Những sự kiện gây chấn động World Cup: Đội bóng Mussolini năm 1938

07/04/2014 07:04 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - “Các cầu thủ của chúng tôi bước ra sân thẳng hàng theo kiểu quân đội, rồi giơ tay chào kiểu phát-xít giữa những tiếng la ó, huýt sáo đầy giận dữ…”, HLV Vittorio Pozzo của ĐT Italy ở World Cup 1938 nhớ lại.

Đó là trận đầu tiên của Italy gặp Na Uy trong chiến dịch bảo vệ cúp vàng, và nó diễn ra với sự chứng kiến của 10.000 người Italy phải lưu vong tại Pháp vì tránh chế độ phát-xít trên khán đài.

Đội bóng phát-xít

Hiến chương Viareggio năm 1926 đã chính thức biến Calcio thành một phần của chế độ phát-xít, và đó cũng là khi Serie A ra đời. Mục đích của chính quyền là rất rõ ràng: trước hết là xây dựng bản sắc dân tộc trong bóng đá và sau đó là tạo ra một hệ thống giải VĐQG đủ mạnh để cho ra đời một ĐTQG đủ sức cạnh tranh với những đối thủ lớn nhất.

Chính sách đó đơm hoa kết trái với chức vô địch World Cup 1938, nhưng Mussolini chưa muốn dừng lại ở đó. Pozzo nhớ lại: “Đó là một giải đấu hoàn toàn chính trị, và như thế thật bất công, vì các cầu thủ của chúng tôi không nghĩ gì tới chính trị. Họ đại diện cho tổ quốc và đơn giản là chiến đấu vì màu cờ sắc áo”.

Vấn đề ở chỗ màu cờ sắc áo của ĐT Italy bao gồm cả biểu tượng Fasico Littoria, tức một bó những cây gậy và rìu, cũng là hình ảnh của trật tự và luật pháp thời La Mã. Bài quốc ca phát-xít Giovinezza (Tuổi trẻ) cũng trỗi lên khi đội bóng bước vào sân, nhưng chính màn chào kiểu La Mã khiến đám đông phẫn nộ nhất, đặc biệt là khi Pozzo ra lệnh cho các cầu thủ lặp lại điều đó. Kết trận, Italy thắng 2-1 trong hiệp phụ, “Vittoria ma non basta” (Chiến thắng nhưng không đủ) là điều mà báo chí nước này nhận định ngày hôm sau.

Viên tướng phát-xít kiêm chủ tịch LĐBĐ Italy lúc bấy giờ Giorgio Vaccaro giận dữ trước sự yếu kém của hàng thủ, đã can thiệp và chấm dứt luôn sự nghiệp ở ĐTQG của hậu vệ lão làng Eraldo Monzeglio (Pozzo nói Vaccaro từng buộc ông phải chọn đội hình chỉ gồm những đảng viên phát-xít vào năm 1934).

Nhà vô địch bị căm ghét

Ở tứ kết, do cả Italy và Pháp đều mặc áo màu xanh lam, nên bốc thăm để xem đội nào được mặc áo chính thức. Pháp thắng và thay vì chuyển sang màu áo trắng dự bị thường dùng, cả đội Italy được lệnh ra sân với bộ đồ toàn đen, một mệnh lệnh trực tiếp từ Mussolini. Đám đông cuồng nộ ở Paris đã phải câm lặng bởi chiến thắng dễ dàng 3-1 cho Italy. Tờ nhật báo phát-xít “Il Popolo d’Italia” nói đó là trận hay nhất giải của Azzurri.

Khi trận chung kết với Hungary đang có tỉ số là 1-1, Italy đã cho thấy đẳng cấp với 20 phút bóng đá xuất sắc trong đó họ ghi 2 bàn, vô địch và thậm chí khiến đám đông CĐV vốn thù địch với họ từ đầu giải cũng phải thay đổi thái độ. Trận đấu kết thúc với tỉ số 4-2. Nhờ những nỗ lực của họ, mỗi thành viên tuyển Italy được thưởng 8.000 lire (tương đương 3 tháng lương) và một HCV của riêng chính quyền phát-xít, được Mussolini trao trong 15 phút tiếp đội ở Rome.

Chính quyền Italy đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một đội bóng vô địch lần nữa vào năm 1942, nhưng chiến tranh thế giới thứ hai đã ngăn cản điều đó. Sau khi chính quyền Mussolini sụp đổ vào năm 1943 và Italy được giải phóng 18 tháng sau đó, Pozzo đã có sự chuyển giao êm ả từ chế độ độc tài sang nền dân chủ cộng hòa. Ông nắm ĐT Italy tới tận năm 1948 và viết báo cho tờ La Stampa tới khi qua đời 20 năm sau đó.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm