Cố 'Trưởng thôn' Văn Hiệp trở thành NSƯT

16/09/2013 14:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Báo Văn hóa, cố nghệ sĩ Văn Hiệp đã chính thức được truy tặng danh hiệu NSƯT. Cụ thể, ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTT&DL) thông báo, ngày 13/9 Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời ngày 9/4 tại nhà riêng. Ngày 12/4, Hội Nghệ sỹ Sân khấu đã soạn xong lá đơn đề nghị Bộ VHTT& DL đặc cách phong NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp. Cùng với đó là đơn đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho diễn viên hài Văn Hiệp do đạo diễn - NSND Khải Hưng soạn thảo được các nghệ sỹ Hà Nội truyền tay nhau ký trong lễ viếng và truy liệu cố nghệ sĩ Văn Hiệp sáng 11/4. Tổng cộng có khoảng 150 người đã ký vào tờ đơn. Trước đó, qua 3 lần làm hồ sơ, cố nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được phong NSƯT vì thiếu huy chương.

Di ảnh cố nghệ sĩ Văn Hiệp

Trong lịch sử trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ở Việt Nam từng có những trường hợp đặc cách. Diễn viên Phương Thanh được truy tặng danh hiệu NSƯT năm 2012, ba năm sau khi bà qua đời. Ca sĩ Y Moan được được đặc cách trao danh hiệu NSND năm 2010 trong liveshow Ngọn lửa cao nguyên, diễn ra một tháng trước khi ông mất.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VHTT&DL được tổ chức ngày 6/8 tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL thông báo, Hội đồng xét đặc cách của Bộ xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã nhất trí với 100% phiếu tán thành đề nghị truy tặng nghệ sĩ Văn Hiệp danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ này đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xét đặc cách truy tặng danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Trước đó, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức họp Hội đồng xét đặc cách truy tặng danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp với 8/8 thành viên Hội đồng nhất trí đề nghị Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét đặc cách truy tặng danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp vì những cống hiến hết mình của nghệ sĩ đối với nền nghệ thuật sân khấu và điện ảnh nước nhà.

Hồ sơ nêu rõ: Cố nghệ sĩ Văn Hiệp có nhiều đóng góp cho sự phát triển của sân khấu kịch Việt Nam nói chung, của Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng. Ông đã tham gia trên dưới 1.000 tác phẩm của sân khấu và điện ảnh, truyền hình. Trong hoạt động nghệ thuật, cố nghệ sĩ luôn khẳng định phong cách riêng, có tính chuyên nghiệp cao, có nhiều tìm tòi, sáng tạo với một tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, để lại nhiều vai diễn nổi tiếng, có giá trị trên sân khấu và màn ảnh nhỏ, được các đồng nghiệp đánh giá cao, rất được khán giả mến mộ…

Cố nghệ sĩ Văn Hiệp đã có nhiều vai diễn “để đời”: vai Phi Vân trong vở kịch Pháo hoa, vai Háp trong vở kịch Đôi mắt… và đặc biệt là vai Sacca trong vở Nita, vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến… Bên cạnh đó, cố nghệ sĩ Văn Hiệp tham gia nhiều phim truyền hình và rất được mến mộ với thương hiệu trưởng thôn.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà nước

1. Tiêu chuẩn Nghệ sĩ Nhân dân:

- Đối với nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, liên tục 5 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến liền kề với năm xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.

- Đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp phải thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú).

- Được tặng ít nhất 3 giải thưởng chính thức (loại vàng) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại các Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, tính từ sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

- Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên), đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên.

2. Tiêu chuẩn Nghệ sĩ Ưu tú:

- Đối với nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến 5 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

- Đối với nghệ sĩ, nghệ nhân không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp phải thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú).

- Được tặng ít nhất 4 giải thưởng chính thức (loại vàng hoặc bạc) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại các Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

- Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên (đối với nghệ thuật xiếc từ 10 năm trở lên).

T. Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm