Bìa sách 'Truyện Thúy Kiều' bán nude: Không đáng tranh cãi!

13/11/2015 07:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Bức tranh vẽ cảnh Thúy Kiều tắm của danh họa Lê Văn Đệ bỗng trở thành tâm điểm của dư luận khi được thiết kế thành bìa cuốn văn họa Truyện Thúy Kiều. Giới mỹ thuật đánh giá cuốn sách là “ấn bản đáng chờ đợi” còn rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng cho rằng cuốn sách “đi ngược thuần phong mỹ tục”.

Để rộng đường dư luận, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật và đơn vị phối hợp ấn hành cuốn văn họa Truyện Thúy Kiều. Ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo được Công ty Cổ phần Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới phối hợp xuất bản.

Những ồn ào nực cười!

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Văn họa Truyện Thúy Kiều ngoài việc in ấn bản đặc sắc do học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo còn bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó của các họa sĩ thuộc “thế hệ vàng” của mỹ thuật Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung…  Đây là một ấn phẩm quý, đáng mong chờ nhất trong đợt kỷ niệm 250 ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Những ồn ào dư luận đang đổ dồn về bìa của cuốn sách là rất nực cười và không đáng có.

 Bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” (tranh của Lê Văn Đệ)

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, bìa cuốn sách là tác phẩm bán nude duyên dáng, nghệ thuật, đúng tinh thần Truyện Kiều. Bức tranh tái hiện câu thơ của Nguyễn Du mô tả vẻ đẹp của Thúy Kiều: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đơn vị xuất bản lấy bức tranh ra làm bìa cũng rất đẹp và ý nghĩa.

“Còn nếu nói tranh cụ Đệ “đi ngược thuần phong mỹ tục”, “lõa lồ”, “xúc phạm Truyện Kiều” là những quan điểm rất hạn hẹp trong thẩm mỹ. Thêm nữa, những bình luận đều xuất phát từ mạng xã hội với cái nhìn hời hợt và quy chụp” - ông Lương Xuân Đoàn nói.


Tranh "Tú bà ghé lại thong dong dặn dò" của Tô Ngọc Vân

Chờ sự công tâm của cơ quan quản lý

Theo nhà sưu tập Nguyễn Minh - người đang giữ nhiều tranh của lớp đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - trước khi đánh giá, cộng đồng cần bình tâm nhìn lại tác giả bìa sách. Cụ thể, Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình.

“Trong các bức tranh của “thế hệ vàng” mỹ thuật Đông Dương lấy cảm hứng từ Kiều, bức tranh trên bìa sách của cụ Đệ có phần “hiền”. Có nhiều bức khác, các danh họa vẽ Kiều táo bạo hơn rất nhiều. Tiêu biểu như bức vẽ cảnh “Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò” của Tô Ngọc Vân. Bởi vậy, bức tranh trên bìa sách của Lê Văn Đệ không đáng phải tranh cãi” - ông Nguyễn Minh nói.

Chiêm ngưỡng tranh về 'Truyện Kiều' của những họa sĩ hàng đầu Việt Nam

Chiêm ngưỡng tranh về 'Truyện Kiều' của những họa sĩ hàng đầu Việt Nam

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đăng tải toàn bộ những bức tranh của các danh họa hàng đầu Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… xuất hiện trong cuốn sách gây tranh cãi.


Cuốn Truyện Thúy Kiều cho đến nay vẫn chưa lên kệ. Mọi ồn ào đều xuất phát từ việc hình bìa cuốn sách được công bố ra ngoài. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hoàng Giang, Phó GĐ Nhã Nam, cho hay: “Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn chưa có ý định đổi hình bìa. Nhiều người nhiều quan điểm và quan điểm của số đông chưa hẳn đã là đúng”.

Còn ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Tôi rất sợ cơ quan quản lý đưa ra một kết luận gì đó theo dư luận. Và nếu tranh của họa sư Lê Văn Đệ mà còn không được xuất bản trên bìa sẽ tạo tiền lệ rất xấu với ngành xuất bản và ngành mỹ thuật. Tôi chờ đợi sự công tâm của các cơ quan quản lý trong thời khắc thử thách bản lĩnh này”.

Nhã Nam khẳng định không “chơi chiêu”

Khi được hỏi về việc chọn bức tranh bán nude của danh họa Lê Văn Đệ (trong số 11 bức tranh của các danh họa nổi tiếng), Nhã Nam có “chơi chiêu” PR? Ông Vũ Hoàng Giang cho hay: “Chúng tôi khẳng định việc lựa chọn bức tranh của cụ Đệ hoàn toàn là do tinh thần của bức tranh chứ không do một nguyên nhân nào khác. Chúng tôi không PR theo hướng phản cảm, lố lăng. Bởi trong 11 bức tranh, bức tranh của Lê Văn Đệ vẫn không “sốc” bằng bức tranh của Tô Ngọc Vân. Nếu cố tình PR theo hướng “trần trụi hóa” nghệ thuật, chúng tôi đã có lựa chọn khác”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm