150 năm cuộc khai quật thành Troy của Heinrich Schliemann: Huyền thoại vẫn chưa được 'giải mã'

14/04/2020 07:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay từ khi còn nhỏ, doanh nhân kiêm nhà khảo cổ học Đức Heinrich Schliemann đã bị ám ảnh với những truyền thuyết Hy Lạp về thành Troy. Nuôi ước mơ khai quật thành cổ huyền thoại ấy từ năm lên 7 tuổi, ông thực hiện được ước mơ của mình cách đây tròn 150 năm.

Dịch lại 'Iliad' và 'Odyssey'

Dịch lại 'Iliad' và 'Odyssey'

Trên thế giới, việc dịch lại hai kiệt tác của Homer là Iliad và Odyssey đã diễn ra khá nhiều, vì nó quá khó, nên dịch giả nào cũng muốn làm dịch lại.

Theo nhận định của Ernst Baltrusch, một giáo sư lịch sử cổ đại thuộc Đại học Berlin, thành Troy có thể nằm tại vị trí của vùng Tiểu Á, cụ thể là tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Giấc mơ suốt 40 năm

Heinrich Schliemann sớm bị mê hoặc với huyền thoại thành Troy. Năm 7 tuổi, Schliemann đã mải mê ngắm nhìn bức tranh về thành Troy đang cháy mà ông tìm thấy trong cuốn sách World History For Children (Lịch sử thế giới cho thiếu nhi). Schliemann không thể tin rằng những bức tường của thành Troy không còn tồn tại - vì vậy cậu quyết định: Một ngày nào đó, mình sẽ tìm ra dấu vết của thành phố đặc biệt này.

Dù đam mê tìm hiểu về thế giới cổ đại từ nhỏ, con đường của ông ban đầu lại đi theo một hướng khác. Lớn lên cùng 8 anh chị em trong một gia đình mục sư ở phía Đông của tỉnh Mecklenburg (Đức), Schliemann khởi nghiệp là một thương nhân vì gia đình ông không đủ khả năng để cho con được học hành cao hơn.

Sau nhiều năm, Schliemann tới Amsterdam (Hà Lan). Trong vòng 1 năm, ông đã học nói không chỉ tiếng Hà Lan, mà cả tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italy và tiếng Bồ Đào Nha, và sau đó là tiếng Nga. Tiếp đó, khi chuyển tới Nga, Schliemann trở nên giàu có khi kinh doanh nguyên liệu sản xuất đạn dược. Giảm bớt được những lo lắng về tài chính, ông học thêm tiếng Hy Lạp và Latin cổ đại.

Chú thích ảnh
Doanh nhân kiêm nhà khảo cổ Heinrich Schliemann

Năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt của Schliemann đã mở đường cho một triển vọng nghề nghiệp khác sau này: Khảo cổ học. Năm 1868, ông có một chuyến đi đến đảo Ithaca của Hy Lạp, nơi tương truyền có cung điện của Ulysses - một trong những người anh hùng hạ thành Troy theo truyền thuyết. Từ đó, Schliemann du hành đến biển Marmara để tìm đường vào đất liền và bắt đầu hành trình tìm kiếm thành Troy trong những năm sau.

Như thế, phải mất 40 năm, ước mơ ở tuổi lên 7 của Schliemann mới thành hiện thực, khi ông bắt đầu những công việc khai quật đầu tiên từ ngày 9/4/1870. Trong toàn bộ hành trình, trường ca Iliad của Homer luôn là người hướng dẫn, đồng thời là người bạn đồng hành thực sự và duy nhất của Schliemann.

Chú thích ảnh
Heinrich Schliemann và các du khách tại Cổng Lion của di chỉ khảo cổ Mycenae ở Hy Lạp

Năm 1871, khi 49 tuổi, ông đã phát hiện ra tàn tích của thứ mà ông tin là thành Troy dưới ngọn đồi Hisarlik ở vùng Troas thuộc phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Schliemann không phải là người đầu tiên tin rằng thành phố được Homer mô tả nằm tại chính địa điểm cụ thể đó. Trước ông, nhà khảo cổ Anh Frank Calvert đã tiến hành khai quật ở cùng khu vực. 2 nhà nghiên cứu bị thành Troy ám ảnh đã tình cờ gặp nhau. Calvert từng mua mảnh đất xung quanh Hisarlik để có thể tiếp tục với công việc nhưng ông đã thiếu kinh phí để duy trì những nỗ lực khai quật của mình. Và Calvert đã thuyết phục Schliemann hãy tiếp tục khai quật ở chính nơi mà ông đã phải từ bỏ.

Sau khi gặp phải một số bế tắc ban đầu, Schliemann vẫn kiên nhẫn tiếp tục các cuộc khai quật cho đến năm 1872, khi ông tìm thấy những tàn tích cao hàng mét thuộc về một thành phố thời tiền sử. Và Schliemann kết luận rằng những bức tường này đã từng là một phần của pháo đài thành Troy.

Chú thích ảnh
Báu vật mà Heinrich Schliemann đặt tên là “kho báu Priam”

Trong số những khám phá quan trọng nhất của mình ở thành Troy, Schliemann cực kỳ ấn tượng với nơi lưu trữ một số đồ vàng và cổ vật. Vào năm 1873 ông đã đặt tên cho chúng là “kho báu của Priam”.

Schliemann đã đưa kho báu này ra khỏi khu vực và bàn giao cho Chính phủ Đức để trưng bày. Tuy nhiên, kho báu đó đã bị thất lạc trong Thế chiến II và sau đó được tìm thấy một phần ở Nga. Hiện số báu vật này được lưu giữ tại Bảo tàng Pushkin ở Moskva.

Được vinh danh bất chấp sai lầm

Tuy nhiên, những tuyên bố của của Schliemann hóa ra đã sai. Kho báu được cho là của Priam hóa ra là một di tích từ một nền văn hóa vô danh đã phát triển 1.250 năm trước thành Troy cổ đại.

Đó không phải là lần duy nhất nhà thám hiểm người Đức mắc sai lầm. Tại di chỉ khảo cổ Mycenae của Hy Lạp, nơi Schliemann tiến hành các cuộc khai quật từ năm 1874 đến năm 1876, ông đã đưa ra một số kết luận sai, điển hình là xác định một chiếc mặt nạ vàng thuộc về nhà lãnh đạo quân sự Hy Lạp cổ đại Agamemnon nhưng thực tế không phải.

Chú thích ảnh
Chiếc mặt nạ vàng được Heinrich Schliemann xác định là của nhà lãnh đạo quân sự Hy Lạp cổ đại Agamemnon (dù thực tế không phải)

Thực tế, việc tìm kiếm thành phố cổ Troy vẫn diễn ra trong hàng trăm năm qua, tuy nhiên vẫn chưa ai chứng minh được rằng từng có một cuộc chiến thành Troy.

“Những gì Homer viết và những gì Schliemann lấy làm cơ sở cho công trình khảo cổ của mình vẫn gây tranh cãi cho đến ngày nay. Chúng ta không biết cuộc chiến này có từng diễn ra hay không” - học giả Baltrusch nói - “Riêng Schliemann nghiên cứu Iliad bằng tiếng Hy Lạp cổ đại. Ông tin rằng cuộc chiến tại thành Troy là lịch sử có thật và bắt đầu công việc của mình”.

Schliemann qua đời tại Napoli ngày 26/12/1890. Trong một thời gian dài, người Đức không đánh giá cao thành tích của ông. Thậm chí, ông còn gây tranh cãi khi được xem là một nhà thám hiểm hơn là một nhà khảo cổ. Theo Baltrusch, các nhà khảo cổ ngày nay cảnh báo về việc bắt chước các phương pháp của ông vì “ông không tiến hành theo các tiêu chuẩn khảo cổ học thời bấy giờ”.

Dù vậy, với những nỗ lực của mình, về cơ bản, thế giới hiện vẫn tôn sùng Heinrich và coi ông là một trong những nhà khảo cổ học quan trọng nhất mọi thời đại. “Bất kể cách tiếp cận khảo cổ học của mình, Schliemann sẽ mãi mãi gắn liền với cái tên Troy” - Baltrusch nói - “Công trình của ông về thành phố thần thoại chắc chắn khiến ông trở thành nhà khảo cổ học nổi tiếng bậc nhất thế giới”.

Thành phố trong truyền thuyết

Trường ca Iliad của nhà thơ Hy Lạp Homer đã khiến câu chuyện về thành Troy mê hoặc rất nhiều thế hệ. Theo đó, một hạm đội Hy Lạp trong lịch sử đã giong buồm đi tới phía Đông, hướng đến thành Troy. Mục đích của cuộc viễn chinh ấy là để trừng phạt thành Troy về vụ bắt cóc Helen, người phụ nữ được cho là đẹp nhất thế giới. Cuộc chiến diễn ra suốt 10 năm, và thành phố này chỉ sụp đổ trong tay các chiến binh Hy Lạp bởi mưu kế “con ngựa thành Troy” đã trở thành kinh điển.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm