Bolero - Ai cũng thấy mình trong đó

07/09/2017 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bolero là gì? Bolero Việt Nam có điều gì khác biệt so với bolero các nước trên thế giới? Điều gì đã làm đông đảo công chúng âm nhạc qua các thời kỳ mê đắm bolero? Để nền ca khúc Việt Nam tiếp tục phát triền, chúng ta ứng xử thế nào với các dòng nhạc mới, cũ (trong đó có bolero)?

Hàng loạt các câu hỏi đã được đặt ra trong thời gian gần đây, nhất là  sau khi “cơn bão” bolero nổ ra sau những phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương (“Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi”). Hôm qua, 6/9, một cuộc tọa đàm trực tuyến về chủ đề này đã diễn ra trong khuôn khổ chương trình livestream “Chia sẻ cùng sao” (do báo Thể thao & Văn hóa phối hợp với Truyền hình FPT tổ chức).

Dưới sự dẫn dắt của nhà báo Hữu Trịnh, cuộc tọa đàm có sự tham gia của các khách mời là: nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; nhạc sĩ Minh Châu; nhà báo Nguyễn Minh, gương mặt rất quen thuộc với các chương trình bolero trên Đài PT-TH Vĩnh Long; và đặc biệt có “chuyên gia” nghiên cứu nhạc bolero Trần Hữu Ngư. Ông từng xuất bản 5 cuốn sách viết về nhạc trữ tình trong đó có 1 cuốn với tựa đề Tội nghiệp bolero.

Sau đây là những nội dung chính của cuộc tọa đàm:

Chú thích ảnh
Cuộc tọa đàm có sự tham gia (từ trái sang) của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Minh Châu, nhà nghiên cứu Trần Hữu Ngư, nhà báo Nguyễn Minh

*Nhà báo Hữu Trịnh: Xin mở đầu bằng câu hỏi “bolero là gì”?

- Nhạc sĩ Minh Châu: Bolero là một  thể điệu nhạc của châu Mỹ Latin; rồi lan sang các vùng khác và tiếp tục biến tấu thêm nữa. Vì bolero có gốc tích từ Tây Ban Nha nên cũng gắn với cây Tây Ban Cầm (cây guitar). Khi du nhập vào Việt Nam, cây guitar cũng khá phổ biến, nên bolero cũng dễ phát triển. Thật sự thì khi ôm guitar hát nhạc bolero thấy rất hợp, dễ đàn.

Âm nhạc của bolero cũng khá dung dị, nên khi bolero vào Việt Nam, mọi người cũng dễ chơi, đặc biệt với các bài nhạc trữ tình. Mãi sau này người ta mới gom vào thành dòng nhạc bolero, chứ thực ra bolero chỉ là thể điệu nhạc. Nếu như dòng nhạc trữ tình gồm nhiều thể điệu nhạc khác nhau thì bolero chỉ là một nhánh nhỏ. Nhiều người dễ nhầm lẫn cứ thấy ôm đàn guitar hát nhạc trữ tình là bolero.

*Nhà báo Hữu Trịnh: Vậy Bolero ở Việt Nam so với bolero các nước trên thế giới có gì khác biệt đáng nói?

- Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Tôi nghĩ bolero Việt Nam có khác biệt, cũng là thể điệu bolero nhưng khi vào Việt Nam nó chậm lắm, chất tự sự nhiều hơn, giai điệu rất dân tộc, còn nội dung thì thường mô tả những chuyện sầu khổ, bế tắc.

*Nhà báo Hữu Trịnh: Vừa qua, có một vài chương trình bolero trên truyền hình, nhưng có cả nhạc slow rock, tango habanera… là có nên hay không? Điều đó có làm công chúng có những nhầm lẫn về dòng nhạc bolero?

- Nhà báo Nguyễn Minh: Chính tôi là người đã làm cái việc như anh Hữu Trịnh vừa nêu, nên hoàn toàn có thể trả lời. Trong Solo cùng bolero mùa đầu tiên, tôi là người biên tập, đã chủ động đứa các bài thể điệu khác vào chung với bolero. Như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã nói, khi bolero vào Việt Nam, nó đã trở thành một cái gì đó rất Việt Nam, nên người ta có lý do để gọi bolero là dòng bolero mà không sợ sai.

Thập niên 1960, lượng bài bolero nhiều đến mức áp đảo đời sống âm nhạc đi, ông Phạm Duy dùng cụm từ rất hay, “nó bàng bạc trong đời sống âm nhạc”. Hầu như nhạc sĩ nào cũng thử viết một hai bài, ngay cả với những người trước đó không hề viết. Ông Lam Phương chẳng hạn, ông cũng thử sức, và những bài của ông rất hay.

Khi mà một thể điệu nhạc trở thành áp đảo, trở thành đặc trưng, thành bộ mặt âm nhạc trong một giai đoạn, thì việc gọi là dòng nhạc bolero cũng không có gì lạ cả. Bởi vì nó sở hữu đầy đủ các yếu tố để thành một dòng. Thứ nhất, nó có một tiết điệu riêng, rất đặc trưng, rõ ràng, dễ nghe. Thứ hai, có hệ thống giai điệu chung, như anh Thiện nói, rất Việt Nam. Thứ ba, nó có hệ thống ca từ riêng, với một cái nền giống nhau, buồn buồn, thất bại trong tình yêu, nên người ta dễ nhận ra nó.

Cho nên khi biên tập Solo cùng bolero mùa đầu tiên, ở vòng bán kết, tôi đã chọn 100% bài bolero, các vòng tiếp theo, tôi quyết định chọn những bài ở thể điệu khác, miễn nó có thẩm mỹ giống hoặc gần bolero. Ví dụ ta nghe bài Kiếp nghèo của Lam Phương, theo thể điệu tango, nhưng rõ ràng thẩm mỹ đó, không khí rất gần bolero. Hay như bài Thành phố buồn, điệu slow rock của ông Lam Phương cũng vậy, nó rất gần với màu bolero.

Livestream mổ xẻ Bolero - Dòng nhạc tiến hay lùi?

Livestream mổ xẻ Bolero - Dòng nhạc tiến hay lùi?

Thời gian gần đây, công luận lại nóng lên với chủ đề bolero. Vào lúc 14h30 hôm nay 6/9, trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng sao" do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phối hợp tổ chức cùng Truyền hình FPT sẽ diễn ra buổi Tọa đàm về bolero.

*Nhà báo Hữu Trịnh: Truyền thông rất có ảnh hưởng xã hội, nên theo tôi, đã là chương trình bolero thì nên bolero toàn bộ, để khán giả tránh hiểu lâm, hoặc hoang mang. Còn nếu đưa vào như Nguyễn Minh nói, thì trước mỗi bài chúng ta cũng cần lưu ý để khán giả nắm được. Xin được tiếp tục với câu hỏi, tại sao đông đảo công chúng âm nhạc qua các thời kỳ đều yêu thích dòng nhạc bolero?

- Nhà nghiên cứu Trần Hữu Ngư: Tôi mê bolero từ nhỏ, nên thấy chỉ có một lý do thôi. Bolero dễ ca, dễ thuộc, dễ cảm. Bài nào mà dễ ca, dễ thuộc là người ta thích nhiều, hay dở chưa biết. Bolero thật ra không có triết lý, không có sính chữ, hát lên cái người ta hiểu, mà nhiều người cứ hiểu là thấy hay.

- Nhạc sĩ Minh Châu: Ca từ dung dị, dễ gần, dễ hiểu. Trong nghề sáng tác của chúng tôi có tình trạng là, nhiều ca khúc mình dụng công rất nhiều về ca từ thì người nghe lại “trôi tuột”, còn những ca từ gần gũi, dễ nhớ thì lại được thích. Cái chính của bolero là nói lên tâm sự cá nhân, không có nói gì cao xa, cao siêu, không chủ nghĩa tập thể, không chủ trương gì lớn cả. Mới nhìn tưởng cá nhân hóa qua, nhưng thật ra như vậy thì ai cũng thấy có mình trong đó.

- Nhạc sĩ Ngọc Thiện: Một điều quan trọng nữa, đó là giai điệu rất gần gũi, vì sao vậy? Vì nó thấm đẫm chất dân ca, thấm đẫm tinh thần âm nhạc dân tộc.

Kỳ 2: Bolero – sáng tạo đến đâu? Tiến hay lùi?

                                                Như Hà (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm