Về Lệ Thủy, nghe điệu hò khoan tiễn Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

11/10/2013 08:07 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -“Xin chào anh, chào chị, này…. là hồ hò khoan”. Đấy là câu hò khoan Lệ Thủy mà Đại tướng được nghe tại chính quê nhà vào tháng 8/2004. Đó cũng là lần cuối cùng Người về thăm quê. Sáng 10/10, tại sân nhà Đại tướng, những người hát hò khoan năm 2004 đã về lại đây, hát điệu hò quê hương tiễn đưa người về với đất mẹ.

Hình ảnh Đại tướng mang chiếc áo bà ba màu mỡ gà ngồi giữa sân nghe hát hò khoan cho đến giờ vẫn không thể nào quên trong tâm trí người dân nơi đây.

Ký ức về Đại tướng trong chuyến thăm quê cuối cùng

Hồi ấy, ông Nguyễn Tư Pháp là Bí thư huyện ủy Lệ Thủy, trực tiếp đón tiếp, tháp tùng Đại tướng. “Năm ấy, bác về với phu nhân, có thư ký Nguyễn Huyên, bác sĩ chăm sóc và 5 người khác. Lần nào về, bác cũng lên nghĩa trang Mai Thủy thắp hương cho thân sinh, nên chương trình của sáng ngày đầu tiên là đưa bác đến viếng nghĩa trang. Nhưng sáng hôm ấy trời mưa nặng hạt. Anh em trong đoàn dự định xin bác cho hoãn chương trình đến chiều. Song địa phương báo lên là, biết thông tin bác tới nghĩa trang vào sáng hôm ấy, nên người dân đã đến từ rất sớm, tới hơn 2.000 người rồi. Anh em trong huyện không biết tính sao cho hợp lý. Bác thấy mọi người cứ đi, ra đi vô nên hỏi có chuyện gì. Khi tôi báo cáo tình hình là như thế, bác bảo phải đi ngay trong sáng nay, không được để đến chiều, mưa mà bà con vẫn đến thì sao mình không đến?”

Ông Nguyễn Tư Pháp gặp Đại tướng lần cuối, năm 2004
9h sáng, vẫn mưa, khi thấy bà con đứng giữa trời mưa chờ bác, Đại tướng xúc động lắm. Bác nói chuyện với người dân, cảm ơn mọi người. Như chưa thỏa lòng, nhiều bà con đi bộ, đi xe đạp về thăm bác ở UBND huyện. Đại tướng vẫn dành thời gian nói chuyện với bà con.

Trưa hôm ấy, Đại tướng mời Bí thư và Chủ tịch huyện lên hỏi chuyện về tình hình địa phương. Bác dặn đi dặn lại, phải chú ý đến chuyện học của con em, đặc biệt đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa. Bác còn đặc biệt chú trọng đến hai việc: áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp và phát triển các làng nghề.

Hôm ấy, bác bảo: “Tối nay tôi ngủ ở nhà nhé”. Các cán bộ huyện rất lo, vì nằm ngoài dự tính, không biết phương án bảo vệ như thế nào. Giữa chiều bác về đến nhà, mọi người mang bàn ghế ra sân mời bác ngồi. Bác thăm hỏi bà con làm ăn thế nào, có khỏe không? Bà con rất yên lặng nghe bác nói và trả lời bác.

“Nhưng nhớ nhất là vào năm 2003 mình ra thăm bác. Khi ấy bác đang ở Đồ Sơn. Mình điện cho anh Nguyễn Huyên - thư ký của bác. Nghe anh Huyên nói, sáng hôm sau Đại tướng dậy sớm lắm, quần áo sơ vin, cứ đi ra đi vào chờ chúng tôi đến để hỏi thăm bà con trong quê. Hồi ấy bác dặn: “Cậu vào cậu giữ gìn vệ sinh môi trường dọc bờ sông Kiến Giang đi, giờ thấy bà con lấn ra mép sông, làm quán xá quá nhiều.” Trước đó, dù nói thế nào cũng không ai chịu rời đi. Nhưng khi nói “đây là ý kiến của Đại tướng”, 320 quán dọc sông giải tỏa ngay trong một tuần”.

Điệu hò khoan mà Đại tướng nghe lần cuối, nay lại cất lên đưa người về đất mẹ.

Điệu hò khoan lại cất lên tiễn Người

Chiều qua, tại nhà Đại tướng ở Lệ Thủy, hàng đoàn người xếp hàng chờ được vào thắp hương. Lần cuối về thăm quê, bác ra vườn tưới cây, trồng cây mít. Giờ cây mít đã cao lớn lắm rồi, chờ bác về, nhưng không được nữa rồi.

Chị Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi, thôn An Xá) nhớ lại: “Mỗi lần Đại tướng về, cả huyện như có hội. Dù có bận gì, bà con cũng bỏ hết việc, ra đứng hai bên bờ sông từ sáng sớm. Đông kín hai bên bờ sông. Mặt ai nấy đều háo hức. Bác bước xuống xe, giơ tay chào mọi người, khuôn mặt  như tỏa hào quang. Bác bắt tay hết cả hàng người đứng hai bên đường. Đại tướng hỏi mọi người “Bà con có được dân chủ không?”. Ai cũng nói “Dạ có”. Bác liền nói: “Không được dân chủ thì bà con phải phản ánh ngay nhé”.

Lần cuối ấy, mới đó mà đã gần 10 năm. Căn nhà, cảnh vật,.. vẫn còn đó. Mỗi lần nhắc đến ngày ấy, ai cũng nhớ như in hình ảnh một ông cụ giản dị tưới cây ngoài vườn hay hào hứng vỗ tay hát theo “…là hồ hò khoan”. Ông Võ Đức Tôn (76 tuổi, thôn An Xá) nói: “Lần cuối ấy, tôi nhớ nhất bác bảo bà con hãy áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, đừng thấy khó mà bỏ. Như bác lúc đầu không biết cầm súng mà học hỏi nên đánh giặc giỏi. Không có việc gì khó cả. Không có thời gian nhiều để nói chuyện với mọi người, bác nói “tôi nói ít mà tình dài”. Trước khi về huyện, bác sang nhà thắp hương cho ông bà nội tôi (chú thím ruột của Đại tướng - PV)”

Sáng nay, tại sân nhà Đại tướng, những người hát hò khoan năm 2004 đã về lại đây, hát điệu hò quê hương tiễn đưa người về với đất mẹ. Miệng vừa hát mà lòng các bà, các mẹ như đứt từng khúc ruột. Miệng hát hò khoan mà nước mắt không ngừng rơi. Vẫn những tiết mục ấy, vẫn những điệu hò quê hương quen thuộc ấy, vẫn sân nhà bác nhưng Đại tướng không còn ngồi đó.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hồng Thúy (Từ Lệ Thủy)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm