Thu phí phòng trà, cà phê: Sao không công khai tác giả nhận tiền?

14/06/2017 19:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước những phản ánh của các đơn vị kinh doanh sử dụng âm nhạc như quán cà phê, các nhà tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật… về việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền, Thể thao &Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khu vực phía Bắc.

1.Theo ông Giang, đây là công việc đã diễn ra hơn chục năm qua và trung tâm thường phải gửi công văn nhiều lần (từ 2 -3 lần) mà không nhận được sự hồi âm của các đơn vị.

“Khi chúng tôi mời đến làm việc thì các đơn vị không đến, mà không đến thì cũng chỉ cần một cuộc điện thoại đến trung tâm là được giải đáp từ A đến Z.

Vì khi chúng tôi gửi cho các hộ kinh doanh bằng công văn giấy mời luôn có thêm có các giấy tờ cung cấp giải đáp thắc mắc về việc thu phí như thu theo điều khoản luật nào, cần liên hệ với ai rất rõ ràng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hoàng Giang

Còn hiện tại, hàng ngày nhân viên của VCPMC vẫn phải trả lời các câu hỏi như: tại sao tôi phải trả tiền, dựa vào điều khoản nào, các anh có giấy ủy quyền không?

Tất nhiên lý do đầu tiên là các bạn có sử dụng âm nhạc trong môi trường kinh doanh.

Thực tế, việc đề nghị các quán cà phê thực hiện quyền và nghĩa vụ khi sử dụng âm nhạc trong môi trường kinh doanh với VCPMC sẽ đơn giản và dễ hiểu khi các đơn vị kinh doanh nhận được văn bản từ VCPMC, họ chỉ cần liệt kê các ca khúc đã được sử dụng trong môi trường kinh doanh của mình, nhân viên chúng tôi sẽ kiểm tra đâu là các tác phẩm mà VCPMC được ủy quyền thu phí, đâu là các tác phẩm không phải thu phí. Và thậm chí, chúng tôi còn có trách nhiệm đề nghị các đơn vị ngừng sử dụng những tác phẩm bị cấm tại Việt Nam” - ông Giang cho biết.

2.Tính đến thời điểm tháng 6/2013, VCPMC đã ký kết thỏa thuận ủy thác với 49 tổ chức quốc tế có phạm vi hoạt động tại 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam VCPMC đại diện cho 3.600 nhạc sĩ và trên quốc tế, là “thay mặt” cho khoảng 4 triệu tác giả.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong liveshow “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. (Ảnh có tính minh họa)

Vì thế, trước câu hỏi, tại sao tổ chức VCPMC không công khai các tác giả trên website của trung tâm để những đơn vị đóng tiền tác quyền được sáng tỏ, ông Giang cho biết, đây là điều không thể và cũng không thể nào mỗi lần đi truy thu lại đưa ra tận 4 triệu giấy ủy quyền của các tác giả như đề nghị của các đơn vị kinh doanh.

“Hệ thống các tác giả ủy quyền cho VCPMC được quản lý trên trang web đặt tại Thụy Sĩ. Các thành viên trong tổ chức coi danh sách này là tài sản mà chỉ có các thành viên của tổ chức mới được phép kiểm tra các thông tin với tư cách riêng.

Cũng tại hệ thống quốc tế này, các ca khúc thuộc nước nào, thuộc tổ chức âm nhạc nào quản lý cũng được phân loại để thu phí về tổ chức đó.

Vì thế, trong trường hợp các quán cà phê có sử dụng nhạc quốc tế, dù là nhạc nước nào và ở thế kỷ nào thì cũng sẽ vẫn được “truy thu” theo những ký kết hợp tác của VCPMC với các tổ chức quốc tế.

Theo luật bảo hộ quyền tác giả, một tác phẩm âm nhạc sau 70 năm kể từ khi nhạc sĩ qua đời mới hết thời gian bảo hộ, trở thành tài sản chung của mọi người.

Ở Việt Nam, VCPMC vẫn thu phí cho những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng theo luật này” - ông Giang chia sẻ.

Bức xúc mang tên 'tiền bản quyền âm nhạc'

Bức xúc mang tên 'tiền bản quyền âm nhạc'

Kể từ khi Trung tâm bảo về quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) ra đời cách đây hơn 10 năm, việc thực hiện nghiêm túc pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã và đang diễn ra với nhiều khó khăn ở cả hai phía: người đóng và người thu.

3.Cho biết thêm về quy trình làm việc của VCPMC, ông Giang nói VCPMC đã có lộ trình, đã thực hiện từ lâu nhưng thừa nhận công tác thực tiễn của trung tâm tại khu vực phía Bắc còn yếu kém.

“Thông thường, chúng tôi liên hệ phòng văn hóa quận để tổ chức tập huấn tại địa phương và gửi các văn bản mang tính thông tin đến đơn vị. Nhiều khi, chỉ tranh thủ “xin” 10 phút, “xen ngang” buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy cũng chỉ để phổ biển các thông tin về quyền tác giả đến các đơn vị”.

Ngoài ra, việc truy thu hiện nay cũng có những bất cập. Như việc thu khoán theo mức 2,5 triệu/năm khi sử dụng nhạc nền cho những quán cà phê dưới 30 ghế ngồi và 130.000 đồng/ ghế khi sử dụng nhạc sống trước hết dựa trên lượng âm nhạc sử dụng nhiều hay ít nhưng hiện nay, không thể biết một bài được sử dụng với tần suất bao nhiêu lần/ ngày hay bao nhiêu bài/năm.

Vì vậy, trong tương lai, trung tâm mong muốn sẽ thực hiện việc tính theo tần suất nghe theo tài khoản điện tử.

Còn hiện tại, trung tâm mới chỉ thực hiện “thủ công” bằng việc yêu cầu các hộ kinh doanh liệt kê các bài hát thường xuyên nghe theo hợp đồng hàng năm” - ông Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ.

Trả tiền bản quyền là việc “nghĩa” đối với nhạc sĩ

“Chúng tôi luôn sẵn sàng trả lời và giải đáp mọi thắc mắc của các đơn vị. Về lý, nếu chúng ta tham gia giao thông có luật giao thông thì đây cũng là “luật” khi sử dụng âm nhạc. Về tình, tôi nghĩ đây là việc nghĩa, là động lực để cho các nhạc sĩ sáng tác sống được bằng các tác phẩm của mình một cách lâu dài” - ông Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ.

Bài 1: Bức xúc mang tên 'tiền bản quyền âm nhạc' xem TẠI ĐÂY

(Kỳ 3: Vấn đề vẫn là cách thu)

Khuê Anh (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm