80 năm, vẫn bồi hồi "Thơ mới"

10/04/2012 07:57 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Nhân kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ mới (1932-2012), sáng 9/4/2012, Viện Văn học đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề 80 năm Thơ mới.  Nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn đã có mặt phát biểu và đọc tham luận để đánh giá, ghi nhận những thành tựu của các nhà Thơ mới sau ngót một thế kỷ cũng như ý nghĩa của Thơ mới đối với quá trình phát triển thơ ca Việt Nam đương đại.

Thơ mới Việt Nam và Thơ mới Nhật Bản, Hàn Quốc

Nhà thơ Mã Giang Lân cho biết: Chúng ta nói “phong trào Thơ mới” là tính từ năm 1932, thời điểm đó. Nhưng Thơ mới Việt Nam thời điểm khởi phát, phải trở về những năm đầu thế kỷ 20, khi mà điều kiện xã hội, văn hóa, môi trường văn học, dịch thuật giúp cho các nhà thơ tự do bộc lộ con người cá nhân cá tính của mình bằng những hình thức mới.

Ông so sánh với nước Nhật từ năm 1882, tên gọi “Shintaishi” được chính thức dùng để chỉ Thơ mới. Rồi Hàn Quốc năm 2008 kỷ niệm 100 năm hình thành Thơ mới kể từ thời điểm bài thơ Từ biển cả đến thiếu niên của Choi Nam Seon ra đời năm 1908.

Trở lại với Thơ mới Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều bài thơ thời kỳ này đã có hình hài mới, tâm hồn mới của thời đại canh tân hiện đại hóa đất nước và đó là công việc người nghiên cứu phải làm, cần làm để minh định.

Sự xuất hiện của Thơ mới những năm đầu thế kỷ 20 đánh dấu sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về diễn ngôn thơ, về các quy ước kiến tạo và diễn giải văn bản thơ.

Dưới góc nhìn này, qua trao đổi nhà phê bình văn học trẻ Trần Thiện Khanh (Viện Văn học) cũng cho rằng các nhà nghiên cứu văn học sử cần phải tiếp tục tìm tòi, phác họa lại diện mạo của thơ mới một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn, về cả nội dung và thi pháp. Thời điểm mở đầu và kết thúc phong trào Thơ mới nên chăng cũng phải được xác định lại một cách rõ ràng, theo hướng mở rộng thời gian và khuynh hướng sáng tác. Dường như chúng ta vẫn còn nợ nhiều nhà Thơ mới, đã đến lúc sự công bằng, khách quan phải đặt lên trước tiên, đó là phải trả lại vị trí tương xứng cho các nhà thơ mới theo khuynh hướng tượng trưng, những người tiếp tục sáng tác sau giai đoạn 1954 ở miền Nam như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… Bởi những đóng góp của họ không chỉ nằm ở đổi mới giá trị nghệ thuật mà còn ở cả những quan niệm chiếu rọi về con người, cái đẹp và tình yêu.

Trào lưu lãng mạn hay cuộc cách mạng thi ca

“Tôi phải tập yoga để nhìn thấy ngày Thơ mới trở lại” (Xuân Diệu).

Khi phong trào Thơ mới xuất hiện, thi pháp thơ Việt Nam không còn nằm trên “bệ cũ” như thơ Đường luật, thất ngôn bát cú, song thất lục bát, cổ phong, lục ngôn… Thơ mới đã thổi một luồng gió lạ, quét gọn hệ thống cũ và sắp xếp lại những ý nghĩ, tư duy về thơ. Mục đích của Thơ mới là dỡ đi những gò bó, hạn chế khả năng biểu đạt tình cảm tự nhiên, sâu thẳm của con người, ngoài ra nó không hề đặt cho mình bất cứ giới hạn nào.

Buổi hội thảo có khá nhiều câu chuyện và những tham luận xoay quanh chủ đề này.

Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức làm bất ngờ khi xin lỗi hội thảo vì đến muộn, ông phân trần Viện Văn học bảo cho xe đến đón, nhưng chờ mãi không thấy, mà thèm thơ quá, nhất là nói về Thơ mới, nên cuối cùng phải bắt taxi đi. Và ông hài hước “người già thì không nên chờ cái gì cả, tôi nhớ cái gì thì xin nói cái đó”.

Ông run run kể lại hơn 20 năm trước, khi Thơ mới được ghi nhận một số thành tựu, nhà thơ Huy Cận đã xúc động nói trong buổi lễ “Kính thưa anh linh các nhà thơ mới, trong giờ phút linh thiêng xin hãy về chứng giám”. Rồi “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, đã phải thốt lên “Tôi phải tập yoga để nhìn thấy ngày Thơ mới trở lại”. Ông kể rằng cũng dịp này, tại đây kỷ niệm 70 năm Thơ mới, hôm đó không đông, nhưng vui. Và nhà thơ Huy Cận ngồi đúng vị trí ghế chủ tọa của buổi Hội thảo ngày hôm nay. Chị Anh Thơ, lúc nào cũng áo dài trắng, tóc chải chuốt… Những kỷ niệm về các nhà thơ mới cứ nối tiếp trong trí nhớ của ông.

Ngay cả bữa ăn mỗi người đóng 25 nghìn đồng nhưng lại phải theo thực đơn của nhà thơ Huy Cận gồm có đùi gà, súp, xôi, bia… được nữ sĩ Anh Thơ “trù nghệ” tại nhà, vậy mà bây giờ đã không còn ai nữa. Mới hay, người già trông thần sắc bên ngoài tưởng minh mẫn là vậy nhưng bay đi lúc nào không biết. Ông cho rằng Thơ mới có nhiều bước thăng trầm, “thăng” cũng lắm và “trầm” cũng nhiều, nhưng tin tưởng vào thời gian với những ghi nhận công bằng, xứng đáng với vị thế của Thơ mới.

GS Trần Đình Sử trong tham luận của đã phát biểu về sự “hòa giải” giữa thơ cũ và thơ mới, đồng thời trích dẫn ý kiến của ông Lê Đình Kỵ  “Phá bỏ một lối thơ đã ngự trị hàng ngàn năm trên thi đàn dân tộc đâu phải là chuyện chơi”. Và cho rằng Thơ mới không phá bỏ đi cái gì cả, nó chỉ xây dựng, vận động một hình thức thơ mới, tức là kiến tạo thi pháp mới, đấy cũng chính là nội dung của một cuộc cách mạng thi ca.

Thế nhưng, ngay cả phương diện này cho đến nay nội dung cuộc cách mạng thi ca vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Mặc dù, giới nghiên cứu đã có nhiều cố gắng, song vẫn đang chờ đợi những nghiên cứu phân biệt hai hệ thống thơ cổ và thơ mới sáng tỏ hơn nữa. Thơ mới, một trào lưu lãng mạn hay là một cuộc cách mạng thi ca thực sự? Vẫn phải đợi sao, thời gian có là thước đo giá trị chuẩn nhất, phải chăng, như GS Trần Đình Sử đã đọc trong đoạn kết của tham luận “Thi ca giống như rượu ngon, phải được ủ trong hầm qua nhiều chục năm thì hương vị mới thật đắm say đậm đà. Các thứ hoa lạ, rượu mới đều cần và quý báu cả, nhưng xin hãy rộng lòng nhẫn nại, tỉa tót chăm bón, chờ xem đến lúc đậm đà”.

Lãng Ma

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm