Lì xì trở thành gánh nặng

05/02/2012 13:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Phong bao tiền mừng tuổi cho trẻ em nhân dịp năm mới đã trở thành một truyền thống ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, qua thời gian món tiền mừng tuổi mang tính tượng trưng này đã trở thành một gánh nặng tài chính cho nhiều người.

Đối với trẻ nhỏ, mỗi dịp Tết đến là chúng lại được tiền mừng tuổi. Nhưng chúng đâu có biết rằng những chiếc phong bao lì xì xinh xắn kèm theo khoản tiền mà chúng nhận được đã trở thành một mối lo cho người lớn.

Phong tục thành gánh nặng

“Số tiền thưởng cả năm chỉ nằm trong ví tôi chưa đầy 1 tuần bởi sau đó tôi phải dùng khoản tiền đó để làm tiền mừng tuổi. Đối với các cháu trong gia đình, tôi phải mừng tuổi mỗi đứa ít nhất 1.000 NDT (160 USD). Còn đối với con cái của bạn bè thì tùy thuộc vào mối quan hệ của tôi với cha mẹ chúng, nhưng ít nhất là 500 NDT” - Huang Yijing, một nữ y tá 30 tuổi ở Thượng Hải, chia sẻ.

Tết năm nào Huang cũng phải  chi hơn 5.000 NDT - bằng cả tháng lương của cô - để mừng tuổi. Với Huang, truyền thống này đã trở thành một việc làm mang tính bắt buộc. “Không giống với những truyền thống của phương Tây như dịp Giáng sinh, người ta có thể tặng nhau một món quà tương đối đắt tiền nếu năm đó họ làm ăn khấm khá, hoặc nếu thất bát có thể tặng nhau món quà rẻ tiền, ở Trung Quốc việc mừng tuổi đã trở thành luật bất thành văn và số tiền mừng thì cứ ngày càng nhiều lên” - Huang nói.

Theo kết quả thăm dò mới đây của tờ City Evening News, thì hơn 20% trong số 417 người được hỏi đều cho rằng giờ đây mừng tuổi 1.000 NDT là mức thấp.

Liu Kuili, Chủ tịch danh dự của Hội Dân gian Trung Quốc, nói rằng ý nghĩa độc đáo của việc mừng tuổi nhân dịp năm mới đã được truyền từ đời này qua đời khác. “Tiền mừng tuổi năm mới thực chất chỉ là một khoản tiền nhỏ mang tính tượng trưng. Qua việc làm tốt đẹp này người ta mong muốn mọi điều xấu của năm cũ qua đi và cầu cho trẻ em được sống an lành trong cả năm mới. Thế nhưng, giờ đây mọi người đã cố tình lờ đi ý nghĩa mang tính tượng trưng đó và ngày càng nhét nhiều tiền vào bao lì xì” - ông Liu nói và cho biết Singapore cũng có truyền thống tương tự nhưng họ chỉ mừng tuổi nhiều nhất là 10 đô la Singapore (8 USD).

Wang Shuqin, một giáo viên Trường Tiểu học Hongqi ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, nói rằng chị cảm thấy truyền thống mừng tuổi đã trở thành cái nợ tiền bạc không thể trốn tránh được. “Hết Tết, khi các em trở lại trường học, tôi thường tìm hiểu xem mỗi học sinh trong lớp được bao nhiêu tiền mừng tuổi. Chẳng hạn, trong lớp 5 gồm 66 học sinh của tôi thì có 80% các em được mừng tuổi khoảng 3.000 - 5.000 NDT, hơn 10% được 2.000-3.000 NDT. Có 5% thì được hơn 10.000 NDT”.

Quản lý tiền mừng tuổi

Song việc mừng tuổi không chỉ khiến nhiều người phải suy nghĩ xem nên mừng tuổi bao nhiêu tiền, mà còn làm nhiều bậc cha mẹ lo lắng nên giữ khoản tiền mừng tuổi của con cái như thế nào hoặc hướng dẫn cho các con tiêu khoản tiền đó ra sao.

Huang Zuo, một nhân viên ngân hàng ở Wenzhou, đã “tịch thu” số tiền mừng tuổi 9.000 NDT của cậu con trai 15 tuổi.

Còn Su Junhua, một nhân viên văn phòng 36 tuổi ở Thượng Hải, thì lại có cách làm có vẻ thiết thực hơn đối với khoản tiền mừng tuổi của cô con gái 6 tuổi của mình. “Tôi đã mở một tài khoản ở ngân hàng và gửi vào đó tất cả tiền mừng của con gái tôi từ lúc sinh ra, gồm cả tiền mừng tuổi và tiền mừng sinh nhật hàng năm. Giờ “quỹ” của cháu có khoảng 10.000 NDT và tôi sẽ trả lại cháu khi nó tròn 18 tuổi” - Su nói và cho biết chị ghi lại từng khoản tiền mừng “để tôi biết rõ ai mừng con tôi bao nhiêu tiền và để dễ ‘trả nợ”.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm