40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Cuộc chiến hào hùng qua từng khúc hát: Bài 1: Những lời ca lay động trái tim

25/02/2019 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 40 năm, vào những ngày tháng 2 năm 1979, quân và dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tất đấc nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc. Biết bao gian khổ, mất mát và hy sinh, máu thấm đỏ cả vùng biên viễn, nhưng những người con anh dũng vẫn quyết chiến đấu để giữ toàn vẹn lãnh thổ. Đồng hành cùng những bước chân của quân và dân ta trên khắp dải bên cương, những lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ thực sự là những lời động viên, thúc giục quân dân ta quyết tâm chiến đấu.

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Màu xanh biên ải​

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Màu xanh biên ải​

Nắng sớm tháng Hai trải dài trên lưng núi đá. Âm thanh trong tiết học lịch sử về truyền thống dựng nước, giữ nước, tinh thần dân tộc kiên cường, bất khuất từ Trường Tiểu học Pha Long- ngôi trường ở thượng nguồn con sông Chảy, vang lên như tiếng vọng trùng trùng lớp lớp thời gian. Giữa sân trường, lá cờ Tổ quốc lồng lộng sắc đỏ như khẳng định chủ quyền, gắn chặt tinh thần đoàn kết dân tộc nơi biên viễn…

Ngày 17/2/1979 là một ngày không thể nào quên đối với người dân các tỉnh biên giới phía Bắc cũng như cả dân tộc Việt Nam. Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh lại phải đương đầu với cuộc chiến đấu mới. Chính trong những ngày khói lửa đó, nhiều khúc hát thúc giục lòng người đã ra đời, lay động hàng triệu trái tim con dân đất Việt.

* Lay động triệu triệu trái tim Việt Nam

Ngay trong đêm 17/2, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời một ca khúc mang tên: "Chiến đấu vì độc lập tự do". Có thể tên bài hát ít được mọi người biết đến, nhưng những câu hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…" thì đã hòa cùng nhịp đập con tim triệu triệu người dân Việt Nam. Chỉ 3 ngày sau khi ra đời, bài hát đã vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thôi thúc, lay động trái tim 50 triệu người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Đến hôm nay, mỗi dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bài hát đã đi vào lịch sử đó lại được hát vang, để nhắc người Việt Nam nhớ về những ký ức đau thương mà hào hùng, thêm trân trọng cuộc sống bình yên đang hiện hữu trên khắp dải biên cương.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên lật giở từng “trang kỷ niệm” khi nhớ về cuộc chiến ác liệt 40 năm trước. Sắp bước vào tuổi 90 nhưng ông còn khá minh mẫn. Ông vốn nghĩ rằng sau ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" sẽ không phải viết bất cứ bài hát nào về chiến tranh nữa, bởi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng. Rạng sáng 17/2/1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đang phụ trách âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã lặng người đi khi nghe thông tin quân xâm lược đã tràn qua biên giới phía Bắc nước ta. Ngay trong đêm 17/2, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã hoàn thành ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” ghi lại những cảm xúc không chỉ của riêng mình, mà của mọi người dân Việt Nam. Bài hát được mở đầu bằng câu: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...”. Bài hát hoàn thành đã được các ca sĩ, dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam nhanh chóng dàn dựng, thể hiện trên sóng phát thanh, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn dân, toàn quân.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, ông vẫn nhớ cảm giác xúc động thực sự khi ca khúc vừa lên sóng. Những anh em cán bộ, người lính trong Tây Nguyên và Khu 5 gọi điện thoại cho ông và nói rằng, nghe bài hát họ cũng muốn góp sức bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Lúc này hơn lúc nào hết, ông cảm nhận rõ rệt câu nói của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Trong chiến đấu thì âm nhạc là một vũ khí.

Chú thích ảnh
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tạ Hải/TTXVN

* Chiến đấu vì độc lập tự do

Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Thanh là một trong những người đầu tiên thể hiện bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhớ lại thời điểm bài hát vừa ra đời, nghệ sĩ Tuyết Thanh cho biết: Chúng tôi tập rất hăng say để cổ vũ các chiến sĩ. Đặc biệt thời điểm đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức cho các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đi biểu diễn ở một số đơn vị bộ đội chiến đấu. Tham gia đoàn công tác đặc biệt này tới phòng tuyến Sông Cầu, chị thường hát những bài các chiến sĩ yêu thích rồi đến bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Như kìm nén sự xúc động, Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Thanh nhớ lại lúc đó, chị đến từng giường của các thương bệnh binh để biểu diễn. Giường đầu tiên chị đến là của một chiến sĩ trẻ chừng 8 tuổi, bị thương rất nặng. Như mọi khi, chị hát bài hát về ngành Y theo yêu cầu của anh chiến sĩ trẻ, sau đó chị hát đến bài “Chiến đấu vì độc lập tự do” và giới thiệu đây là sáng tác mới của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Người lính trẻ ấy chăm chú nghe và tỏ ra rất thích, đôi mắt rực lửa. Chị tiếp tục đi tới các giường bệnh khác, khi quay trở lại thì người chiến sĩ trẻ đã ra đi mãi mãi và chị bật khóc. Sau này, mỗi lần hát bài "Chiến đấu vì độc lập tự do" chị lại nhớ đến ánh mắt chăm chú, rực lửa của người chiến sĩ ấy. Đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc mà có lẽ suốt cuộc đời chị sẽ nhớ mãi không quên.

Không chỉ trong hồi ức của Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Thanh, mà sau này trong hồi ức của rất nhiều người lính từng chiến đấu ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giai điệu và lời ca hào hùng của bài “Chiến đấu vì độc lập tự do” đã tiếp thêm cho họ sức mạnh diệu kỳ, khí thế hào hùng và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giữa những ngày gian khổ chiến đấu. Họ sẵn sàng lao vào cuộc chiến với tinh thần và sức mạnh mới.

Ngoài ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do", nhạc sĩ Phạm Tuyên còn viết nhiều ca khúc khác trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước như: “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” viết về người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống khi quân xâm lược bành trướng tiến qua biên giới; “Có một đóa Hồng Chiêm” viết về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh ở biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới” viết về tiểu đội tự vệ khu phố Lào Cai ở chốt bên bờ sông Nậm Thi... Đặc biệt, ca khúc “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” được ông viết tặng người thầy của con gái mình khi thầy rời xa bục giảng, khoác ba lô lên đường, với những câu hát bình dị nhưng vô cùng xúc động- “Ngày mai thầy lên đường/ Đi làm anh bộ đội/ Tạm biệt mái trường xinh/ Để lên miền biên giới...”.

Khi được hỏi vì sao ở thời điểm đó, ông lại có thể sáng tác với số lượng nhiều, nhanh và hay như vậy, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: Thời ấy, ông đã có mặt ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc, sống, lao động, chiến đấu cùng với đồng bào. Trong quá trình ấy, có những giai điệu đã xuất hiện trong đầu, được ông ghi chép lại, thậm chí có bài hát đã được ông hoàn thành nhưng chưa công bố ngay. Ông cho rằng đối với mỗi người sáng tác, quan trọng nhất là bài hát đã đi vào tâm trí, trở thành ấn tượng đẹp trong ký ức của người nghe, đó là nguồn động viên to lớn đối với người viết.

40 năm đã trôi qua, song những ca khúc do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác thời kỳ ấy, tới giờ vẫn có sức sống bền bỉ. Những sáng tác đó giống như những chứng nhân lịch sử được “người viết biên niên sử bằng âm nhạc” ghi lại với nhiều giai điệu hào hùng, sâu lắng, sẽ còn được các thế hệ mai sau hát mãi.

(Bài 2: Như khúc tình ca)

Mỹ Bình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm