10 sự kiện - vấn đề văn hóa nổi bật năm 2020

31/12/2020 13:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc năm 2020, Thể thao và Văn hóa đã có cuộc bình chọn 10 sự kiện - vấn đề văn hóa nổi bật của Việt Nam và thế giới trong năm. Dưới đây là kết quả bình chọn.

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020 do TTXVN bình chọn

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020 do TTXVN bình chọn

TTXVN trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020.

1. Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 12302-CV/VPTW gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết luận đưa ra 8 nội dung cần quan tâm, trong đó có việc: "Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá".

2. Công viên địa chất Đắk Nông gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 mét, các miệng núi lửa, thác nước…, công viên địa chất Đắk Nông, là nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Đây là Công viên Địa chất Toàn cầu thứ ba ở Việt Nam được ghi danh kể từ năm 2010.

Chú thích ảnh
Điểm di sản Núi lửa Nâm Kar trong Công viên Địa chất Đắk Nông

3. Ban hành Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn với nhiều điểm mới. Nghị định 144/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021) không còn cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật "sử dụng dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn" như quy định cũ. Ngoài ra, Nghị định 144 cũng không dùng từ “cấp phép” trong các thủ tục mà thay vào đó bằng “văn bản chấp thuận”.

Đặc biệt, việc tổ chức thi người đẹp, người mẫu được cho là rất thông thoáng. Theo đó, Nghị định 144 không quy định tên gọi các cuộc thi: Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… cũng như không “khống chế” số lượng các cuộc thi mỗi năm. Đồng thời, điều kiện để cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu cũng được quy định theo hướng cởi mở hơn, chỉ cần đáp ứng các điều kiện: có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật...

Chú thích ảnh
Vẻ kỳ vĩ của Công viên Địa chất Đăk Nông

4. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật tham gia tích cực vào cuộc phòng chống dịch Covid-19. Trong số này, phải kể tới chiến dịch ResiliArt (Nghệ thuật kiên cường) do UNESCO khởi động từ ngày 15/4 nhằm kêu gọi nghệ sĩ tham gia chia sẻ với công chúng về sáng tác mới của mình, những hoạt động nghệ thuật trong thời gian dịch bệnh với thông điệp: Nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường. Chiến dịch cũng nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ tìm kiếm giải pháp trong và sau khủng hoảng.

Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm về cuộc chiến chống Covid -19 đã gây ấn tượng với truyền thông quốc tế như Ghen Co vy, Vũ điệu rửa tay, hay chùm tranh của Nguyễn Đới Chung Anh... Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tích cực hỗ trợ văn hoá nghệ thuật đối phó với đại dịch, tiêu biểu là chương trình hỗ trợ cho một số nhà hát sáng đèn để kéo khán giả tới rạp của Bộ VH,TT&DL.

Chú thích ảnh
Nam giới khối văn phòng Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế với trang phục áo dài ngũ thân

5. Hiện tượng antifan và câu chuyện ứng xử của nghệ sĩ. Hiện tượng này được đánh dấu bằng sự xuất hiện trên mạng xã hội của nhóm antifan (nhóm phản đối, tẩy chay) ca sĩ Hương Giang và thu hút cả trăm ngàn thành viên. Làn sóng “tẩy chay” mạnh mẽ tới nhiều nhãn hàng đã phải gỡ bỏ hình ảnh của Hương Giang vì sợ ảnh hưởng tới chiến dịch quảng cáo. Ngoài ra, trào lưu lập group antifan còn liên tục “gọi tên” Thuỷ Tiên, Ninh Dương Lan Ngọc, Trấn Thành...

Bên cạnh những antifan với sự kích động tiêu cực khiến nhiều người lo ngại về sự quá khích, lăng mạ cá nhân, trào lưu này cũng cho thấy sự xuất hiện của một hiện tượng vốn là tất yếu trong công nghiệp giải trí và đặt ra những áp lực lên phát ngôn hay hành động của người nổi tiếng.

Chú thích ảnh
Trình diễn áo dài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

6. Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài truyền thống. Năm 2020 có thể coi là một năm đặc biệt đáng nhớ của tà áo dài truyền thống – khi ý tưởng xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh áo dài Việt Nam là Di sản Văn hoá Phi vật thể của nhân loại đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhiều chuyên gia, tổ chức xã hội cũng như cơ quan quản lý. Các hoạt động này bao gồm một loạt những cuộc hội thảo quốc gia, trình diễn áo dài, hay vận động cộng đồng mặc trang phục này.

Đặc biệt, bên cạnh áo dài nữ, trang phục áo dài nam truyền thống (áo ngũ thân nam) cũng được kêu gọi quan tâm trở lại. Thậm chí một số địa phương hoặc cá nhân đã đề xuất đưa áo ngũ thân vào trường học hoặc công sở trong những ngày nhất định. Dù còn nhiều tranh luận, nhưng rõ ràng đây là một tín hiệu vui với trang phục đã từng bị coi là không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Chú thích ảnh
Trình diễn áo dài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

7. Lần đầu tiên có một giải thưởng thường niên, chuyên nghiệp dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật "của" thiếu nhi hoặc "vì" thiếu nhi. Đó là giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hoá (TTXVN) sáng lập và tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Ngay trong mùa giải đầu tiên, Giải Dế Mèn đã thu hút hàng trăm tác phẩm dự thi và đã trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm Làm bạn với bầu trời cùng 4 giải Khát vọng Dế Mèn cho: nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với chùm bài hát xuất sắc cho thiếu nhi, hoạ sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh với chùm tranh chủ đề phòng chống Covid-19, nhà văn Nguyễn Chí Ngoan với bản thảo tập truyện Mộng giang hồ và nhà văn nhí Cao Khải An với bản thảo truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm.

Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả giới sáng tác cũng như những người quan tâm đến thiếu nhi. Đây được xem là một tín hiệu đầy lạc quan trong việc thúc đẩy đời sống nghệ thuật dành cho thế hệ tương lai của đất nước, vốn đang rất thiếu vắng người sáng tác và những tác phẩm hay.

Chú thích ảnh
Trình diễn áo dài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

8. Rap Việt bùng nổ, lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng. Chương trình Rap Việt (phát sóng trên Viet Channel - HTV2 từ 1/8 đến 14/11/2020) gồm 14 tập và 2 đêm chung kết cho thấy sức hút lớn với đông đảo khán giả. Các tập của chương trình đăng trên Youtube có hàng chục triệu người xem, đặc biệt đêm chung kết 2 trên Youtube của chương trình có hơn 1 triệu người xem trực tiếp.

Rap Việt đánh dấu một chặng đường phát triển của nhạc rap Việt Nam, từ kỹ thuật đọc rap, kỹ thuật gieo vần đôi, vần ba khi viết lời cho đến việc làm nhạc beat, phong cách trình diễn của rapper. Đề tài cũng rất phong phú, ngoài đề tài tình yêu, còn có khá nhiều bài về đề tài xã hội hoặc lấy cảm hứng từ âm nhạc dân gian, truyền thống hay thơ Tố Hữu…

Rap Việt được xem là đã đưa nhạc rap Việt Nam từ underground đến với đông đảo công chúng và đã giới thiệu một thế hệ rapper mới đầy tiềm năng với kỳ vọng mang đến nhiều màu sắc cho thị trường âm nhạc.

9. Nghệ sĩ quyên góp ủng hộ cuộc chiến phòng chống Covid-19 và đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Hoà cùng các tầng lớp nhân dân trong cả nước, các nghệ sĩ, người nổi tiếng đã rất tích cực, đi đầu trong việc quyên góp và vận động quyên góp, nhằm cứu trợ, giúp đỡ những người dân gặp khó khăn; ủng hộ, khích lệ những người trên tuyến đầu phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Không chỉ giúp đỡ bằng vật chất, sự quan tâm giúp đỡ của các nghệ sĩ với những hình thức đa dạng, phong phú, đã có sức lan toả rất lớn trong xã hội, cổ vũ tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.

Để việc làm từ thiện của các tổ chức, cá nhân phát huy hiệu quả hơn nữa, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NÐ-CP ngày 14-5-2008 về vấn đề này, sao cho vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa bảo đảm việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

10. Nhiều hoạt động tôn vinh Nguyễn Du được tổ chức nhân dịp 255 năm sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào. Năm 2020, UNESCO đã có chủ trương vinh danh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với nhiều hoạt động ý nghĩa ngay tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng tại Pháp, nhưng do đại dịch Covid-19 nên không thể tổ chức. Ở Việt Nam và trên quê hương Hà Tĩnh, nhiều hoạt động được tổ chức với những hình thức phù hợp, ý nghĩa – trong đó có Tuần lễ kỷ niệm diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh từ 23-26/9. Ngoài ra, một số dự án được khai thác từ Truyện Kiều được công bố như: phim Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An và phim Kiều do Mai Thu Huyền đầu tư và đạo diễn...

Thể thao & Văn Hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm