Về đâu khi nhà đã bán?

07/11/2014 08:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2 - 5 triệu năm trước. Hang có chiều rộng 150 mét, cao hơn 200 mét và dài hơn 7.000 mét. Bên cạnh đó, trong hang còn có một dòng sông ngầm dài khoảng 2.500 mét cùng những cột nhũ đá cao tới 70 mét.

Với lịch sử hình thành và những cấu tạo địa tầng địa chất đặc biệt như vậy, không khó hiểu khi các nhà nghiên cứu địa lý, sinh vật coi Sơn Đoòng là “ngôi nhà” chung của những thảm thực vật độc đáo, các động vật đặc hữu cùng những loài côn trùng hiếm có.

“Ngôi nhà” được mệnh danh “vùng đất bị thất lạc”, “đỉnh Everest dưới lòng đất” ấy còn là nơi ấp ủ hàng triệu ước mơ của những nhà thám hiểm, những người ưa thích du lịch mạo hiểm toàn thế giới.

“Ngôi nhà” Sơn Đoòng dài hơn 7.000 mét với kích thước đoạn to nhất có thể chứa một tòa nhà 40 tầng của New York, nó còn là kho tư liệu đồ sộ vô giá về địa tầng, địa chất, động thực vật... cho các nhà khoa học.

“Ngôi nhà” này còn là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, của sự quan tâm hiếm có cùng hành động quyết liệt của giới trẻ dành cho di sản. Tính đến thời điểm hiện tại (7/11/2014), đã có gần 55.000 người trên toàn cầu ký vào thỉnh nguyện thư yêu cầu không xây cáp treo ở hang Sơn Đoòng. Trang Facebook “Save Son Doong - Phản đối dự án cáp treo Hang Sơn Đoòng” được thành lập trong thời gian ngắn cũng có gần 20.000 người ủng hộ. Những con số này vẫn trên đà tăng từng phút, từng giây.

Những dòng hastag (một hình thức lưu dấu tìm kiếm trên mạng xã hội) #SaveSonDoong (Bảo vệ Sơn Đoòng) cũng cập nhật liên tục hình ảnh những người trẻ cầm biển “Bảo vệ Sơn Đoòng”, “Sơn Đoòng không cần cáp treo”... được chụp tại khắp nơi trong cả nước.

Điều đặc biệt, hầu hết người trẻ chưa từng và khó có cơ hội đặt chân tới Sơn Đoòng trong thời gian tới nếu không có cáp treo. “Dù cả đời chúng tôi không một lần đặt chân vào Sơn Đoòng thì chúng tôi cũng không nuối tiếc hành động này. Bởi chúng tôi đã làm đúng bổn phận của thế hệ mình” - một bạn trẻ comment trên mạng xã hội.

2. Trong diễn biến gần đây, tỉnh Quảng Bình tuyên bố sẽ không xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng như tuyên bố trước đó. Song việc địa phương dừng cáp treo cách hang 300 mét và vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ “đại trà hóa” khám phá Sơn Đoòng khiến những người quyết tâm bảo vệ hang động lớn nhất thế giới vẫn không thể an lòng.  

Trao đổi với người viết ngay khi hay tin địa phương vẫn giữ quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Hiệu, khoa Địa lý (ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những người đầu tiên vào nghiên cứu hang Sơn Đoòng năm 2010 cùng Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh thở dài: Khách vào quá nhiều ảnh hưởng lớn tới sự chịu tải của môi trường, sự chịu tải của tài nguyên. Nếu để khách du lịch đại trà số lượng lớn, hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ, thảm tự nhiên bị dẫm đạp, động vật đặc hữu, côn trùng hiếm bỏ đi hết. Cả sức hấp dẫn về sự bí ẩn với các du khách nước ngoài cũng không còn. Chúng ta không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bán rẻ tài nguyên, bán rẻ tiềm lực như thế được”.

Tóm gọn ý kiến của PGS-TS Nguyễn Hiệu: Những sinh vật quý, những ước mơ khám phá, những nỗ lực không ngừng nghỉ của người trẻ, những hy vọng của các nhà khoa học sẽ không có chốn về khi “ngôi nhà” chung bị đem ra phục vụ lợi ích kinh tế.

Và khi ấy, có lẽ câu nói đùa của những người trẻ lại ứng nghiệm chua chát với câu chuyện Sơn Đoòng: Về đâu khi nhà đã bán?

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm