Andy Warhol - cho phép mọi người đều có quyền được xinh đẹp

11/03/2020 09:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/3 sắp tới tại Anh, một triển lãm mang tên Andy Warhol bao gồm các bức tranh về người đồng tính hoặc chân dung phụ nữ chuyển giới sẽ mở ra cái nhìn mới về cái đẹp và cuộc sống của danh họa pop art.

Andy Warhol kiếm được nhiều tiền nhất từ các cuộc đấu giá trong năm 2014

Andy Warhol kiếm được nhiều tiền nhất từ các cuộc đấu giá trong năm 2014

Andy Warhol là nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền nhất từ các tác phẩm được đấu giá trong năm 2014. Tổng cộng ông đã thu 653,2 triệu USD từ 1.295 tác phẩm.

Andy Warhol (1928 - 1987) là một họa sĩ người Mỹ, nổi tiếng với nhiều bức tranh pop art (popular art - nghệ thuật đại chúng). Các tác phẩm của ông được “săn lùng” hàng đầu thế giới, bởi con số “khủng” từ đấu giá như 653 triệu USD cho 1.295 tác phẩm vào năm 2014.

Trước trào lưu pop art

Pop art là trào lưu mỹ thuật ra đời vào giữa thập niên 1950. Loại hình nghệ thuật này khá quen thuộc với công chúng và có sức ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như thời trang, truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, truyện tranh...

Andy Warhol sinh ra và lớn lên tại Pittsburgh, thuộc tiểu bang Pennsylvania (Mỹ). Vào năm 1949, ông đã chuyển từ Pittsburgh đến New York. Cùng sự bùng nổ của pop art và sự “hỗn loạn” của xã hội Mỹ trong những năm 1960, nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn bộ cuộc đời nghệ thuật của Warhol.

Tại đây, nhiều tác phẩm pop art nổi tiếng của ông được ra đời như: Coca Cola (1962), Marilyn Monroe (1967) hay Campbell's Soup Cans (1968)... Theo đuổi trào lưu pop art này, tên tuổi của ông nổi lên nhanh chóng. Khi được hỏi về tác phẩm Campbell's Soup Cans, Warhol trả lời: “Tôi muốn vẽ thứ gì đó vô giá trị. Tôi đang tìm kiếm cái gì đó vô bản chất và đó chính là hộp súp”.

Chú thích ảnh
Chân dung doanh họa pop art Andy Warhol

Trước khi trở nên nổi tiếng với các tác phẩm kể trên, những bức vẽ về đàn ông đồng tính của Warhol đã nhận nhiều sự “hắt hủi”. Theo Andy Warhol Foundation, danh họa đã cố gắng trưng bày các bức vẽ này ở New York vào những năm 1950. Vào thời điểm đó, đồng tính là một chủ đề gây nhiều tranh cãi tại nước Mỹ. Do vậy, ông đã phải chịu sự từ chối và kỳ thị từ các chủ phòng trưng bày. Nhưng không vì thế mà các tác phẩm sau này của ông thiếu đi chủ đề người đồng tính.

Tới nay, Mỹ hay trên thế giới đã có nhiều quốc gia công nhận cộng đồng người đồng tính. Có thể thấy, những thất bại của Warhol lúc đó chỉ là “sai thời điểm”. “Warhol đã thách thức thế giới nhìn mọi thứ khác đi nhưng đã không thành công trong những năm 50 của thế kỷ trước. Bởi họ chưa sẵn sàng cho điều đó” - Michael Dayton Hermann của Andy Warhol Foundation chia sẻ với báo The Guardian.

Chú thích ảnh
Bức tranh về đàn ông đồng tính từng bị từ chối triển lãm

“Mọi người đều có quyền được xinh đẹp”

Andy Warhol từ nhỏ đã là một cậu bé “xấu xí” do mắc bệnh múa giật và có một mong muốn duy nhất: trở nên “đẹp” và nổi tiếng.

Lớn lên trong sự tự ti về ngoại hình, ông dường như truyền tải rất nhiều ý nghĩa về cái đẹp đằng sau các tác phẩm. Dù Warhol “không muốn” có một ý nghĩa nào trên các bức vẽ của ông, thì bản thân chúng đã có những nét đẹp nhất định như Coca Cola (vẻ đẹp thiết kế) hay Marilyn Monroe (vẻ đẹp khêu gợi, nữ tính).

Chú thích ảnh
Các bức chân dung trong “Ladies And Gentlemen” (1974). Ảnh: The Andy Warhol Foundation for the Visual Arts

Bên cạnh đó, Andy Warhol cũng là một người đồng tính. Cũng chính vì vậy, những người phụ nữ chuyển giới hay “drag queen” (thuật ngữ gọi những người có phong cách ăn mặc nữ tính, kèm theo lối trang điểm đậm) là đề tài mà Warhol dành rất nhiều công sức. Trong số đó, những bức chân dung ít được biết đến với chủ đề trên của Andy Warhol cũng nằm trong lần triển lãm tại Tate Modern (London) sắp tới.

Năm 1974, Andy Warhol đã nhận được một khoản hoa hồng trị giá 1 triệu USD từ nhà kinh doanh nghệ thuật người Italy - Luciano Anselmino. Với đề nghị Warhol đi dạo quanh thành phố New York và vẽ tranh về cộng đồng phụ nữ chuyển giới hay drag queen. Warhol không chần chừ bắt tay vào dự án này, nhưng vì quá nổi tiếng nên ông đã cử trợ lý của mình đến vũ trường Gilded Grape để “tiếp cận” họ.

Ladies And Gentlemen (1974) là tên của dự án với đề nghị trên. Warhol đã làm việc với 14 “người mẫu” này để chụp hơn 500 tấm hình và cho ra đời 286 tác phẩm. Trong đó có 25 tác phẩm lần đầu có mặt tại Anh, khiến Ladies And Gentlemen trở thành một trong những bộ tác phẩm nghệ thuật phong phú nhất của Andy Warhol.

Chú thích ảnh
“Ladies And Gentlemen” với mẫu Wilhelmina Ross. Ảnh: The Andy Warhol Foundation for the Visual Arts

Sự coi trọng, ngưỡng mộ vẻ đẹp của Warhol giờ đây không còn bị coi là “rẻ rúng” nữa. Thực tế, điểm nổi bật trong những bức chân dung vẽ vào những năm 1970 của ông đã tôn lên những nét đẹp từ bên trong con người của nhân vật và ai cũng có quyền như vậy. “Warhol đã cho phép mọi người có quyền được trở nên xinh đẹp, cho họ cảm thấy an toàn dưới lớp mặt nạ bảo vệ của họ” - người phụ trách triển lãm Stephan Diederich viết.

Qua đó, dần theo thời gian, những điều Andy Warhol làm đã đem lại cho xã hội một cái nhìn khác về mặt thẩm mỹ trong cái gu và tâm thức của con người. Ai cũng có quyền bình đẳng và những người chỉ trích chỉ đang “đúng” ở quá khứ nhưng “sai” trong tương lai.

Từng bị cả xã hội “chối bỏ”, nhưng tên của ông đã bùng nổ với cá tính không thể trộn lẫn trong thế giới pop art. Vượt qua mọi rào cản để xác định giá trị cái “đẹp” trong con người.

Các bức vẽ người đàn ông đồng tính và Ladies And Gentlemen (1974) đều được triển lãm tại phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern (London) từ ngày 12/3 đến 6/9.

Thành Quách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm