Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu

24/07/2023 21:31 GMT+7 | Văn hoá

Xem các tranh sơn mài tại triển lãm hồi cố Họa duyên tương ngộ đang diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (TP.HCM), có thể thấy họa sĩ Trần Phúc Duyên (16/2/1923, Hà Nội-9/9/1993, Thụy Sĩ) đã có những "cố chấp" đáng yêu. "Cố chấp" để gìn giữ tình yêu đặc biệt với sơn mài, muốn nâng vị thế tranh sơn mài lên ngang bằng với tranh sơn dầu.

Kể từ triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Sài Gòn vào tháng 1/1952, sau hơn 70 năm,nay Trần Phúc Duyên mới lại có triển lãm chính thức tại Việt Nam.Ông đã có khoảng 20 trưng bày lớn nhỏ ở châu Âu, giới thiệu nhiều thể loại, nhưng sơn mài vẫn là chủ đạo. Triển lãm này để kỷ niệm 100 năm sinh và tưởng niệm 30 năm ngày mất của Trần Phúc Duyên.

Từ xưởng sơn mài ở Quán Thánh đến Thụy Sĩ

Ngay từ đầu thập niên 1950, Trần Phúc Duyên đã nhận mình là họa sĩ sơn mài (artiste laqueur), ông thường ghi danh hiệu này đằng sau các bức tranh, bằng tiếng Việt hoặc Pháp. Khi còn sống ở Hà Nội (1948 - 1954), xưởng vẽ của ông đặt tại số 146 Avenue de Grand Buddha, nay là đường Quán Thánh. Xưởng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Pháp và châu Âu.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 1.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên, năm 1982

Ngay năm 1950, 3 tác phẩm sơn mài của Trần Phúc Duyên đã được chọn trưng bày tại Bảo tàng Vatican. Năm 1952, ông làm triển lãm cá nhân đầu tiên tại Nhà hát Sài Gòn với 30 tác phẩm sơn mài. Năm 1953, làm triển lãm cá nhân tại Hà Nội. 1 năm sau đó, ông cùng anh trai Trần Phúc Chí và em trai Trần Phúc Trường di cư sang Pháp.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 2.

Đại diện BTC và cố vấn của triển lãm “Họa duyên tương ngộ”

Sau vài năm ổn định đời sống, tháng 6/1961, ông đã có triển lãm cá nhân tại Nice (Pháp), với 20 tranh sơn mài và 20 tranh lụa. Giai đoạn sống ở Pháp, ông còn làm 7 triển lãm cá nhân tại Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Từ 1968 đến 1993, ông sống ở Thụy Sĩ, làm 13 triển lãm cá nhân tại Pháp, Canada và Thụy Sĩ. Ông không lập gia đình, trọn đời dành tâm trí cho sáng tác.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 3.

Tác phẩm “Bóng nước” (sơn mài, 3 tấm, 110 x 176cm, khoảng 1967) -

Những năm tháng sống ở châu Âu, nếu ông chọn sơn dầu để vẽ, thì có lẽ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng ông vẫn "cố chấp" chọn sơn mài, nên khi gặp phải tình trạng khan hiếm về vật liệu, buộc ông phải tìm tòi và tự pha chế, thể nghiệm rất nhiều thứ.

Xét ở khía cạnh ưu điểm, sự tìm tòi trong sáng tác luôn mang lại sự hưng phấn khi làm việc. Hơn nữa, vì ông muốn chứng minh rằng hiệu quả của sơn mài trong sáng tác cũng không thua gì sơn dầu, nên càng xả thân trong sáng tạo. Xem độ chuyển sáng, sựthấu thị của hai bức sơn mài Vườn Vert-Galant bên dòng Seine (50 x 40cm, khoảng 1968) và Nhà thờ Đức bà Paris (40 x 50cm, khoảng 1968), có thể thấy hiệu quả đặc biệt về thị giác, không dễ gì thấy ở tranh sơn mài của các họa sĩ khác.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 4.

Tác phẩm “Sơn khê” (sơn mài, 32 x 30cm, khoảng 1976)

Tình trạng khan hiếm vật liệu đã buộc Trần Phúc Duyên sớm rời xa sơn mài truyền thống (sơn ta) để chọn sơn mài tổng hợp và cách tân. Màu đen, màu vàng, màu bạc và màu đỏ đã được vận dụng từ thực tế có được của vật liệu. Thế nhưng, về quan niệm thẩm mỹ và hiệu quả về độ bóng của sơn mài thì vẫn được gìn giữ.

Còn về khía cạnh nhược điểm, do khan hiếm vật liệu, phải tự làm vóc, nên tranh của Trần Phúc Duyên giai đoạn 1960 - 1985, đa số khổ nhỏ. Gần 10 năm cuối đời, khi vật liệu dễ tìm hơn, khả năng tự làm vóc của ông cũng "xịn sò" hơn, nên đã có nhiều tranh khổ lớn.

Năm 1983, ông làm 2 triển lãm cá nhân tại Galerie du Boulevard ở Lausanne và Galerie des Amis des Arts ở Neuchâtel, Thụy Sĩ, bày tổng cộng 90 tranh sơn mài. Đây cũng là năm ông xuất bản cuốn sách đầu tiên và duy nhất về tranh sơn mài. Cuốn sách thứ 2 về ông được Phạm Lê Collection thực hiện, sắp xuất bản.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 5.

Tác phẩm “Mùa Thu mát mẻ” (sơn mài, 30 x 32cm, 1982)

Năm 1989, Trần Phúc Duyên làm triển lãm cá nhân cuối cùng tại Kultur Arena ở Bern, bày 48 tác phẩm, trong này có số bức khổ lớn. Ví dụ Sương Thu (sơn mài, 4 tấm, 122 x 224 cm), Về chợ (sơn mài, 2 tấm, 65 x 220cm), Vì một tương lai tươi sáng hơn (sơn mài, 2 tấm, 65 x 220cm), Phong cảnh Sài Sơn 2 (sơn mài, 3 tấm, 93 x 195cm), Hòa ân (sơn mài, 2 tấm, 112 x 133cm), Ngọc liên (sơn mài, 90 x 92cm)…

Sơn mài trừu tượng và thủy mặc  

Xuyên suốt đời Trần Phúc Duyên, về đề tài chủ đạo, đó là sự vọng tưởng cố hương, với những hình ảnh thanh tao, đẹp đẽ, đầy tính biểu tượng. 1 trong những biểu tượng của nghệ thuật cổ điển Á Đông là bóng trăng và cây tre, Trần Phúc Duyên cũng tiếp biến điều này, nhưng dần dà Việt hóa chúng, để kể những câu chuyện gần gũi hơn. Những bụi tre hoặc hàng cau đã được tôn lên thành biểu tượng của phong cảnh Việt Nam, thành sự bình yên, bền vững của quê nhà.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 6.

Tác phẩm “Phong cảnh mạn ngược” (sơn mài, 65 x 110cm, Sưu tập Phạm Lê

Từ giữa thập niên 1970, Trần Phúc Duyên đã áp dụng mạnh mẽ quan niệm của hội họa thủy mặc Á Đông vào tranh sơn mài. Những khoảng trống, sự chuyển sáng trở thành phông nền chủ đạo của câu chuyện, còn trăng, núi sông, phong cảnh… chỉ dừng lại ở mức điểm xuyết. Những bức sơn mài thủy mặc mới nhìn qua, tưởng không có gì để xem, nhưng xem kỹ, thấy ông đã dày công rất nhiều trong mảng miếng và ánh sáng, thật thú vị.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 7.

Đạo diễn Trần Anh Hùng và họa sĩ Trần Nữ Yên Khê

Nếu như giữa thập niên 1960, Trần Phúc Duyên còn bối rối với hội họa trừu tượng của phương Tây, thì từ đầu thập niên 1980, ông đã rất yêu thích nó. Những bức sơn mài thủy mặc của ông gợi nhớ đến tranh Triệu Vô Cực (Zao Wou-Ki, 1921 - 2013), gần như sống cùng thời đại và cũng mất ở Thụy Sĩ. Còn tranh sơn mài trừu tượng của ông lại gợi nhớ đến Mark Rothko (1903 - 1970), một bậc thầy về chuyển sáng giữa các mảng miếng.

Trần Phúc Duyên cũng có nhiều tranh sơn mài - nhất là giai đoạn cuối đời - dung hợp thủy mặc, phi biểu hình và trừu tượng. Những thể nghiệm bề mặt như cạo, rạch, dán vàng lá và hiệu ứng thị giác về các luồng sáng là một điều quá mới mẻ, nếu đặt để chúng vào trong tiến trình của tranh sơn mài.

Trần Phúc Duyên và 2 'cố chấp' đáng yêu - Ảnh 9.

Diễn viên Diễm My 9X dành nhiều thời gian xem triển lãm

Sự dung hợp này mang lại sự sảng khoái, mới mẻ trong sáng tạo, nhưng cũng là một "cố chấp" đáng yêu của Trần Phúc Duyên. Bởi nếu ông chỉ vì bán tranh, thì những tranh phong cảnh có tính hương xa về Việt Nam, về Đông Dương sẽdễ bán hơn tại châu Âu. Nhưng Trần Phúc Duyên là họa sĩ muốn tận hiến cho hội họa sơn mài, nên ông thiên nhiều hơn về hướng tìm tòi, sáng tạo.

2 triển lãm lớn


Triển lãm lớn đầu tiên có tên Lacquer Works In 30 Years (30 năm sáng tác sơn mài) diễn ra tại Bảo tàng Neuchatel, Thụy Sĩ, tháng 11/1979, bày 95 tranh sơn mài và 11 tranh lụa. Triển lãm hồi cố Họa duyên tương ngộ bày hơn 100 tác phẩm, trong đó có 77 tranh sơn mài.

Trần Phúc Duyên học khóa 16 (1942 - 1945) của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chuyên khoa sơn mài. Đồng khóa với ông có Quang Phòng, Võ Lăng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thanh, Phan Thông… Khóa này không thể hoàn thành chương trình dọc 5 năm, do Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, trường phải đóng cửa ngay sau đó.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm