họ.

1. Khi dự án Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt gắn với việc bình chọn 100 cuốn sách nên đọc trong đời được công ty Omega Plus (Alpha Books) phát động và cho ra mắt những ấn phẩm đầu tiên, nhiều người đã đặt ra dấu hỏi về sự thiếu vắng - cũng như vai trò - của những cuộc bình chọn sách trên quy mô rộng như vậy.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books), với việc đi trước nhiều bước so với nền xuất bản của các nước đang phát triển như Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã có truyền thống thiết lập và duy trì những danh mục sách bán chạy, danh mục sách theo giải thưởng, danh mục sách được bình chọn/lựa chọn….

Chú thích ảnh
Dự án bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” của Omega Plus đã được phát động 3 tháng trước và thu được một số kết quả ban đầu

Ở đó, thông thường, danh mục sách bán chạy thường được chọn lọc bởi một số cơ quan truyền thông lâu năm như The New York Times, hoặc Wall Street Journal. Vì là bán chạy nhất, danh hiệu này có ý nghĩa với người bán sách, hơn người đọc sách, giống như chính The New York Times cũng phân định rõ: “sách best-seller do The New York Times ghi danh” và “sách được The New York Times đánh giá là sách hay nhất” là hai thứ khác nhau.

Các danh mục sách thường được bình chọn cũng khá phổ biến ở các nền xuất bản lớn, chẳng hạn như 100 Essential Penguin Classics (100 tác phẩm kinh điển cần đọc của Penguin); Amazon: 100 Books to Read in a Lifetime (Amazon: 100 cuốn sách nên đọc suốt đời); The Guardian Best books list (Danh sách những cuốn sách hay nhất của The Guardian); The Greatest Books: 50 Books to Read Before You Die (Những cuốn sách hay nhất: 50 cuốn sách nên đọc trước khi chết); Modern Library top 100 (100 cuốn sách của văn học hiện đại), hoặc The 100 Books of the Century (100 cuốn sách của thế kỷ)...

“Những danh mục này sẽ được khởi xướng bởi các đơn vị xuất bản, truyền thông uy tín và được sự tham gia bình chọn bởi độc giả của họ” - ông Bình cho biết - “Như chúng ta thấy, có rất nhiều kiểu danh mục khác nhau để bình chọn, nhưng cơ bản sẽ nương theo một số tiêu chí như thể loại, đối tượng, chủ đề, thời gian, thậm chí là theo tác giả”.

Theo ông Bình, việc khởi xướng các cuộc bình chọn cũng như các danh mục sách như thế có thể coi là hệ quả và cũng là tiền đề cho việc phát triển văn hóa đọc. Bởi lẽ, để cộng đồng có thể đưa ra bình chọn, nền xuất bản cần phải phát triển đến một mức độ nhất định, từ đó giúp độc giả của họ có cơ hội được tiếp cận một cách phong phú, đủ chiều sâu, đủ hệ thống với các tác phẩm giá trị. Và khi có được các danh mục cụ thể, thì rõ ràng độc giả và chính các đơn vị xuất bản là những người được hưởng lợi, từ đó giúp văn hóa đọc được nâng tầm.

Chú thích ảnh

2. Đặt trong sự so sánh ấy, việc bình chọn các danh mục sách cần đọc và nên đọc ở Việt Nam hiện vẫn được thực hiện với quy mô nhỏ, lẻ. Thông thường, đó là những bộ sách bó hẹp trong một vài lĩnh vực nhất định và được một vài đơn vị xuất bản tự tổ chức.

Ngoài ra, nhằm đẩy doanh số, các nhà bán lẻ trong nước như Tiki, gần đây cũng bắt đầu cho ra vô số danh sách best-seller của riêng mình. Nhưng phát động một cuộc bình chọn có quy mô cao trong xã hội, đặc biệt là sau đó lại tiến hành xuất bản một cách có hệ thống danh mục được bình chọn, thì gần như chưa có tiền lệ.

Theo các chuyên gia, điều này tất nhiên đến từ việc mối quan tâm của cộng đồng xã hội với việc đọc chưa đủ lớn. Quan trọng hơn, năng lực, quy mô, trình độ của các đơn vị xuất bản của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chúng ta dễ dàng thấy các đơn vị xuất bản có thế mạnh trong một mảng sách nào đó, như sách văn học, sách dành cho thiếu nhi… nhưng lại thiếu các tập đoàn xuất bản lớn hội đủ các điều kiện về công nghệ, nhân lực và nguồn vốn để triển khai được những dự án xuất bản nổi bật, đặc biệt là những dự án huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, sự phát triển của Internet và mạng xã hội trong thời gian vừa qua được coi là bước ngoặt trong sự tương tác giữa các chủ thể làm sách với bạn đọc, thay cho sự tương tác một chiều cũ (nhà xuất bản đơn vị làm sách tới độc giả, cung cấp gì thì bạn đọc tiếp nhận cái đó). Đặc biệt, các cộng đồng đọc sách cũng đã hình thành, như cộng đồng đọc sách tinh hoa, hội thích truyện trinh thám, hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển, hay các câu lạc bộ của người chơi sách hiếm, sách có phiên bản giới hạn .

Không thể phủ nhận, những “điểm chạm” mới được tạo ra như vậy đã là tiền đề quan trọng cho những cuộc bình chọn sách. Như lời ông Nguyễn Cảnh Bình, đó là lý do để dự án Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt được phát động trong thời gian qua.

“Bên cạnh các giải thưởng sách uy tín của những nền xuất bản phát triển như Pulitzer Prize, National Book Award..., việc bình chọn các danh mục sách hay cũng là một điều mà Việt Nam cần phải học hỏi” - ông Nguyễn Cảnh Bình nói.

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm