Ăn bằng niềm tin!

15/04/2016 07:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần vừa qua, dư luận phát sốt vì miếng ăn. Đầu tiên là phát ngôn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”. Bộ trưởng đã nhanh chóng đăng đàn phân tích rõ hơn ý của mình. Kèm theo đó là một lời xin lỗi.

Ngay trong ngày Bộ trưởng phát biểu (1/4), Chi cục Thú ý Bình Dương đã phát hiện 200 con lợn sắp xuất chuồng dương tính với chất tạo nạc. Liều lượng chất cấm được sử dụng vượt mức cho phép hàng trăm lần. Hình thức xử phạt với cơ sở sản xuất là… phạt hành chính. Tổng số tiền xử phạt là 20 triệu đồng.

Đây không phải tình trạng cá biệt. Theo số liệu thống kê, năm 2015, gần 32 ngàn tấn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả về vì có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép. 16% mẫu thịt phát hiện có samonella, 10,3% mẫu rau có dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng…

Những con số biết nói khiến người dân hoang mang như ở ma trận thực phẩm bẩn. Những kinh nghiệm dân gian về lựa chọn rau, thịt, thủy sản ngon đã không còn nhiều giá trị. Chất bảo quản, chất cấm chăn nuôi đã khiến chuyện mớ rau, con cá không đơn giản tươi, xanh là sạch.

Giữa lúc vô phương, thị trường dường như đang được điều tiết bằng niềm tin. Tin bà bán thịt thân quen đầu ngõ, tin người đồng nghiệp bán rau sạch trên Facebook… là lý do lớn nhất để người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng.


An toàn vệ sinh thực phẩm cần được đảm bảo trong quá trình sản xuất các mặt hàng

Những thông tin khác, ngay cả những tiêu chuẩn thực phẩm sạch “kiểu Việt Nam” hay dấu kiểm dịch, cũng không đủ thuyết phục người mua hàng. Bởi thông tin tiêu cực về vấn đề hậu kiểm chất lượng thực phẩm xuất hiện liên tiếp trên mặt báo.

Cũng chuyện miếng ăn, trong tuần qua, bát phở 300 ngàn đồng ở Hà Nội cũng làm dậy sóng dư luận. Lý do bát phở trở thành “hot” không phải chuyện bẩn- sạch mà bởi giá của bát phở. Người chủ quán cũng đã lên báo giải thích lý do bát phở có giá “khủng”. Dư luận vẫn tiếp tục mổ xẻ về giá cái đùi gà, giá quả trứng non, giá cái kê gà…

Câu chuyện tưởng chừng li ti, song phản ánh vấn nạn của ẩm thực Việt. Đó là sự thiếu minh bạch trong báo giá. Thương mại dựa trên nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Giá kể, người chủ quán có báo giá rõ ràng trong thực đơn, câu chuyện đã không phức tạp đến vậy.

Đây cũng không phải lần đầu, xã hội mất quá nhiều năng lượng để đôi co chuyện phải trái trong hóa đơn tính tiền. Nhiều câu chuyện tưởng chừng chặt chém lên mặt báo. Dư luận lao nhao phản ứng. Rồi chủ quán đăng đàn phân bua. Sau đó, mọi thứ chóng qua để một câu chuyện “chặt chém” khác xuất hiện.

Trong khi đó, căn cốt của vấn đề là chuyện minh bạch báo giá trong các món ăn thì ít người đề cập. Danh sách báo giá các món ăn không phức tạp. Nhưng nó tránh được rất nhiều chuyện hiểu nhầm, cho thực khách cũng như chủ quán. Hơn hết thảy, nó làm giảm bớt đi những cuộc đôi co không cần thiết.

Bằng không, cũng như chuyện an toàn thực phẩm, người dân vào quán lạ cũng chỉ biết ăn bằng niềm tin!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm