Bài 3: Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Điều cốt lõi là bản lĩnh của người nghệ sĩ

11/06/2009 09:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Ở tuổi 80 họa sĩ Trần Lưu Hậu vẫn vẽ tranh, triển lãm với một “trữ lượng sáng tạo không biết đâu là giới hạn” (chữ của nhà phê bình nghệ thuật, nhà thơ Dương Tường).

* Từ trước tới nay, đã bao giờ ông tình cờ phát hiện ra phong cách vẽ của mình giống một họa sĩ trong nước hoặc nước ngoài? Ông có chịu ảnh hưởng bởi các tác giả đó?

 Họa sĩ Trần Lưu Hậu
- Những vấn đề về chuyện ảnh hưởng, copy phong cách đã được rất nhiều người đề cập tại các cuộc họp, hội thảo... bởi đây là vấn đề thuộc về nghệ thuật. Có người cho rằng, ảnh hưởng là xấu, không nên ảnh hưởng, thậm chí họ còn lên án những ảnh hưởng “không tiêu hóa”... Nhưng theo tôi, con người ta khi sinh ra làm nghệ thuật là một quá trình tiếp thu thừa kế thành quả của người đi trước, của thế hệ này, thế hệ khác, tác giả này, tác giả khác hay cả một nền nghệ thuật. Chuyện này là tất nhiên, tất yếu không có lỗi gì. Thực tế nhiều nền nghệ thuật, nhiều tác giả đã chứng minh điều dó. Van Gogh ảnh hưởng nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản chẳng hạn.

Tôi từng thích nhiều tác giả và thấy trong đó có phần cảm xúc của mình. Có thời gian tôi thích Matisse ở phong cách, màu sắc... Nhưng ý thích đó không phải là mãi mãi mà sau đó đã thay đổi. Ở Soutine, tôi thích sự bùng nổ biểu hiện của ông trước hiện thực. Xem tranh ông, người ta thấy hiện thực nhảy múa trước mặt mình. Ông là người xúc động mạnh, tâm huyết bằng chính máu thịt mình... Một thời gian, tôi thích tác giả khác: W.Dekooning. Ở họa sĩ này, tôi thích sự nhào nặn đến kiệt cùng của hiện thực. Suốt đời, ông chỉ vẽ hai, ba người phụ nữ đứng ngồi. Nói điều đó để thấy, sự kiên trì lắm ở ông. Tranh của W.Dekooning rối rắm, nhưng trật tự và đầy bất ngờ...

Tôi thích nhiều thế, nhưng không giống ai cả. Cuối cùng, có lẽ, tôi thích cái của tôi nhất. Do đó, cho đến giờ, tôi mới đủ tự tin để làm được khối lượng công việc nhiều như thế! Tôi tự tin, nhưng đôi lúc cũng ngờ vực chính mình, với những câu hỏi: Con đường mình đang đi có đúng không? Mình có làm được nghệ thuật không? Ngờ vực nghĩa là muốn làm một điều gì khác đi. Nếu không có sự ngờ vực đó thì coi như xong rồi! Nghệ sĩ thường mẫu thuẫn với chính mình. Đó là mâu thuẫn thật, không hề giả tạo.

* Theo ông, họa sĩ có cần thiết tìm hiểu, cập nhật thông tin về hội họa trong và ngoài nước để tránh “dẫm chân lên nhau” hay người nghệ sĩ chỉ cần quan tâm tới công việc của mình là đủ?

- Thực ra, hiểu biết của nghệ sĩ càng nhiều càng tốt, không bao giờ là thừa cả. Không chịu tìm hiểu tức là tự hạn chế chính mình. Có điều anh tưởng là mới, nhưng với thế giới đã là cũ, thậm chí cũ tới hàng thế kỷ. Từ những điều mình biết có thể tạo ra cái mới. Tác giả này gợi ý cho tác giả khác, nền nghệ thuật này gợi ý cho nền nghệ thuật khác... Hiện nay có một thực tế, anh em trẻ đang khước từ việc xem bảo tàng, vì họ sợ sẽ chịu ảnh hưởng của một đàn anh nào đó đi trước. Nhưng tôi đã nói rằng, con người ta không tự nghĩ ra cái gì. Quan điểm về sự khước từ này là cực đoan. Danh họa Picasso không từ chối bất kỳ sự ảnh hưởng nào. Sự ngẫu hứng tìm thấy mặt nạ châu Phi, điêu khắc châu Phi đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông. Quan niệm của Picasso là cái gì giúp tạo ra cái Đẹp thì không khước từ.

* Vậy theo ý ông, đâu là vấn đề cốt lõi để một họa sĩ tạo được phong cách riêng của mình trong phái nhất định?

- Đó là bản lĩnh, sự thông minh, trữ lượng sáng tạo... để có thể phát triển từ một sự gợi ý của hiện thực. Nhưng phải đủ mạnh, phải tìm ra bản chất của vấn đề chứ không chỉ là hình thức thì mới tạo ra phong cách riêng, mới thoát ra khỏi sự ảnh hưởng. Và điều quan trọng hơn cả vẫn là lao động. Thông qua lao động, công việc của mình mách bảo cho mình những sáng tạo mới.

* Nhận xét của cá nhân ông: hội họa đương đại Việt Nam đang học tập, chịu ảnh hưởng như thế nào từ các dòng chảy hội họa khác và đâu là đóng góp riêng của các tác giả Việt Nam?

- Tình hình hội họa Việt Nam hiện nay phong phú hơn rất nhiều. Thời gian trước do hoàn cảnh chiến tranh, hội họa chỉ có một dòng: hiện thực, với cách biểu hiện, biểu đạt một cách. Nay, hội họa phong phú và đa dạng. Tôi thấy đáng mừng cho bước phát triển mới này. Số lượng người làm hội họa hiện cũng nhiều hơn trước. Tranh Việt Nam đi triển lãm thế giới, khu vực, người ta cũng nhận ra Việt Nam có cảm nhận tốt về mỹ thuật... Tuy nhiên, để có được một đánh giá thì cần phải có thời gian. Còn đóng góp của các thế hệ họa sĩ đi trước, Việt Nam không thua kém nhiều bậc thầy thế giới đâu. Chỉ vì do hoàn cảnh chiến tranh, thế giới không biết đến chúng ta thôi. Hơn nữa, Việt Nam không có truyền thống hội họa lâu đời như các nước châu Âu. Ở đó họ có hệ thống phê bình mỹ thuật, gallery chuyên nghiệp, hay những bảo tàng có lịch sử nhiều thế kỷ. Ở ta, công tác bảo tàng ít được quan tâm, càng ít những nhà phê bình có uy tín, gallery manh mún, không chuyên nghiệp, đó là điều thiệt thòi cho họa sĩ. Chúng ta cần phải chuyên nghiệp hóa cả hệ thống, cũng như chuyên nghiệp hóa đến từng tác giả.

* Xin cảm ơn ông! 

Thu Hằng
(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm