'Alice ở xứ sở diệu kỳ' tròn 150 tuổi: Một câu chuyện thần tiên đen tối?

27/01/2015 08:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm Alice ở xứ sở diệu kỳ có cốt truyện gốc rất trong sáng, ngây thơ. Dường như đây là lý do để độc giả thuộc nhiều thế hệ đã suy diễn, gán ghép cho cuốn sách thêm nhiều ẩn ý khác nhau và các ý nghĩa này không phải lúc nào cũng trong sáng.

Kể từ khi ra đời vào năm 1865, cuốn sách Alice's Adventures in Wonderland (Alice ở xứ sở diệu kỳ) đã như một câu thần chú của nhà văn Lewis Carroll, niệm lên tất cả độc giả trong suốt 150 năm qua.

Thế giới thần tiên hay ảo giác và ấu dâm?

Câu chuyện về cô bé Alice chui vào lỗ thỏ để rồi lạc vào xứ sở trong mơ của Thỏ Trắng, uống chai nước và ăn chiếc bánh kỳ lạ, tìm cách mở những cánh cửa bí mật khóa kín, đối đầu với các bà hoàng hậu, những lá bài ma thuật, đã quyến rũ trẻ em và người lớn trên thế giới, gợi cảm hứng cho không ít tác phẩm chuyển thể thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Nhưng Alice ở xứ sở diệu kỳ chỉ là câu chuyện thần tiên ngây thơ về cuộc phiêu lưu tưởng tượng của một đứa trẻ, hay đằng sau đó ẩn chứa nhiều hơn thế? Ngay từ thời Nữ hoàng Victoria, độc giả nhiều lứa tuổi đã háo hức tìm hiểu và suy đoán về những ẩn ý và thông điệp ngầm nằm trong tác phẩm. Liệu có phải cuốn sách đang nói về ảo giác khi sử dụng ma túy? Có lẽ tác giả không tử tế lắm như người ta tưởng?


Phim chuyển thể Alice in Wonderland (2010) của Disney do Mia Wasikowska đóng vai chính

Will Brooker, giáo sư Đại học Kingston ở London, tác giả cuốn nghiên cứu Alice ở xứ sở diệu kỳ: Lewis Carroll trong văn hóa đại chúng, cho biết mỗi thế hệ đều tự giải thích ẩn ý của cuốn sách, theo cách hiểu của thời đại đó.

“Thập niên 1930 người ta phân tích khía cạnh tâm lý, thập niên 1960 là ảo giác, và thập niên 1990 là ấu dâm” – ông nói với Telegraph. Buổi ban đầu, Alice ở xứ sở diệu kỳ quá đơn giản, thậm chí bị coi là "sinh động, đáng yêu nhưng hơi vô nghĩa".

Đến thập niên 1930, người ta không chấp nhận sự đơn giản này nên bắt đầu vận dụng những lý thuyết tâm lý thịnh hành thời đó của Sigmund Freud để đọc sách, cố tạo ra cho nó một lớp ý nghĩa mới. Sang thập niên 1960, một thế hệ đắm chìm trong cần sa, ma túy hướng thần và các chất kích thích khác đã cho rằng Carroll đang "phê" ma túy khi viết sách. Họ chỉ ra rằng câu chuyện trong Alice ở xứ sở diệu kỳ rất giống với trải nghiệm của họ khi "phê" cần sa và ma túy hướng thần. “Họ nghĩ tác giả đang nói thứ ngôn ngữ của mình” – Brooker nói.

Hình dung này có tính suy diễn cao. Ca khúc White Rabbit (Thỏ Trắng) của ban nhạc Jefferson Airplane, được sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1960 lấy cảm hứng từ cuốn sách và mô tả thế giới trong sách, có một câu rất liên quan đến chất kích thích: “Một hơi để thấy mình lớn hơn, một hơi để thấy mình bé lại”.

Thập niên 1990 đến cùng với những liên tưởng về tình dục. Cả xã hội Anh hoảng hốt trước chứng ấu dâm phi đạo đức. Thêm vào đó, cơ sở thực tế rất có liên quan là Carroll từng có mối quan hệ tình cảm với Alice Liddell– con gái một người bạn của ông - cũng là nguyên mẫu nhân vật Alice. Thực tế thú vị này khiến độc giả thập niên 1990 đi đến kết luận cuốn sách là một tác phẩm ấu dâm.

Thói thêu dệt của “nền văn hóa lá cải”

Thập niên 1990 và cả sau năm 2000, càng nhiều độc giả nhìn nhận cuốn sách từ góc độ là tác phẩm của một kẻ mắc chứng ấu dâm. Nhưng bản thân Brooker, người viết tiểu sử của Carroll, lại không đồng ý với lập luận đó. Theo ông, Carroll có lối sống điều độ chứ không nghiện ngập.

Quan trọng hơn, Brooker cho rằng mối quan hệ của Carroll với Alice cũng bị người đời sau thêu dệt theo lối nghĩ của một “nền văn hóa lá cải”. “Đó là triệu chứng của nền văn hóa bị báo lá cải chi phối. Người ta có xu hướng nghĩ rằng ai cũng có bí mật hay bê bối ở đâu đó. Nhưng tôi không nghĩ rằng Carroll có bê bối tai tiếng” - ông nói.

Câu hỏi đặt ra là các thế hệ tương lai có tiếp tục thêu dệt ý nghĩa của Alice ở xứ sở diệu kỳ không? Khả năng lớn là có. Đây là một trong những truyện thiếu nhi có nhiều tầng ý nghĩa nhất của mọi thời đại, có khả năng đẩy trí tưởng tượng của người đọc đi xa nhất.

Còn với trẻ em mọi thời, đây chỉ là cuộc phiêu lưu của một cô bé vào thế giới người lớn xa lạ và đầy bất trắc. Và như thế, sẽ còn nhiều thế hệ nối tiếp nhau muốn cùng Alice chui xuống lỗ thỏ.

'Alice ở xứ sở diệu kỳ' ra đời trong một cuộc đi chơi?

Kỷ niệm 150 năm Alice ở xứ sở diệu kỳ ra đời, nhà báo Libby Purves viết trên tờ Guardian: “Ngày xưa vào một mùa Hè thời Nữ hoàng Victoria, một tu sĩ kiêm nhà quý tộc Oxford chèo thuyền đưa hai con gái của bạn đi chơi, từ cầu Folly đến Godstow. Ông kể chuyện cho hai cô bé nghe khi họ đi qua những bờ sông vào một buổi chiều xám bạc mà sau này ông nhớ là màu vàng”.

“Cùng hai đứa trẻ, Charles Lutwidge Dodgson (tên thật của Lewis Carroll) đã vượt qua tật nói lắp của mình và còn tự cười nhạo nó (nhân vật Do-Do trong câu chuyện chính là cái tên nhại từ cách ông phát âm tên mình, “Do-do-Dodgson”)”.

“Cô bé Alice Liddell đã yêu cầu ông viết lại câu chuyện đó. Ông làm theo, thêm mắm thêm muối vào, và 3 năm sau câu chuyện được xuất bản với bút danh tác giả Lewis Carroll, tên là Alice ở xứ sở diệu kỳ”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm