74 năm Quốc khánh: Ra mắt sách và khai mạc triển lãm ảnh 'Nơi đầu sóng'

30/08/2019 19:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ ra mắt sách và khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “Nơi đầu sóng” đã diễn ra chiều 30/8 tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chương trình do Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học tổ chức nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2019).

Nhân 74 năm Quốc khánh: Từ Tuyên ngôn Độc lập nghĩ về khát vọng đất nước cường thịnh

Nhân 74 năm Quốc khánh: Từ Tuyên ngôn Độc lập nghĩ về khát vọng đất nước cường thịnh

Thời gian đang đến rất gần mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam - Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng” giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh các mặt hoạt động tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các lực lượng trên biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Ngoài các bức ảnh của các nhiếp ảnh gia, nhà báo, triển lãm “Nơi đầu sóng” còn trưng bày các tác phẩm ảnh của các nhân vật đặc biệt như: Chính ủy các Lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo… Triển lãm còn trưng bày các hiện vật về quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt cuốn sách "Nơi đầu sóng". Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Văn học giới thiệu cuốn sách “Nơi đầu Sóng” của nhà văn, nhà báo Lữ Mai và kỹ sư Trần Thành.  

Cuốn sách “Nơi đầu sóng” gồm 21 tản văn, ghi chép và bộ ảnh chọn lọc minh họa về chủ đề biển đảo, cuộc sống của người chiến sỹ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và trên những con tàu. Các nhân vật trong cuốn sách là các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì biển đảo Tổ quốc; bộ đội trên đảo, trên tàu; thân nhân của người lính; các y - bác sĩ; người trực hải đăng; các chuyến tàu trên biển với những thủy thủ tinh anh, đội phục vụ tận tâm, tổ xuồng quả cảm, tổ máy thầm lặng… Đó là những câu chuyện mộc mạc, bình dị nhưng đầy cảm xúc của tác giả Lữ Mai và Trần Thành thông qua những trải nghiệm khi nhiều lần được đến với Trường Sa và biển đảo quê hương.  

Kỹ sư Trần Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường và nhiều công trình đang ấp ủ. Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân dân, là một trong số ít hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Chị là tác giả của 6 tập sách gồm thơ, truyện ngắn, tản văn… Tháng 5/2019, chị đã có chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN 490.

Nhân dịp ra mắt sách và khai mạc triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng”, Ban tổ chức phát động chương trình Tết trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn” năm 2019, nhằm kết nối, tặng quà cho con em cán bộ chiến sỹ đang công tác trên biển đảo. Toàn bộ số tiền quyên góp được tại sự kiện sẽ được mua quà tặng gửi đến các cháu  ngay mùa Trung thu cho thiếu nhi tại Quân chủng Hải quân, Hải Phòng./.

Phương Lan 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm