Trung Quốc: Trận động đất gây thiệt hại nhất từ năm 1949

30/05/2008 18:16 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - 65 di sản văn hóa thuộc sự bảo vệ của quốc gia và 119 di sản thuộc quản lý cấp tỉnh đã bị hư hại nặng sau trận động đất ngày 12/5 ở tỉnh Tứ Xuyên. Theo báo cáo mới đây, nhiều ngôi nhà cổ ở tỉnh này đã bị sụp hoàn toàn. 841 di tích bảo tàng, trong đó có 148 di tích quý giá đã bị vỡ vụn.

Khu di tích Đô Giang Yển - nơi nổi tiếng với hệ thống thủy lợi lâu đời nhất thế giới hiện vẫn còn hoạt động, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2000 - cũng chịu nhiều thiệt hại bởi trận động đất này. Khu này gồm rất nhiều công trình di sản văn hóa nổi tiếng, ví như ngôi đền Nhị Vương (Hai vua), được xây dựng từ cách đây 2.000 năm nhằm tôn vinh Lý Băng, vị thống đốc của Tứ Xuyên thời đó và con trai ông với những đóng góp to lớn của họ cho việc xây dựng hệ thống thủy lợi Đô Giang Yển. Một người dân ở đây cho biết: “Ngôi đền này không hoàn toàn bị đổ vụn như báo chí đã đưa, nhưng cũng mất mát nhiều. Song thật may là bức tượng Lý Băng và con trai ông, tượng Bồ Tát không hề hấn gì”.
 
Ngôi đền Nhị Vương đổ nát sau trận động đất

Song Đô Giang Yển không phải là điểm văn hóa duy nhất bị tổn hại nặng nề ởvùng tâm chấn Vấn Xuyên. Ông Shan Jixiang, Cục trưởng Cục Di sản Quốc gia Trung Quốc, cho biết, các công trình văn hóa bị hư hại nặng còn gồm nơi ra đời của đạo Lão; núi Thanh Thành; đền Báo Ân (được xây dựng vào năm 1440-1460); bảo tàng Đỗ Phủ ở Thành Đô - nơi mà nhà thơ nổi tiếng đời Đường này từng sống; di chỉ thời tiền sử Tam Tinh Đô; chùa Khuê Quang...

Trước khi xảy ra động đất, huyện Vấn Xuyên đã được tặng bằng khen là huyện bảo tồn tốt các di sản văn hóa. Thế nhưng sau cơn chấn địa kinh hoàng vừa qua thì nhiều di sản đã bị hư hại nặng nề. “Đây là tổn thất di sản văn hóa lớn nhất kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập vào năm 1949”, Zhao Chuanrong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Tứ Xuyên, cho biết.

Ông Shan Jixiang và các cộng sự của mình đang tiếp tục điều tra về mức độ thiệt hại ở Thành Đô, Trùng Khánh và nhiều khu vực bị động đất khác. Nhiều đoàn chuyên gia đã được cử tới đây để định giá số di sản bị thiệt hại và chỉ đạo các dự án trùng tu. Trong khoảng 2-3 tuần tới, sẽ có nhiều chuyên gia từ khắp Trung Quốc tới Tứ Xuyên để hỗ trợ về chuyên môn.

Hơn 40.000 di sản ở Đô Giang Yển đã được cứu thoát khỏi trận động đất này nhờ vào nỗ lực của các cán bộ công nhân viên Phòng Di Sản Đô Giang Yển. Ông Bian Zaibin, Phó phòng Di sản Đô Giang Yển, kể lại rằng khi động đất xảy ra, toàn bộ cán bộ công nhân viên đã cố gắng hết sức để di dời nhiều đồ vật quý giá ra ngoài nhà kho. “Chúng tôi đã mang được 6 thùng di sản, trong đó có 575 bức họa và thư họa Trung Hoa ra ngoài. Tác phẩm đầu tiên được cứu là một bức tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng”. Song để bảo vệ những di sản này, đội ngũ của ông Bian đã phải lấy dù che và phải đứng canh suốt đêm.

Mặc dù cách xa vùng tâm chấn, song tỉnh Cam Túc cũng bị thiệt hại nhiều di sản văn hóa. Theo báo cáo ngày 22/5 của Sở Bảo vệ Di sản, 16 bảo tàng ở tỉnh này đã bị hư hỏng nặng, trong đó có 607 di sản thuộc nhiều cấp bảo vệ, nhưng có tới 288 di sản không có cách nào để phục chế được. Cho đến nay Ban quản lý động Đôn Hoàng vẫn chưa đưa ra con số thiệt hại nào.

Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm