Giải trí gì ngoài truyền hình thực tế?

08/07/2015 19:29 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn vào lịch phát sóng hiện nay trên những kênh chính thống của nhà đài, có thể thấy 4/7 ngày trong tuần là các chương trình truyền hình thực tế (THTT). Riêng VTV3 đã có ít nhất 9 chương trình/tuần.

Bon chen giờ “vàng” kênh “hot”

Với xấp xỉ 20 chương trình THTT/tuần, tần số xuất hiện dày đặc trên các khung giờ “vàng” (từ 20-21h) dẫn đến sự chồng chéo các chương trình trong cùng một tối cuối tuần là điều dễ hiểu. Như thứ Bảy vừa qua, Bước nhảy hoàn vũ nhí (VTV3), Tuyệt đỉnh tranh tài (HTV), Sao Mai (VTV2) cùng lên sóng khung giờ 20h - 21h.

Chưa kể, các chương trình mới xuất hiện còn tăng độ “bon chen” để có thể lên giờ “vàng” kênh “hot” của nhà đài. Ngay đến những chương trình do Đài Truyền hinh Việt Nam sản xuất như Đồ Rê Mí từ VTV3 cũng phải chuyển sang VTV6 (kém “hot” hơn và phát sóng vào khung giờ các cháu thiếu nhi đi ngủ - 21h). Điệp vụ tuyệt mật phải dừng sóng đến hai lần và lần thứ 2 thì dừng “vô thời hạn” vì chưa sắp xếp được lịch (khung giờ vốn dành cho chương trình này đang diễn ra Bước nhảy hoàn vũ nhí).


Bước nhảy hoàn vũ nhí 2015

Khi các chương trình mới vẫn xuất hiện chưa có dấu hiệu mệt mỏi, còn các chương trình cũ vẫn “thoi thóp” trụ lại trên một giờ khác, kênh khác cho thấy sự cạnh tranh giữa các chương trình vẫn đang diễn ra như một cuộc chiến “ngầm” và THTT chưa hẳn đã bão hòa.

Ở một khía cạnh khác, rating là một phần làm nên thành công của chương trình. Khán giả có quan tâm đến chương trình nào, thì sức sống của chương trình đó mới có cơ hội “sống sót” trên sóng. Nhưng cơ bản, THTT sống được đôi khi không phải vì khán giả mà vì nhà tài trợ đến từ các nhãn hàng. Còn bản thân khán giả, ít nhất, dù họ có “ngán” những chương trình cũ vì bệnh “cả thèm chóng chán” thì tâm lý “có mới nới cũ” và sự tò mò trong mỗi con người với những gì được gọi là mới, là lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam cũng vẫn khiến họ bật xem chương trình ít nhất một lần.

Không đứng ngoài các chương trình THTT, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần nhận xét của mình về hiện tượng trên: “Tôi thấy người Việt Nam dường như không thưởng thức gì ngoài ti-vi. Mà những chương trình truyền hình, do một số người đem lại giống như có vài đầu bếp quanh đi quẩn lại chỉ có vài người cung cấp thực đơn thì nói đúng ra, sự nở rộ các chương trình THTT hiện nay chỉ phản ảnh đời sống tinh thần của người Việt khá nghèo nàn”.

Khán giả xem THTT kiểu gì?

Và cái sự nghèo ở đây phản ánh rất rõ khi trong số hàng chục chương trình THTT, thể loại ca hát vẫn chiếm ưu thế đến nỗi, nói đến THTT ở Việt Nam, đa số khán giả nhắc đến những chương trình ca hát, từ đài quốc gia cho đến đài địa phương. Cứ mở ti-vi ra bất cứ lúc nào cũng nghe thấy hát vì chương trình đã phát sóng trực tiếp, lại còn chiếu lại. Từ Gương mặt thân quen, Trò chơi âm nhạc, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Tuyệt đỉnh tranh tài. Chưa kể đến cả những cuộc thi được hợp tác với quốc tế như Ngôi sao Việt, Chinh phục ước mơ. Nhưng cái sự nghèo này lại được nhìn ở khía cạnh bão hòa và làm khán giả bội thực.

Và cũng vì nghèo thế, nên sau sự thu hút bằng những giọng ca chất lượng, hiếm có khó tìm và cạn kiệt thì đến lúc các chương trình phải tung chiêu bằng scandal, bằng sự cố đôi khi lại do chính mình tự gây ra vì mất kiểm soát như việc vẽ sai bản đồ trong một chương trình nọ. Khi đó, chính nhà sản xuất đã tự thông tin trước với báo chí về sự cố của mình rồi sau đó… chờ phạt.


Vòng đối đầu Giọng hát Việt 2015

Nói đi thì phải nói lại, nếu nghèo thế, bội thực hay bão hòa thế, sao khán giả vẫn cứ xem, vẫn cứ bật ti-vi rồi kêu than?

Có thể thấy, trước hết, đa số khán giả hiện nay đang thụ động trong đời sống tinh thần của chính mình. Nếu khán giả tưởng mình dùng remote để điều khiển ti-vi, thì ti-vi thực ra cũng đang điều khiển lại khán giả theo lối: phát chương trình gì, khán giả xem nấy.

Sự thụ động ở đây còn thể hiện ở việc, khi các chương trình thiếu sự tôn trọng khán giả, thì không phải mấy ai cũng để ý cho đến khi các cơ quan chức năng “tuýt còi” yêu cầu tạm dừng chương trình. Như tháng 3 vừa qua, 7 chương trình có thông tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam đã nhận lệnh tạm ngưng phát sóng trên VTV. Nhìn vào lý do của Bộ TT&TT đưa ra xử lý các chương trình này, không phải không có lý: chương trình Quà tặng cuộc sống phát sóng tập phim hoạt hình Nhặt xương cho thầy xúc phạm danh dự các thầy, cô giáo; Ai là triệu phú: có một số nội dung thiếu văn hóa, Người giấu mặt có hình ảnh phản cảm: một thí sinh ôm ấp, thò tay vào ngực áo của một thí sinh khác...

Song, khi đó, nhiều khán giả lại phản ứng như trẻ con đang chơi đồ chơi thì bị “giằng lại”. Họ không quan tâm mấy đến lý do bị phạt có thỏa đáng không mà cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước quá khắt khe với các chương trình giải trí. Vì giải trí cũng chỉ là để giải trí, xem xong là quên.

Trong chiếc kiềng ba chân: nhà sản xuất - nghệ sĩ, người tham gia - khán giả vẫn đang diễn ra theo chiều xuôi, phản ánh sự thụ động trong thưởng thức của khán giả Việt. Vì thế, nếu ăn không ngon hình như họ cũng chỉ biết kêu chán và vẫn ăn tiếp.

Nói như vậy, không phải khán giả không có quyền lựa chọn, đề nghị. Tuy nhiên, ngay như khảo sát của ZTV thì phần lớn thời gian người dân dành để xem truyền hình lại nằm ở các kênh quảng bá mà người dân có thể tiếp cận hoàn toàn miễn phí chứ không phải là kênh truyền hình trả tiền trong nước hay nước ngoài, trong khi hàng tháng vẫn phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để trả phí thuê bao cho cả gói.

Đó là một trong số nhiều lý do khiến khán giả hiện nay vẫn trung thành với THTT.

Thomas Corley - tác quả cuốn sách Những thói quen giàu có: Thói quen hàng ngày của những người giàu có chia sẻ trên trang Business Insider đã đưa ra kết quả nghiên cứu của mình: Chỉ có 6% những người giàu xem các chương trình THTT. Trong khi đối với người nghèo là 78%.

Chưa có một nghiên cứu tương tự ở Việt Nam, song có thể nhận thấy một thực tế là khá đông khán giả truyền hình hiện nay xem ti-vi để… giết thời gian. Nguy cơ tiềm ẩn sau thực tế này là nhu cầu giải trí của con người mà cũng bị điều khiển thì thật là nguy hiểm. Và hơn thế, một nền nghệ thuật mà không sống được theo đúng nghĩa (live) và hoàn toàn phụ thuộc vào đạo diễn các chương trình THTT thì rõ ràng, nền văn hóa ở đó khó phát triển bình thường.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm