Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 14): 'Văn hóa phải sửa được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ'

08/11/2021 19:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một ý trong bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ Nhất, cách đây 75 năm (24/11/1946). Rất tiếc cho đến nay, chúng ta không được đọc toàn văn bài diễn văn quan trọng này, và cũng không thấy có trong Hồ Chí Minh Toàn tập.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 13): Hà Nội mình vốn nhìn thẳng ra sông

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 13): Hà Nội mình vốn nhìn thẳng ra sông

Một trong những ý tưởng được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 vừa qua là Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Còn trên các bài viết đã công bố thì cách diễn đạt câu chữ có phần khác nhau. Tài liệu mà bài này khai thác được cho đáng tin cậy hơn cả, đó là bài tường thuật trên báo Cứu quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh số ra ngày 25/11/1946, nghĩa là ngay hôm sau sự kiện (hội nghị chỉ họp trong ngày thay vì 3 ngày như dự kiến vì tình hình chiến sự căng thẳng).

Chú thích ảnh
Trong hội trường cuộc triển lãm, Hồ Chủ Tịch trao đổi với các nhà trí thức (có Vũ Ngọc Phan, Trần Huy Liệu)

Về thời điểm, Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra sau đúng 1 năm tổ chức Tuần lễ Văn hóa tại Hà Nội (vào 10/1945, chỉ 1 tháng sau ngày Tuyên bố Độc lập). Tuần lễ Văn hóa này được đánh giá như hoạt động của giới văn hóa Thủ đô để tiến tới một hội nghị có quy mô toàn quốc. Mặc dù còn một số gương mặt tiêu biểu không dự, chỉ gửi điện chào mừng như Trần Đình Nam, Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Xuân Diệu, Nguyễn Đỗ Cung… trong đó một số đang ở Nam Bộ mịt mùng khói lửa của cuộc xâm lăng…, nhưng cũng đã có tới 200 đại biểu tham dự, buổi sáng khai mạc tại Nhà hát Lớn còn buổi chiều bế mạc tại hội trường Đại học (phố Lê Thánh Tông), có Chủ tịch Ủy ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đến dự.

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ Nhất (24/11/1946), Hồ Chủ Tịch đã đến dự và có bài phát biểu dài 40 phút với lời mở đầu rất khiêm nhường, rằng “chỉ nói đến văn hóa theo ý kiến và quan điểm riêng của mình”. Trong khi ông Đào Duy Anh đại diện ban vận động xác định rằng hội nghị này nhằm “để cho thế giới biết rằng trong khi dân tộc Việt Nam hăng hái chiến đấu, các nhà văn hóa vẫn thiết tha với công cuộc kiến thiết văn hóa, kiến thiết quốc gia”.

Chú thích ảnh
Chụp ảnh lưu niệm bên ngoài triển lãm tại Hội Khai trí Tiến Đức, có Hồ Chủ Tịch, Cố vấn Bảo Đại, Nguyễn Đình Thi...

Cũng vì thế, Cụ Hồ nhắc đến một mong muốn của mình chỉ là “thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Cụ xác nhận rằng văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương rồi đặt câu hỏi: “Ta nên theo Văn hóa nào?”. Rồi Cụ tự trả lời: “Đông phương hay Tây phương có cái gì tốt thì ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Cụ Hồ cũng khẳng định rằng: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân. Nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập…”. Cuối cùng, Cụ kêu gọi: “Tôi tin rằng, văn hóa Việt Nam sẽ có được một tương lai rực rỡ. Nên tôi thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng”, và kết luận: “Tôi mong chúng ta sẽ đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thể hiện độc lập, tự cường và tự chủ”…

Hội nghị đã bầu ra một Ủy ban Văn hóa Toàn quốc có 15 vị chính thức và 5 vị dự khuyết… Chúng tôi chỉ sưu tập được 2 tấm ảnh quý về Hồ Chủ tịch dự Tuần lễ Văn hóa (10/1945), còn về Hội nghị Văn hóa toàn quốc xin giới thiệu chân dung Hồ Chủ Tịch và một số đại biểu có tham dự bằng nét bút ký họa rất phóng khoáng, phá cách và sinh động toát nên một “tinh thần dân chủ” trong văn hóa Việt Nam như Cụ Hồ mong muốn, trong đó có nhiều bức do Bùi Xuân Phái minh họa.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét vẽ của Bùi Xuân Phái
Chú thích ảnh
Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng
Chú thích ảnh
Học giả Nguyễn Văn Tố
Chú thích ảnh
Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu
Chú thích ảnh
Nhà thơ, triết gia Nguyễn Đình Thi
Chú thích ảnh
Nhà phê bình Hoài Thanh
Chú thích ảnh
Thi sĩ Lưu Trọng Lư
Chú thích ảnh
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan
Chú thích ảnh
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên
Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Tuân
Chú thích ảnh
Nữ sĩ Vân Đài
Chú thích ảnh
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Luyện

(Còn tiếp)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm