Trách nhiệm xã hội, nhìn từ một trò chơi của học sinh Cần Thơ

28/08/2018 06:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh một số học sinh tại trường THPT Thực hành Sư phạm (thuộc Đại học Cần Thơ) áp mặt vào nhau trong một trò chơi hoạt động tập thể gần đây đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Sự việc nghiêm trọng đến mức Bộ GD-ĐT đã vào cuộc yêu cầu xác minh.

Những hình ảnh này gây nên nhiều luồng dư luận trái chiều. Tuy nhiên phần đông những ý kiến đều chung một quan điểm, đó là những hình ảnh mặt kề sát mặt, ôm nhau lăn lộn trong clip trò chơi này thực sự không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Trả lời về việc để xảy ra sự việc trên, Hiệu trưởng của ngôi trường này đã nhận trách nhiệm và đưa ra thông tin chính thức về sự việc. Đây là một trò chơi được cho là có xuất xứ từ Nhật Bản.

Đáng nói, theo quy định, trò chơi này chỉ cho người cùng giới được chơi với nhau. Tuy nhiên, thời điểm đó, do lượng học sinh ùa về trạm quá đông, khiến Ban Tổ chức không kiểm soát được từ đó mới có tình trạng là có đôi nam nữ tham gia chơi cùng nhau, dẫn đến những hình ảnh mang tính phản cảm.

Chú thích ảnh
Hình ảnh học sinh Trường THPT-THSP Đại học Cần Thơ chơi trò chơi "chuyền thẻ bằng mặt"

Trò chơi này cũng chỉ là một trong chuỗi những hoạt động tập thể được đưa ra. Và do không quản lý được sát sao quá trình tổ chức nên đã để xảy ra cảnh tượng gây bất bình khi đăng lên mạng xã hội.

Trên thực tế, có lẽ clip đã không gây sự chú ý nhiều đến thế nếu đây là một nhóm người trưởng thành, ví dụ như sinh viên hay người đi làm. Tuy nhiên ở đây lại là các em học sinh cấp 3 - độ tuổi vẫn đang hoàn chỉnh nhận thức bản thân về cuộc sống.

Và vấn đề lớn nhất là nó xảy ra trong khuôn khổ hoạt động của trường - nơi có trách nhiệm giáo dục học sinh không chỉ có kiến thức, kỹ năng, mà còn trau dồi phẩm chất, cư xử đúng đắn để trở thành người trưởng thành.

Đã có những ý kiến phản ứng về vụ viêc theo kiểu “thiếu gì trò chơi dân gian mà lại chơi trò chơi Nhật Bản”. Thật ra, không quan trọng trò chơi xuất xứ từ đâu, nội dung mới là thứ đáng để lưu tâm nhất. Chẳng cứ là chuyện hai người nam - nữ, quan trọng là dù cùng giới thì vẫn có thể xảy ra nguy cơ những em học sinh tham gia trò chơi bị lạm dụng thân thể. Bởi, những đứa trẻ có thể chỉ cần vui là được, chỉ quan tâm chơi để chiến thắng và không để ý gì.

Bởi vậy, việc chơi một trò chơi mới cần đến những người đi trước, hiểu chuyện và xây dựng lên những môi trường an toàn để các em phát triển.  

***

Điều một môi trường giáo dục cần làm, đó là tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh và xã hội tin tưởng rằng những đứa trẻ sẽ được quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Không chỉ là trên giảng đường, mà là còn trong giờ giải lao, trong cách đối nhân xử thế ngoài giờ lên lớp. Đó là trách nhiệm mà xã hội đòi hỏi từ một môi trường sư phạm.

Sự việc vừa qua bùng phát trên mạng xã hội có lẽ sẽ là cơ hội khiến những người làm giáo dục có thêm cơ hội để ngẫm nghĩ: liệu mình đã dành sự quan tâm thực sự đúng mức trong việc giáo dục trẻ em? Có điều gì tưởng là bình thường nhưng nếu không cẩn thận, có thể gây ra những hậu quả lớn?

Nên chăng, khi tổ chức những sự kiện có tính nhạy cảm, người làm giáo dục hãy tự có những buổi “diễn tập” trong đầu. Rằng nếu sự việc mình chuẩn bị làm sẽ bị ai đó quay clip đăng lên mạng xã hội, thì cộng đồng có thể có những ý kiến trái chiều như thế nào? Rằng, khi sự kiện diễn biến ngoài ý muốn, điều gì có thể ảnh hưởng tới các em? Bởi, chủ động phòng tránh những hệ quả xấu cũng là điều cần, để thúc đẩy cải thiện trách nhiệm xã hội của mỗi người!

Hạ Hồng Việt

Học sinh chơi trò phản cảm ở Cần Thơ: Hiệu trưởng trường cho rằng nhiều người đang 'trầm trọng hóa vấn đề'?

Học sinh chơi trò phản cảm ở Cần Thơ: Hiệu trưởng trường cho rằng nhiều người đang 'trầm trọng hóa vấn đề'?

Hình ảnh nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và nhận được không ít ý kiến trái chiều, nhiều nhất là phản đối vì cho rằng trò chơi này là phản cảm, dung tục và không có ý nghĩa giáo dục nào hết.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm