V-League: Từ Công an Hà Nội đến... Công an Hà Nội

18/08/2023 05:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

Phòng thay đồ của đội Hàng không Việt Nam tại sân Hàng Đẫy sau trận đấu ở vòng cuối cùng của V-League 2003 tràn ngập một bầu không khí ngột ngạt. Toàn bộ đội bóng đều biết trước quyết định giải thể CLB, cũng có nghĩa là chỉ cần bước ra khỏi cửa phòng thay đồ họ trở thành những người thất nghiệp.

Phút chót, tin cho biết đội được chuyển giao cho LG ACB của bầu Kiên vốn vừa rớt hạng. Nhưng thực tế, đó cũng là thời điểm không còn gì của Công an Hà Nội (CAHN) một thời danh tiếng.

1. Cuộc sống có những sự trùng hợp khá thú vị. Như Thể Công năm 2009 giải thể thì năm 2019 trở lại đá V-League, tức là tròn một thập niên. Năm 2003, Đà Nẵng lần đầu tiên quay lại V-League thì đến 2023, họ chính thức chia tay giải đấu sau 20 năm chinh chiến.

Với CAHN cũng vậy. Năm 2002, ngành Công an không quản lý đội bóng nữa và chuyển giao cho Hàng không Việt Nam, đến năm 2003 thì đội này không tồn tại. Nhưng mùa 2023 này, có thể CAHN sẽ vô địch V-League ngay mùa đầu tiên thăng hạng, tái lập thành tích chưa từng có ai thực hiện được của HAGL cũng ở mùa 2003. Tức là tròn 20 năm. Và có thể, trong một thời khắc đau buồn nào đó, mùa bóng 2023 có khi là lần cuối chúng ta được xem HAGL đá V-League thì sao…

Trở lại với câu chuyện của CAHN, chúng ta thấy gì? Về lý thuyết đây là đội bóng của ngành vũ trang và đến nay, họ cũng là CLB chuyên nghiệp duy nhất đại diện cho một ngành còn tồn tại. Viettel dù được xem là "hậu duệ Thể Công" nhưng ít hay nhiều vẫn là đội bóng trực thuộc doanh nghiệp của Quân đội.

Như vậy, việc một đội bóng ngành thi đấu chuyên nghiệp là diễn biến tương đối mới mẻ của bóng đá Việt Nam vì trước đây, người ta hình dung các CLB chuyên nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, là doanh nghiệp độc lập theo tiêu chuẩn của AFC. Đó cũng là lý do mà 20 năm trước, một loạt CLB thuộc địa phương, ngành hoặc doanh nghiệp nhà nước phải giải thể hoặc chuyển giao. Đơn giản là không thể dùng tiền ngân sách để đi đá bóng chuyên nghiệp được.

Vậy thì đánh giá sự trở lại của CAHN theo hướng tích cực hay không? Rất khó nói. Bởi theo nguyên tắc, đội bóng này chắc chắn phải được điều hành bởi một công ty được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp theo quy định của AFC, có ngân sách từ nguồn xã hội hóa và các cầu thủ cũng không phải là những công chức ngành hưởng lương từ ngân sách.

Nghĩa là dù đại diện cho lực lượng Công an Thủ đô nhưng đây vẫn là một đội bóng chuyên nghiệp. Vấn đề là họ sẽ vận hành cơ chế kinh doanh ra sao? Hay chỉ đơn thuần là đóng góp cho bóng đá Việt Nam một thương hiệu?

Từ Công an Hà Nội đến... Công an Hà Nội - Ảnh 1.

Nếu không có bất ngờ đột biến xảy ra thì CAHN sẽ tái lập thành tích đoạt chức vô địch ngay ở mùa bóng đầu tiên thăng hạng của HAGL cách đây 20 năm. Ảnh: Hoàng Linh

 2. Sự trở lại của CAHN cũng như cách mà họ đầu tư khủng khiếp để hướng đến chức vô địch rõ ràng là một điều tích cực. Sự thống trị của Hà Nội FC đang khiến cho V-League mất đi sức cạnh tranh. Họ mạnh đến mức mà mọi nỗ lực của các đối thủ khác có cảm giác là chẳng bao giờ đủ. Thế nên, nếu sự quyết liệt của CAHN làm thay đổi được điều đó cũng sẽ là động lực cho các CLB hoặc những doanh nghiệp đang muốn đầu tư cho bóng đá khác. Có cái để kỳ vọng thì vẫn luôn tốt hơn là không có. Đấy là chưa kể, giờ đây trên địa bàn Hà Nội, không còn một đại diện duy nhất nữa mà đến 2, nếu tính cả Viettel FC thì đến 3! và đã đến lúc người ta hình dung đến trận "derby Hà Nội" như thời của Cảng – Công an TP.HCM trước đây.

Từ 2010 đến nay, chức vô địch V-League chỉ có một lần duy nhất không thuộc về "các đội bóng của bầu Hiển" đó là khi Viettel vô địch năm 2020. Bầu Đức từng có câu nói nổi tiếng "5 ông ốm đánh 1 ông mập", giờ mà CAHN vô địch thì ít ra cũng đã có đến 2 đội bóng sẳn sàng tranh đấu với Hà Nội FC. Chưa kể cái gọi là "các đội bóng của bầu Hiển" giờ cũng chẳng còn.

Có một thực tế là bất chấp đại dịch Covid-19 với 2 năm gần như không hoạt động, bóng đá Việt Nam vẫn có những biến động khá mạnh về khía cạnh đầu tư. Nguồn thu vẫn tốt thậm chí còn tăng lên gấp 2-3 lần. Cuộc đấu giữa 2 nhãn hàng nước tăng lực hồi đầu mùa giải cho thấy các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang muốn quảng cáo qua bóng đá. Tiềm lực tài chính của CAHN khẳng định là nguồn tiền cho bóng đá vẫn rất nhiều.

3. Nhưng câu chuyện 20 năm mất hút rồi quay lại với bóng đá của CAHN cũng đáng để suy nghĩ. Cho đến nay, tức là sau 20 năm, số lượng đội chuyên nghiệp của V-League vẫn chỉ là 14 dù như đã thấy, đâu có thiếu đội bóng mới. Thống kê chưa đầy đủ thì số CLB xuất hiện và biến mất trong 20 năm qua vừa đủ cho ra thêm một V-League mới. Nếu có cách để giữ được họ, thì V-League hiện đã nâng lên được ít nhất 16 đội, đồng nghĩa mùa giải sẽ có thêm 4 vòng đấu, tức là có thêm thời gian chơi bóng cho cầu thủ.

Sau 20 năm, SHB Đà Nẵng mất khả năng trụ lại thì xuất hiện một đội bóng cũ. Nếu đó là một đội mới thì hẳn nhiên sẽ ý nghĩa hơn. Nếu xét về tên gọi, gốc gác thì có đến 7 đội từng đá ở mùa 2003 vẫn có tên ở mùa 2023, nghĩa là sự tồn tại của các CLB ở Việt Nam đâu có ngắn, vậy thì tại sao vẫn có rất nhiều đội sớm nở, tối tàn?

Hãy quay lại với CAHN. Họ có thể vô địch bởi cố gắng thâu tóm mọi ngôi sao có thể của bóng đá Việt Nam. Nhưng số lượng cầu thủ giỏi chỉ chừng đó, chức vô địch cũng chỉ là đam mê hữu hạn, phần còn lại sẽ là gì? Một đội bóng ngày từ mùa giải đầu tiên đã đẩy hết mọi cảm xúc tốt nhất của mình lên đến giới hạn, vậy sau khi thỏa mãn vinh quang sẽ là điều gì? Không ai dám nói chắc!

Nên nói gì thì nói, sự ổn định của Hà Nội FC, cái thú vui xem bóng đá của bầu Hiển cho đến giờ vẫn là thứ đặc sản quý giá mà V-League, ở một góc độ nào đó, phải nói là may mắn có được. Không có Hà Nội FC thì có lẽ đâu thể có sự ham muốn tột bậc của CAHN và những ấm ức của các đội bóng khác vốn đã đua với Hà Nội FC bấy lâu nay mà không thành công.

Chỉ có điều, giữa một chức vô địch còn là câu chuyện cung cấp cầu thủ cho đội tuyển, đó vẫn là sự khác biệt về đẳng cấp giữa CAHN và Hà Nội FC. Kể cả khi có thắng danh hiệu mùa này, với CAHN cũng chỉ mới là khởi đầu. Hai mươi năm mất hút, cũng đâu phải còn nhiều người nhớ đến họ kể cả khi tỏa sáng ngay lần đầu trở lại. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm