"Sao Mai" Thành Lê: Bất ngờ thử sức với… nhạc vàng

11/05/2010 14:54 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Khán giả được biết đến Thành Lê sau giải thưởng Sao Mai 2007 cho dòng nhạc dân gian. Cô gái gốc miền Trung với nước da bánh mật và đôi mắt sắc lẹm ngày nào giờ đã trưởng thành trong nghề với sự “chín” của một “sao Mai” đàn chị. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi biết cô đang gấp rút cho ra mắt CD dòng nhạc dân gian và một CD nhạc vàng! TT&VH có cuộc trò chuyện với Thành Lê.

* Vài ca sĩ thành công trên sân khấu Sao Mai thường chọn cho mình một con đường âm nhạc để khẳng định tên tuổi. Thành Lê thì sao?

- Năm 2010, tôi có nhiều kế hoạch trở lại với âm nhạc. Nhưng trước mắt tôi còn phải thi cao học chuyên ngành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngoài việc ra mắt CD dòng nhạc dân gian, tôi còn khẳng định mình trong CD nhạc vàng song ca với ca sĩ Ngọc Ký.

* Nhạc vàng? Hình như đây là một “cuộc thử nghiệm” mới với các ca sĩ trẻ?

- Với tôi, nhạc vàng hay dân gian không phải cuộc thử sức nữa. Năm 2009, trước Tết tôi có tham gia cuộc thi thính phòng toàn quốc, tôi giành giải Nhất cho người hát nhạc thính phòng Việt Nam hay nhất. Tôi là người vốn có giọng bản năng là dân gian, nhưng 8 năm học nhạc viện, tôi lại hát thính phòng. Nói về nhạc vàng thì đây là dòng nhạc tôi thích từ lâu, điều quan trọng là mình hát có chuyển tải được cảm xúc hay không? Hai dòng nhạc này đều sâu lắng, luyến láy nhiều.

Với nhạc vàng, tôi chọn những ca khúc quen thuộc: Mưa rừng, Những đồi hoa sim, Người đi ngoài phố, Gõ cửa trái tim, Đám cưới trên đồng quê... Tôi mê hai nghệ sĩ Lan Hương và Quang Lê hát. Nhạc vàng rõ ràng là “sến” nhưng nó cũng có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Điều quan trọng là ca sĩ đó có hát thành công nhạc vàng hay không? Với tôi, đẳng cấp không liên quan đến dòng nhạc, mà ở khả năng hát và truyền tải âm nhạc của nghệ sĩ đến với công chúng.

* Không còn quá trẻ để “tung tẩy” và “thử nghiệm” nữa. Đối tượng khán giả thưởng thức dòng nhạc dân gian và nhạc vàng hoàn toàn khác nhau. Lê có sợ người hâm mộ của mình sẽ phân tán vì sự ôm đồm ấy?

- Đúng là tôi không còn trẻ nữa. Là ca sĩ được đào tạo bài bản sẽ khác những ca sĩ hát bằng giọng bản năng. Tôi tự tin mình hát được và có ý thức muốn chinh phục hai dòng nhạc này.

Thuận lợi của tôi là các ca sĩ miền Bắc hát nhạc vàng rất ít. Tôi không phải người tiên phong nhưng đó cũng là một lợi thế của tôi khi lấn sân sang dòng nhạc này.

* Sau Sao Mai 2007, Lê xuất hiện ít hơn?

- Đúng thế. Sự xuất hiện của tôi không ồ ạt vì dòng nhạc tôi theo đuổi không thể ồ ạt được. Những show truyền hình rất ít. Đầu năm 2010, tôi tham gia Con đường âm nhạc và sắp tới tham gia chương trình chào mừng ngày giải phóng thành phố Hải Phòng; và ngày 13/5 tới, tôi sẽ tham gia chương trình chào mừng kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ ở làng Sen (19/5).

* Lê có vẻ bề ngoài khá sắc sảo và tự tin. Thêm nữa chị rất năng động trong nghệ thuật cũng như trong việc trau dồi kiến thức thanh nhạc trên giảng đường. Phải chăng áp lực của một “sao Mai” khiến Lê luôn phải nỗ lực?

- Nghệ sĩ cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng biết sống và yêu. Là một “sao Mai” nhưng tôi không có áp lực gì cả. Trên sân khấu tôi là một ca sĩ nhưng ngoài đời thì tôi là một phụ nữ bình thường như bao người khác, cũng mang trong mình bản năng và khát vọng làm vợ, làm mẹ.

Tôi xuất thân trong một gia đình bố mẹ là công nhân viên chức bình thường. Tôi khăn gói ra Hà Nội ăn học và tự kiếm tiền trang trải cho học hành. Hiện nay tôi đang chuẩn bị thi cao học chuyên ngành thanh nhạc. Không chỉ muốn biểu diễn trên sân khấu, tôi còn muốn là cô giáo đứng trên giảng đường để truyền tải những cái hay, cái đẹp của âm nhạc đến cho thế hệ học sinh.

* Cái tuổi nó “đuổi xuân đi”. Sắc đẹp và tài năng rồi một ngày nào đó sẽ phải nhường cho lớp trẻ. Đã khi nào Thành Lê thấy “chạnh lòng” khi tìm một bến đỗ?

- Tình yêu là lẽ tự nhiên của con người, ai không mong tìm cho mình một bến đỗ? Trong tình yêu tôi là người sống hết mình, tôi không nghĩ trong tình cảm cứ phải “cho” là sẽ được “nhận”. Tôi không thể cắt nghĩa thế nào là một người bạn đời tương xứng, chỉ biết rằng cái cần nhất ở “bến đỗ” là sự cảm thông sâu sắc và một tấm lòng bao dung.

* Cảm ơn Thành Lê về cuộc trò chuyện này.

Miên Tường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm