U22 Việt Nam vs U22 Lào: Trông người mà ngẫm đến ta

28/04/2023 06:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

Một số hình ảnh đầu tiên về đội tuyển U22 Việt Nam được truyền về từ Campuchia, trong đó có đề cập đến chất lượng mặt sân tập của thầy trò HLV Philippe Trousier cho trận ra quân gặp U22 Lào, bị cho là không đạt chuẩn. Thật tiếc, khi không ít người trong chúng ta vẫn giữ thói quen chê bai và đòi hỏi, mà đôi khi quên rằng chưa chắc mình đã hơn.

Kỳ SEA Games 31 gần nhất được tổ chức tại Việt Nam, với các trận vòng bảng và bán kết môn bóng đá nam được đưa về Việt Trì (Phú Thọ) và Thiên Trường (Nam Định). Cho đến trận chung kết mới được dời về sân khấu chính là Mỹ Đình, nơi đã chứng kiến U22 Việt Nam bảo vệ thành công chiếc HCV. Trong khi đó, bóng đá nữ SEA Games 31 diễn ra ở Quảng Ninh với cơn sốt vé chưa từng thấy.

SEA Games 22 năm 2003, bóng đá nữ cũng đã diễn ra ở Thiên Trường nhằm giảm tải cho Mỹ Đình. Việc đưa bóng đá về với các địa phương đủ điều kiện tổ chức ngoài Hà Nội, là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh. Nó giúp người hâm mộ có cơ hội gần hơn với các "thần tượng".

Nhưng, hãy thử tưởng tượng thế này, nếu Hà Nội nhận đăng cai cả bóng đá nam và nữ SEA Games vừa rồi, thì liệu có đủ năng lực đáp ứng về sân bãi - hạ tầng tập luyện và thi đấu cho hơn chục đội bóng, như Phnom Penh tới đây? Chúng tôi e là không, khi ngoài Mỹ Đình, Hà Nội chỉ còn mỗi Hàng Đẫy đủ điều kiện tổ chức thi đấu, trong khi hệ thống sân tập thiếu nghiêm trọng chứ đừng nói đạt chuẩn. Chắc chắn sẽ lại phải cậy đến Trung tâm PVF CAND bên Hưng Yên trong bán kính 30km.

Năm 2016, khi cùng đội tuyển U16 Việt Nam dưới thời HLV Đinh Thế Nam chinh chiến và vào đến trận đấu cuối cùng giải U16 Đông Nam Á mở rộng (với sự góp mặt của cả U16 Australia, đội đã thắng ngược chúng ta ở chung kết), chúng tôi đã được mục sở thị năng lực tổ chức của chủ nhà Campuchia.

Vào thời điểm đó, SVĐ quốc gia mới của Campuchia là Morodok (sức chứa 60.000 chỗ ngồi) chưa được xây dựng, và các trận đấu của giải đều diễn ra trên sân Olympic Phnom Penh (70.000 chỗ ngồi) có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Nhưng, hệ thống sân tập của nước chủ nhà mới khiến tất cả phải kinh ngạc.

Người quan sát: Trông người mà ngẫm đến ta - Ảnh 1.

Chất lượng mặt cỏ nơi U22 Việt Nam đang tập luyện ở Campuchia là khá tốt. Ảnh: Minh Quyết

Để xếp lịch tập cho đầy đủ 12 đội bóng tham dự giải U16 Đông Nam Á mở rộng khi ấy là không hề đơn giản. BTC đã phải dùng tới các sân bóng thuộc các trường Trung học. Song, điều đáng nói ở chỗ, mặt cỏ các sân bóng này đều rất hoàn hảo, cùng với hàng rào an ninh được thắt chặt, đảm bảo đủ sự riêng tư cho các đội bóng tập luyện. Đây là điều xa xỉ tại Việt Nam, vì thế, PV Thể thao & Văn hoá đã thực hiện một số ghi chép và phóng sự về những ưu việt ấy, để bóng đá Việt Nam có thể nhìn vào đó mà học hỏi.

Trong nhiều năm, chúng ta đã và đang bỏ qua "mỏ vàng" là bóng đá học đường, chưa thể nâng cấp thể thao học đường lên một tầm cao mới, là lý làm sao? Sự đầu tư thiếu ngọn ngành và hạ tầng phục vụ tập luyện thi đấu trong các trường học thiếu nghiêm trọng. Trên toàn quốc, mấy trường Trung học hay Đại học có sân bóng, Nhà thi đấu hay hồ bơi không?!

Trở lại với nền tảng và cả những đầu tư mới ở tầm vĩ mô của chủ nhà SEA Games 32 Campuchia, cho tham vọng bay cao và bay xa của thể thao nước này, họ xứng đáng được ngưỡng mộ, học hỏi, chứ không phải chỉ chê bai. Có thể tương lai gần, thể thao Campuchia nói chung và bóng đá nước bạn nói riêng chưa thể xếp vào nhóm đầu khu vực, nhưng tương lai xa hơn thì chưa chắc. Sự phát triển luôn bắt đầu từ yếu tố con người, nhưng yếu tố quan trọng cốt lõi khác, chính là hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu.

Còn chúng ta thì sao? Sân bóng sức chứa lớn nhất của Việt Nam vẫn chỉ là Mỹ Đình (40.000 chỗ ngồi), và mặt sân thì..., à mà thôi! Vậy nên thay vì chê bai người khác thì có lẽ tốt hơn hết chúng ta hãy tập trung làm tốt nhất những việc của mình thì hơn.

XEM THÔNG TIN SEA GAMES 32 TẠI ĐÂY

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm