'All I Have To Do Is Dream': Tự truyện về một giấc mơ có thật

31/03/2018 09:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu ai có suy nghĩ rằng người tình bước ra từ trong mộng chỉ có trong chuyện cổ tích của nàng Aurora và hoàng tử Phillip, thì hãy dành thời gian tìm hiểu về mối tình của Felice và Bryant Boudleaux. Và nhất là, hãy nghe All I Have To Do Is Dream để kiểm chứng câu chuyện về giấc mơ có thật của họ.

All I Have To Do Is Dream là sáng tác của cặp vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng Felice và Boudleaux Bryant, được gửi gắm qua giọng hát của Everley Brothers trong đĩa đơn của nhóm này phát hành năm 1958.

All I Have To Do Is Dream khởi nguồn từ một giấc mơ, và chính nó cũng trở thành mơ ước của bất kỳ nghệ sĩ nào về một tuyệt phẩm tình ca sống mãi với thời gian.

Nhân tình bước ra từ… trong mơ

Mùa Xuân năm 1945, cô nàng 19 tuổi Matilda Genevieve Scaduto (tên cũ của Felice Boudleaux) đang cặm cụi với vị trí nhân viên trực thang máy nhỏ bé tại khách sạn Sherwood ở Milwaukee. Một công việc rập khuôn vô vị.

Chú thích ảnh
Đĩa đơn “All I Have To Do Is Dream”

Cũng vào một buổi chiều mùa Xuân ấy, vị nhạc công với cái tên mỹ miều Diadorius Boudleaux Bryant cùng với ban nhạc jazz của anh từ Georgia xa xôi đến biểu diễn tại khách sạn Sherwood. Hai người chạm mặt nhau. Và 2 ngày sau người ta thấy cô nhân viên nghỉ việc không thông báo, còn chàng nhạc công cũng biến mất chẳng tăm hơi. Họ đã dắt nhau “cao chạy xa bay”, bắt đầu một mối tình đầy nhạc và thơ.

Hẳn là hai người đã trúng tiếng sét ái tình. Nhưng mạnh đến mức “đưa nhau đi trốn” chỉ sau 2 ngày ư?

Felice Boudleaux tin rằng định mệnh đã đưa họ đến với nhau, nhưng không phải từ mùa Xuân năm 1945. “Tôi đã mơ về Boudleaux từ hồi 8 tuổi. Chúng tôi nhảy trên nền nhạc “của chúng tôi”. Và tôi nhớ như in khuôn mặt của anh ấy. Thoáng thấy anh trong khách sạn, tôi nhận ra ngay lập tức”.

“Anh ấy không biết tôi là ai, nhưng tôi thì biết, rõ hơn ai hết. Thế là tôi cứ bám chặt lấy anh ấy” - Felice kể với Country Music People vào năm 1981.

Nhưng định mệnh dù sao cũng có “sai số” của nó: “Có một điểm khác duy nhất với giấc mơ là anh ấy không có râu. Về sau thì anh ấy đã quyết tâm để râu vì tôi” - Felice kể lại, hạnh phúc như mơ.

Chú thích ảnh
Cặp vợ chồng nhạc sĩ Felice và Boudleaux Bryant

Phải đến sau khi về sống chung với Boudleaux Bryant, Felice mới tập tành sáng tác. “Tôi viết liên tục. Ban đầu tôi viết thơ và thư rồi xé ngay để không ai đọc được”.

Bà kể tiếp: “Tôi không đọc nhạc. Tôi không chơi nhạc cụ. Bản thân câu chữ đã có giá trị âm nhạc rồi. Đó là cách tôi sáng tác. Sau đấy thì Boudleaux viết nhạc cho hoàn chỉnh”.

Chúng tôi sáng tác vì thích thế, cho vui ấy mà” - Boudlex nói - “Sau khoảng 80 ca khúc thì chúng tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nó và thấy có vẻ tốt”.

Họ đã “dìu” nhau trên con đường sáng tác như vậy. Với Boudleaux, viết nhạc và Felice viết lời, cặp vợ chồng này để lại một gia tài tương đối đồ sộ với 6.000 sáng tác chung, bán được trên 200 triệu bản thu khi hợp tác cùng hàng loạt danh ca như Tony Bennett, Dean Martin, Simon & Garfunkel và đặc biệt là Beverly Brothers.

Thông tin về thời điểm sáng tác của All I Have To Do Is Dream không được tiết lộ, người ta chỉ biết là nó nằm đâu đó trong khoảng 13 năm từ khi hai nhạc sĩ gặp nhau đến lúc Everly Brother hát vang nó trên sóng phát thanh. Nhưng có sự thật đã được khẳng định là họ chỉ cần vỏn vẹn 15 phút để sáng tác nó, dựa trên cảm hứng từ chính cách định mệnh sắp xếp họ gặp nhau.

“Bất cứ khi nào em cần anh, điều em cần làm chỉ là mơ”, lời bài hát vốn sến sẩm kiểu “trên trời” thì nay lại phản ánh không thể chân thật hơn về một câu chuyện thực tế. Và cũng thật thú vị trong cách hai nhạc sĩ sử dụng điệp khúc “Dream”, như một sự tôn vinh đối với giấc mơ của định mệnh đã đưa họ đến với nhau.

“Giấc mơ” không của riêng ai

All I Have To Do Is Dream là sáng tác đặc biệt nhất sự nghiệp của Felice và Boudleaux Bryant bởi lý do như trên. Song nó còn đặc biệt cả với Everly Brothers, hai giọng ca đã mang đến cho ca khúc này một vẻ quyến rũ đầy ám ảnh.

Quan trọng, bởi nó đem về cho Everly Brothers những kỷ lục mà đến tận bây giờ vẫn chưa ai phá được. All I Have To Do Is Dream là đĩa đơn duy nhất đạt đến vị trí quán quân trên tất cả hạng mục dành cho đĩa đơn tại BXH Billboard vào tháng 6/1958.

Chú thích ảnh
Ban nhạc The Everly Brothers

Không chỉ vậy, đều đặn mỗi thập niên 50, 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, All I Have To Do Is Dream đều có ít nhất một lần “lên đỉnh” ở Billboard Hot 100 với nhiều giọng ca khác nhau. Riêng Everly Brothers chiếm 2 lần trong số đó, vào năm 1958 và năm 1961.

Phil Everly từ bộ đôi Everly Brothers nói: “Tôi nhớ khi nghe All I Have To Do Is Dream từ Boudleaux và ngay lập tức biết nó sẽ thành hit. Nó quá tuyệt vời, quá đẹp, quá hay”.

Với All I Have To Do Is Dream, giọng hát của anh em Everly Brothers được tận dụng triệt để khi vang lên từ đầu đến cuối không ngừng. Nhạc nền cũng được làm đơn giản nhằm phục vụ cho mục đích này. Để rồi cuối cùng, vang mãi trong đầu người nghe là giọng hát, ca từ và những “giấc mơ”.

Vợ chồng nhà Boudleaux cũng là người chắp bút cho kha khá bản hit của Everly Brothers, bao gồm Bye, Bye Love; Devoted To You…

“Chất liệu của họ được thiết kế để vừa vặn với chúng tôi” - Don Everly nói -“Boudleaux thường ngồi xuống trò chuyện cùng chúng tôi. Rất nhiều sáng tác của anh như kiểu “đi guốc trong bụng” chúng tôi vậy, phản ánh khát khao, mục tiêu và sở thích của chúng tôi”.

All I Have To Do Is Dream được vinh danh là một trong “500 ca khúc định hình dòng nhạc rock and roll” bởi Sảnh danh vọng Rock and Roll. Đồng thời, nó cũng được nhận giải từ Sảnh danh vọng Grammy vào năm 2004, là cái tên quen thuộc xuất hiện trong vô số list nhạc bất hủ.

Bộ đôi huyền thoại The Everly Brothers

The Everly Brothers là cặp song ca người Mỹ theo đuổi dòng nhạc rock and roll chịu ảnh hưởng của country, hoạt động mạnh nhất vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước cùng với làn sóng trỗi dậy của rock and roll.

Bộ đôi bao gồm hai anh em Isaac Donald "Don" Everly và Phillip "Phil" Everly, nổi tiếng với đàn guitar điện và lối hát bè. Trong phần lớn bản thu, Don Everly đảm nhận giọng nam trung (baritone) còn Phillip Everly hát giọng nam cao (tenor).

Bộ đôi hoạt động từ năm 1957 đến 1973, tạm tan rã để hai người theo đuổi con đường solo riêng, rồi lại tái hợp vào năm 1983 và hoạt động tiếp đến năm 2005.

Everly Brothers là cái tên khá “được lòng” giới nghệ sĩ quốc tế. The Beatles tự nhận họ là “Everly Brothers phiên bản Anh” và từng sử dụng bài hát của bộ đôi này trong nhiều buổi thu âm trực tiếp. Huyền thoại Bob Dylan, The Beach Boys hay cặp nhạc sĩ nổi tiếng Simon and Garfunkel từng thu âm các ca khúc của Everly Brothers và đưa vào album của họ.

Nhạc sĩ Paul Simon dành những lời “có cánh” về Everly Brothers: “Khi Simon & Garfunkel đi lưu diễn cùng Everly Brothers năm 2003, Art và tôi muốn tận dụng mọi cơ hội để học về nền tảng rock and roll từ hai huyền thoại này. Thật vinh hạnh khi được đồng hành với họ”.

Tay guitar của ban nhạc Rolling Stones thì gọi Don Everly là “một trong những người chơi giai điệu xuất sắc nhất”.

Năm 1986, Everly Brothers là một trong số 10 nghệ sĩ đầu tiên được vinh danh tại Sảnh danh vọng Rock and Roll.

Hiện tại, chỉ còn người anh trai là Isaac Donald "Don" Everly còn sống. Phillip "Phil" Everly đã qua đời vào tháng 1/2014 bởi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Ca khúc 'When You Say Nothing at All': Lời đẹp nhất là khi không nói gì

Ca khúc 'When You Say Nothing at All': Lời đẹp nhất là khi không nói gì

Lối sống phóng túng, chúa ghét sự bóng bẩy chỉn chu, Keith Whitley đã hát "When You Say Nothing at All" theo cái cách đơn giản và tự nhiên đến mức có vẻ thờ ơ. Nhưng những điều tưởng như giản đơn lại thường sống mãi.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm