Diễn viên Ấn Độ Avika Gor: Tôi 'đổi đời' nhờ 'Cô dâu 8 tuổi'

27/06/2016 14:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phim truyền hình dài tập mới của Avika Gor là Cuộc chiến những nàng dâu đang phát sóng đều đặn 2 tập mỗi ngày lúc 20h trên kênh Echannel. Không phải vì vai chính Roli mà Avika Gor sang Việt Nam giao lưu, nữ diễn viên sinh ngày 30/6/1997 này đến để thực hiện các chương trình từ thiện và làm đại sứ hình ảnh chung cho kênh truyền hình Echannel.

Trong phim đang phát sóng, Avika Gor vào vai cô em gái Roli với cá tính mạnh mẽ nhưng giàu tình cảm. Giống như hình tượng Thúy Vân của Việt Nam, vì giúp chị mà Roli buộc phải thay chị làm đám cưới với... anh rể. Phận làm dâu với những mâu thuẫn, đôi khi đến chết người, là câu chuyện xương sống của Cuộc chiến những nàng dâu.

Thế nhưng, trong câu chuyện cùng với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trước khi rời Việt Nam, Avika Gor muốn chia sẻ nhiều hơn về quan niệm nghề nghiệp và cuộc sống hiện tại của mình.

Avika Gor trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN)

* Với khán giả Việt Nam, việc tự tử của một nữ diễn viên trong Cô dâu 8 tuổi là tin tức bàng hoàng, nó cho thấy áp lực của nghề diễn viên tại Ấn Độ là rất lớn. Vào nghề từ năm 8 tuổi, Avika Gor có nhiều lần gặp phải áp lực hoặc tuyệt vọng không?

- Tôi rất lấy làm tiếc vì chuyện quá buồn của Pratyusha Banerjee, nhưng nghề nào cũng có áp lực riêng của nó. Thử nhìn ra cuộc sống mà xem, nghề nào và ở đâu mà không có người bế tắc, rồi tự tử, nhưng có vài nghề được xã hội chú ý nhiều hơn.

Tôi không phủ nhận chuyện mình may mắn và được đổi đời khi tham gia các phim thành công lớn như Cô dâu 8 tuổi, Cuộc chiến những nàng dâu, nhưng nếu không có các phim này thì đời tôi (xét ở khía cạnh tâm lý) cũng vậy thôi. Tôi là người có cái nhìn tích cực về cuộc sống và có niềm yêu nghề mạnh mẽ, nên đóng phim nào cũng cảm thấy thoải mái, không hề chịu áp lực.


Avika Gor trao tiền từ thiện cho đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM

Tôi đang theo học lớp viết kịch bản ở trên mạng, do một trường biên kịch uy tín tại New York giảng dạy, đồng thời làm đạo diễn một số phim. Những điều này cho thấy tôi không hề thụ động với vai trò một diễn viên, nên vai diễn lớn hoặc nhỏ, thành công ít hoặc nhiều, không hề là áp lực. Với chuyện riêng của Pratyusha Banerjee cũng vậy thôi, chị ấy bị áp lực từ đời sống cá nhân nhiều hơn từ cương vị một diễn viên.

* Được biết Avika Gor từng đến Liên hoan phim Cannes 2016 để giới thiệu phim của mình, đó là một phim như thế nào?

- Đó là một phim ngắn, mà tất cả phim tôi đạo diễn đều là phim ngắn. Phim khắc họa một góc nhìn khác về những thách thức của người Ấn Độ hôm nay, điều mà ít người làm phim nói đến. Đương nhiên, tôi cũng có mơ ước sẽ làm một phim dài, đậm chất sáng tạo và nghệ thuật, nhưng cuối tháng 6 này tôi mới được 19 tuổi, còn quá sớm cho điều đó. Ngoài biên kịch, đạo diễn, tôi còn tìm hiểu thêm về âm thanh ánh sáng, về máy quay, nhằm tích lũy kinh nghiệm cho diễn xuất ở hiện tại và làm vốn cho việc đạo diễn phim dài trong tương lai.

* Lúc nhỏ Avika Gor theo học ngành múa, với dự kiến trở thành vũ công chuyên nghiệp, nhưng rồi lại thành diễn viên nổi tiếng. Có khi nào Avika Gor cảm thấy luyến tiếc vì mình vì sự thay đổi này không?

- Cuộc sống luôn có những bất ngờ, nên tôi thấy việc mình đến được với nghề diễn là một bất ngờ thú vị. Chắc hẳn khán giả Việt Nam cũng thấy phim Bollywood thường gắn liền với nhảy múa, nên căn bản múa từ nhỏ lại thành một lợi thế lớn, nếu không biết múa thì phải tập luyện rất vất vả để vào các vai chính. Tôi cũng nghĩ rằng nghề diễn viên thì biết càng nhiều càng tốt, có như vậy khi nhận vai sẽ khỏi bỡ ngỡ.


Avika Gor trong trang phục truyền thống của Ấn Độ

* Avika Gor nổi tiếng bằng các vai nàng dâu, thế ngoài đời bạn đã muốn làm dâu chưa? Một anh chàng Việt Nam muốn gõ cửa trái tim của Avika Gor thì sao?

- Tôi mới 18 tuổi nên chưa nghĩ đến chuyện làm dâu, và thực sự thì cũng chưa yêu ai ngoài đời. Cuộc sống tại Ấn Độ đang có nhiều đổi thay, nên một cô gái 18 tuổi là còn khá trẻ, việc học hành, làm việc là ưu tiên trước, còn làm dâu, chắc phải một thời gian nữa mới nghĩ đến.

Còn một anh chàng Việt Nam ư, tại sao không? Dù tiêu chí về phu quân của tôi khá dài, nhưng cũng không quá xa cách với các anh chàng người Việt đâu, ví dụ như đẹp trai, nhảy múa giỏi, có công ăn việc làm tốt.

Khi về nước, tôi sẽ tìm cách khích lệ người Ấn đến Việt Nam du lịch và làm việc nhiều hơn nữa. Sau này cộng đồng người Ấn tại Việt Nam đông lên, việc làm dâu làm rể Ấn - Việt, Việt - Ấn sẽ trở nên phổ biến và bình thường.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm